Ngày xuân đến với các bản làng người Dao, đặc biệt là ở xã Trung Hà, chúng ta không khó bắt gặp những tốp chị em Dao Tiền diện trên mình bộ trang phục truyền thống. Vẻ đẹp tinh tế, riêng có từ những chiếc váy nhuộm chàm được chấm sáp ong càng tôn thêm vẻ đẹp của những người con gái Dao nơi đây.
Chị em phụ nữ Dao Tiền sửa soạn trang phục đi chơi Tết.
Để có được chiếc váy chấm sáp ong đẹp mắt, đầu tiên người phụ nữ Dao sẽ chọn mua những tấm vải màu trắng. Đây là loại vải được dùng để thêu thùa, khâu váy áo, khổ vải rộng 40 cm, độ dày vừa phải. Tấm vải được cắt thành từng mảnh dài khoảng 45 cm. Vải sau khi cắt được đặt lên bề mặt phẳng là chiếc mẹt. Trước khi chấm, sáp ong được đun nóng chảy trên một chiếc đĩa đặt phía trên than củi. Nhằm tránh hoạ tiết sau khi chấm không đồng đều, thì sáp ong nhất thiết phải chọn là sáp ong rừng, sáp luôn được đun nóng chảy ở nhiệt độ vừa phải.
Sáp ong được chọn từ sáp ong rừng đun lên ở nhiệt độ vừa phải.
Dụng cụ để chấm sáp ong gồm: Dụ pơi (một que tre nhỏ được vót nhọn đầu), vè (một que tre nhỏ gắn thanh sắt nhỏ tạo hình chữ, chùn thố (2 ống tre to và nhỏ) và phong tháo (Một que tre nhỏ được gắn sắt ở đầu). Đầu tiên dùng vè để tạo hình tam giác trên tấm vải, sau đó dùng dụ pơi chấm phía trong tam giác; phong tháo dùng để tạo các đường viền của các hình tam giác nhọn và chùn thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Đây là bước sau cùng để hoàn chỉnh bộ hoa văn trước khi miếng vải được nhuộm chàm.
Công đoạn chấm sáp ong được chị em thực hiện tỉ mỉ khéo léo.
Lá chàm được hái từ trước đó 1 tháng.
Công đoạn nhuộm chàm được bà Lý Thị Yên hướng dẫn cho các thành viên câu lạc bộ.
Sau khi vải đã được chấm sáp ong và giặt nước ấm, phơi khô, công đoạn tiếp theo để hoàn thiện bộ trang phục phụ nữ Dao Tiền đó là nhuộm chàm. Bà Lý Thị Yên, người nắm kỹ thuật nhuộm chàm nhất bản người Dao xã Trung Hà chia sẻ: Trong công đoạn nhuộm chàm sau khi vải được chấm sáp ong xong phải ủ, ủ để chàm nát rồi vắt bỏ chàm đi chỉ lấy mỗi nước. Lấy nước đổ vào chum để nước chàm ngấm vào miếng vải tạo thành màu đen. Đủ nước rồi mới gấp tấm vải, gấp theo kiểu gấp bên này bên kia rồi mới bắt đầu nhuộm chàm. Nhuộm miếng vải này trong hai tiếng rồi phơi tấm vải lên để nước tự chảy chứ không được vắt. Sau khi nhuộm chàm xong mới đến công đoạn tiếp theo là thêu áo.
Chị em thêu sau khi vải đã được chấm sáp, nhuộm chàm, làm được bộ trang phục này phải mất khoảng 03 tháng.
Trong trang phục của người phụ nữ Dao Tiền có Khăn vấn đầu, áo, dây lưng, váy, xà cạp và trang sức bằng vàng hoặc bạc... Trên lưng áo và chân vạt áo có nhiều hoa văn dấu nhân, chữ thập, bông hoa, con vật... mô phỏng thiên nhiên, con người nơi họ sinh sống, gắn bó. Đặc biệt, dọc sống áo có thêu 2 hàng hoa văn xếp song song hình con chó và con lừa, bởi theo quan niệm của các bậc cao niên, những con vật đó như vị “cứu tinh” của dân tộc. Khăn vấn đầu được trang trí ở 2 đầu bằng các họa tiết hoa và được đính hạt cườm xanh lam hoặc xanh ngọc bích với các sợi chỉ đỏ sặc sỡ. Tất cả đường nét, hoa văn trên áo, khăn đều sử dụng chỉ đỏ, trắng, vàng và phần lớn được thêu theo một kiểu chung, tuy nhiên, những người khéo tay vẫn có thể sáng tạo hoa văn theo cách riêng, tạo nên sự khác biệt trên trang phục. Kỹ thuật thêu cũng rất đặc biệt, không thêu đè lên các sợi vải mà thêu luồn chỉ theo mắt sợi, thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại nổi lên ở mặt phải. Hoa văn trên váy chủ yếu là hình tròn, đường viền lượn sóng. Ngoài ra, phụ nữ Dao Tiền còn quấn thêm xà cạp ở chân khi mặc váy và đeo thêm trang sức như vòng tay, vòng cổ...
Điệu hát Páo Dung và múa màng trong những ngày đầu xuân.
Xuân về, người già, người trẻ xúng xính váy áo hòa mình với làn điệu Páo Dung, điệu múa màng. Với những phụ nữ Dao Tiền, Tết không chỉ là thời gian sum họp gia đình mà còn là cơ hội thể hiện sự đảm đang, khéo léo, dệt nên những bộ trang phục giàu bản sắc văn hóa dân tộc./.
Theo TQĐT