Du lịch Tuyên Quang một năm vượt khó

Thứ hai, ngày 11/01/2021 - 11:01
Đã xem: 2,344 views

Năm 2020, ngành Du lịch Tuyên Quang mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Qua đó, đưa ngành du lịch tiếp tục ổn định, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyên Quang - Nơi vẻ đẹp hội tụ

Những cụm từ "kích cầu du lịch", xây dựng "điểm đến an toàn" được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết, đó được coi là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân. Theo đó, ưu tiên thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững khu, điểm du lịch an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cơ sở vật chất và nhân lực tốt phục vụ nhu cầu khách du lịch trong tình hình mới.

Chương trình Kích cầu du lịch Tuyên Quang 2020 hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"

Các doanh nghiệp du lịch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, có hành động thể hiện quyết tâm cao vực lại hoạt động của ngành bằng cách tăng cường khả năng liên minh kích cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng và đưa các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cả về giá và chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách du lịch nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ chương trình quốc gia "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid - 19 còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh, đổi mới hình thức quảng bá, xúc tiến, trong đó tập trung kích cầu thị trường nội địa, tăng cường kết nối và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương trong cả nước.

Cùng với triển khai nhiều chính sách kích cầu, các chương trình giảm thuế, phí tham quan nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí không giảm chất lượng dịch vụ, thậm chí nhiều nhà hàng, khách sạn, điểm đến còn phải tăng cường về chất lượng để thu hút du khách, góp phần giữ gìn và quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang.

Các nhiệm vụ về phát triển không gian du lịch, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường dịch vụ du lịch, đổi mới và đa dạng sản phẩm du lịch đều được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Để thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngay sau khi dịch Covid - 19 đợt 1 kết thúc, nhiều điểm đến triển khai giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch mới như: huyện Chiêm Hóa tập trung xây dựng và triển khai hoàn thành Đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với Khu di tích Quốc gia Kim Bình; xây dựng điểm dừng chân Đèo Gà gắn với điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Thịnh; phát triển điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba; Huyện Na Hang, Lâm Bình tập trung xây dựng các mô hình homestay gắn với  giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và kết hợp với các dịch vụ bổ trợ như chèo thuyền Kayak, cưỡi ngựa thăm quan bản làng...

Du khách chèo Kayak trên lòng hồ Na Hang - Lâm Bình

Trong năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách đến với Tuyên Quang giảm, tranh thủ thời gian vắng khách, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình tổ chức chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm về xúc tiến du lịch tại tỉnh Hà Giang với nội dung “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại huyện Lâm Bình” nhằm củng cố và bổ sung kiến thức, kỹ năng cho bà con đang làm dịch vụ homestay để chỉnh trang lại khuôn viên, nhà cửa chuẩn bị đón khách quay trở lại sau dịch bệnh.

Với sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chương trình kích cầu, liên kết, hợp tác du lịch giữa nhiều vùng miền đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, không ngừng khẳng định chất lượng, thương hiệu du lịch Tuyên Quang - Nơi vẻ đẹp hội tụ.

Năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Tuyên Quang ước đạt 1,7 triệu lượt, chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 4,85%/năm; Doanh thu ước tính trong toàn ngành đạt 1.500 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 5,2%/năm. Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, mặc dù chưa đạt như kỳ vọng song kết quả này của ngành du lịch Tuyên Quang đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của cả tỉnh trong việc phục hồi ngành du lịch.

Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Năm 2021, ngành du lịch Tuyên Quang tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tuy nhiên, đây cũng là thách thức, khó khăn, đòi hỏi cần được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp du lịch cùng với sự nỗ lực những người lao động trong toàn ngành phấn đấu vượt qua khó khăn, đưa du lịch phục hồi trở lại.

Phạm Hương