Lặn xuống độ sâu gần chục mét, ngồi rình cá bơi qua rồi phóng tên... Đấy là nghề săn cá đã có từ hơn chục năm ở xứ hồ Na Hang. Những người đi săn cá phải chuẩn bị cho mình đầy đủ từ đồ săn cá đến tâm lý vững vàng, chăm chỉ luyện tập để có sức khỏe dẻo dai, kỹ năng bơi lặn như... cá.
Phút đối mặt với “thủy thần”
Dáng người đậm, cuồn cuộn cơ bắp, anh Trần Văn Thảo ở tổ 4, thị trấn Na Hang được nhiều người biết đến với khả năng lặn sâu và lâu ở dưới nước. Anh Thảo có thể lặn đến 2 phút và xuống đến độ sâu trên dưới 10 m ở lòng hồ sinh thái Na Hang. Từ khả năng của mình, anh Thảo đã nghĩ ra cách bắt cá khác người so với cách đánh cá truyền thống của người dân như đi câu, đánh lưới... bằng cách chủ động lặn xuống bơi tìm cá để phóng tên.
“Người cá” Trần Văn Thảo.
Dụng cụ bắn cá giống như chiếc nỏ chỉ khác là cánh nỏ sử dụng loại gỗ rừng có sức căng lớn, Thảo thay bằng dây chun đặc để tăng độ đàn hồi, dẻo dai dưới nước, mũi tên có ngạnh và có dây níu với phần thân ná. Anh Thảo kể, gặp phải những con cá nhỏ cỡ 5, 6 kg thì việc giữ cá đưa lên mặt nước là chuyện thường nhưng gặp những con cá khủng từ 20 kg trở lên lại chẳng hề đơn giản chút nào. Có những lần anh bị cá kéo, phải ngoi lên ngụp xuống mất cả tiếng đồng hồ mới chinh phục được cá khủng.
Anh Thảo bắt đầu với nghề săn cá từ khoảng năm 2008 khi bất chợt xem trên mạng thấy cách bắt cá của thổ dân châu Phi săn cá bằng cách lặn xuống mở mắt tìm rồi dùng lao săn cá. Những lần đầu anh thử làm theo uống nước đến no bụng, mắt mờ đi mà không bắt được con cá nào. Sau đó anh Thảo lên hồ luyện tập hàng ngày để hơi lặn ngày càng lâu, sâu, giữ bình tĩnh ở dưới nước, mua thêm kính nhìn dưới nước... nhờ thế số cá, kích cỡ cá săn được ngày một tăng. Đến nay, anh Thảo không nhớ mình đã săn được bao nhiêu con cá khủng nhưng chắc chắn số lượng đến hàng tấn. Anh nhớ nhất là lần cách đây 2 tháng trước, khi nhóm anh đi săn ở khu vực lòng hồ thuộc xã Trùng Khánh cũ, anh lặn xuống núp dưới vách đá và bắn trúng một con trắm đen khủng đầu to như đầu trâu, toàn thân đen xù xì, dài cỡ chiếc đòn gánh. Lần ấy vừa phóng tên xong anh thấy bóng cá rẽ nước tạo sóng lớn, lao loáng đi như chiếc “tầu ngầm”, kéo theo anh mắc vào một gốc cây, biết không thể níu giữ nổi anh đành buông tay, khi ngoi lên mặt nước mà tim vẫn đập, chân run.
Những “người cá” ở Na Hang
Anh Thảo trước đây là vận động viên của thị trấn từng tham gia và đạt nhiều giải thưởng các môn như đẩy gậy và bóng chuyền. Sau anh mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, nghề săn cá chỉ là nghề tay trái nhưng anh rất đam mê. Anh Thảo bảo, biết là gặp cá khủng rất nguy hiểm nhưng anh vẫn muốn có lần được gặp lại những con cá khủng để lại có cảm giác hồi hộp. Để hỗ trợ nhau, anh Thảo lập nhóm săn cá khủng và từ đây đã xuất hiện thêm những “người cá” mới như anh Nguyễn Văn Huynh ở tổ 8, Nguyễn Văn Thức làm nghề tự do ở tổ 9, Trần Văn Hùng ở tổ 8...
“Người cá” Trần Văn Thảo trong một lần săn được cá khủng.
Nhóm săn cá của anh Thảo có khoảng hơn chục người, có những chuyến đi lên tận mạn Khuổi Nhi, Thúy Loa, Bắc Rèm... kéo dài đến vài ngày. Trong thời gian qua, anh thấy khách du lịch đến huyện ngày càng nhiều, tuy nhiên anh cũng nhận thấy các loại hình du lịch trải nghiệm vẫn còn hạn chế. Anh cho rằng, nếu việc tổ chức cho du khách thử cảm giác lặn ngắm cá hoặc có thể tham gia trải nghiệm săn cá dưới nước cũng rất thú vị. Anh có dự định làm YouTube săn cá và phong cảnh núi non để giới thiệu về quê hương Na Hang nhưng do thiếu phương tiện nên chưa thực hiện được.
Nên hình thành du lịch trải nghiệm mới
Anh Nguyễn Văn Thìn, Phó Giám đốc Văn hóa - Truyền thông và Thể thao huyện Na Hang, người có nhiều tâm huyết về quảng bá, phát triển du lịch huyện cho biết, đúng là việc trải nghiệm lòng hồ với các dịch vụ như tắm hồ, bơi thuyền Kayak... đã được khai thác nhiều. Hay như mùa hoa lê vừa qua, trung tâm đã cử phóng viên tuyên truyền hiệu quả gắn liền với những đặc sản địa phương trên truyền hình, mạng xã hội còn săn cá hoặc phát triển du lịch lặn ngắm cá thì chưa nghĩ đến. Nhưng thật sự đây là một hình thức trải nghiệm rất đáng để cho vào menu du lịch nếu như đảm bảo đầy đủ các yếu tố, đặc biệt là có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia.
Lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Hồ sinh thái Na Hang rộng trên 8.000 ha mặt nước đã mang lại nguồn lợi lớn cho người dân trên địa bàn cả về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tự nhiên. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, trung bình mỗi năm sản lượng nuôi thủy sản trên lòng hồ đạt hơn 700 tấn với nhiều loại cá đặc sản như bỗng, chiên, lăng chấm; sản lượng khai thác hơn 300 tấn... Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện thường xuyên thành lập các tổ liên ngành tuyên truyền nhắc nhở người dân khi khai thác, đánh bắt trên lòng hồ thủy điện thực hiện đúng quy định về khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản, sử dụng đúng kích cỡ mắt lưới, vó... đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp đánh bắt theo hình thức tận diệt. Huyện Na Hang cũng đã triển khai kế hoạch phát triển thủy sản huyện, giai đoạn 2020 - 2025 với những giải pháp cụ thể gắn với bảo tồn nguồn giống các loại cá quý, đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản lâu dài, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Với những giải pháp cụ thể trong việc quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ cảnh quan, nguồn tài nguyên thiên nhiên đã tạo đà cho du lịch Na Hang phát triển. Trong tương lai, hy vọng Na Hang không chỉ phát triển những tour du lịch đơn thuần mà có thêm nhiều hình thức du lịch mới, du lịch trải nghiệm giống như việc lặn ngắm hoặc săn cá đầy thú vị.
Theo TQĐT