Có một ngôi nhà thổ cẩm trong lòng phố
1. Hơn 20 năm trước, cô thiếu nữ Nguyễn Thanh Mai, khi ấy tuổi mới ngoài đôi mươi chưa có công việc ổn định, chưa định hướng gì cho tương lai. Hội Phụ nữ tỉnh mở một lớp dạy nghề thêu cho phụ nữ. Mai đăng ký học ngay. Khéo léo, lại sẵn niềm đam mê với những sợi chỉ rực rỡ màu sắc, Mai là học viên học nghiêm túc và tỉ mẩn nhất lớp. Những chiếc túi thổ cẩm được chị thêu tay từng họa tiết, hoa văn, tự chọn vải may làm quà tặng cho các chị, các cô trong gia đình. Nhưng đam mê, lúc này cũng chỉ dừng lại ở đấy. Kết thúc khóa học, mọi người tản mát mỗi người một việc, Nguyễn Thanh Mai cũng vậy. Học việc, rồi lấy chồng, sinh con, nuôi dưỡng, dạy dỗ hai đứa trẻ… gần như chiếm hết thời gian của chị.
Thoắt cái, đã hơn hai mươi năm trôi qua. Công việc dần ổn định, lũ trẻ trong nhà, đứa lớn đã rời đất nước đi du học Nhật Bản, đứa nhỏ đang theo học Phổ thông trung học. Mỗi giờ tan làm bước chân về nhà, cảm giác nhớ con khiến chị như người mất hồn. Lúc này, cô con gái lớn cũng đã biết làm điệu theo cách riêng, thi thoảng lại nhờ mẹ thêu tay lên chiếc áo mới, may cho chiếc túi xách thổ cẩm để không “đụng hàng” với các bạn trên lớp. Chị Mai quay trở lại với nghề thêu như thế.
Những cuộn len màu sắc là chất liệu chính để chị Mai tạo nên các sản phẩm của mình.
2. Gian phòng khách được chị Mai ưu tiên riêng một góc để theo đuổi đam mê. Những cuộn len màu được để trong một hộp riêng. Vải chàm cũng được cắt thành từng kích cỡ. Chiếc máy may cũ ngay ngắn ở góc phòng, đón ánh sáng từ ngoài cửa chính để sẵn sàng thành hình những chiếc túi, chiếc ví, khăn trải bàn…
Phòng khách được chị Mai tận dụng một góc nhỏ để làm việc.
Trước khi bắt tay chính thức quay trở về với nghề thêu thổ cẩm, chị Nguyễn Thanh Mai đã dành thời gian hơn một năm để tìm hiểu họa tiết, hoa văn của từng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Như họa tiết, hoa văn trên các hình thêu của người Mông thường có hình ốc và các họa tiết cấu tạo bằng các đoạn thẳng, đường thẳng; thổ cẩm của người Dao có những họa tiết cơ bản như ngôi sao 5 cánh màu gà, chữ Vạn; thổ cẩm của người Tày thường là hình hoa lá, con vật nhiều màu sắc…
Tìm hiểu đặc trưng của từng dân tộc, học cách thêu sao cho thuần thục và tự nhiên, chị Mai cũng dành thời gian này để tìm hiểu thị trường trong tỉnh và một số thành phố phát triển về du lịch như Hà Nội để lựa chọn hướng phát triển sản phẩm cho phù hợp. Chị bảo, càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy xót và tiếc cho công sức gìn giữ những nét hoa văn độc đáo của đồng bào các dân tộc. Khi tại hầu hết các điểm du lịch, ngay cả tại những cửa hàng, các sản phẩm như ví thổ cẩm, túi thêu hay quần áo đều là hàng may công nghiệp nhập từ nước ngoài. Chất liệu không tốt, đường kim mũi chỉ cũng không được cẩn thận, tỉ mẩn, mà giá bán sản phẩm cũng không hề tương xứng với chất lượng.
Chị Mai cho biết, sau khi tìm hiểu, chị tập trung vào một số mặt hàng chính như: Ví, túi thổ cẩm các kích cỡ, khăn trải bàn… Những chiếc ví nhỏ được chị Mai cải biến thành ví đeo ngang hông, chia nhiều ngăn chỉ với giá bán 30 nghìn đồng một sản phẩm hiện đang là mặt hàng “đắt khách” nhất. Từ món quà tặng người bạn bán hàng ở chợ, giờ chính người bạn ấy trở thành “đại lý”.
3. Ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thanh Mai giờ trở thành địa chỉ “làm thêm ngoài giờ” của nhiều phụ nữ trong tổ dân phố. Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thị Thủy… được chị Mai hướng dẫn từng đường kim mũi chỉ, giờ đều đã thành thạo tất cả các hoa văn, họa tiết của đồng bào dân tộc. Tranh thủ làm thêm ngoài giờ, mỗi ngày, một người có thể hoàn thành đôi ba sản phẩm. Có sản phẩm đến đâu, chị Mai lại ghép lên vải chàm, may thành túi, thành ví đến đấy.
Chị Mai bảo, vì là sản phẩm phục vụ du lịch, nên chị sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường nhất để hoàn thiện sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm túi đeo qua vai chị đều sử dụng chính vải chàm để làm cúc, những sản phẩm túi thì dùng cúc dừa.
May ghép túi sau khi hoàn thiện phần thêu. Cúc được thắt từ chính những phần vải thừa.
Ngoài việc đưa sản phẩm ví đeo ngang hông ra thị trường thông qua các đại lý, người bán buôn, thì các sản phẩm chuyên về hàng quà tặng phục vụ khách du lịch như túi khoác vai, khăn trải bàn thổ cẩm… mỗi tháng cơ sở của chị cũng làm được vài trăm sản phẩm. Chi cục Phát triển nông thôn đang hỗ trợ cơ sở của chị tiếp thị sản phẩm tại một số điểm du lịch lớn của tỉnh như các điểm du lịch cộng đồng ở Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Tân Trào (Sơn Dương)…
Ngôi nhà nhỏ trong lòng phố Tân Hà vẫn từng ngày dệt lên giấc mơ đưa thổ cẩm địa phương thay thế những món quà gia công “nhập” từ nơi khác về. Chặng đường ấy, dẫu xa hay gần, cũng đều đáng trân quý, khi kéo được những phụ nữ phố thị tỉ mẩn với từng đường nét, hoa văn của những phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Theo TQĐT