Hồng Thái: Phát triển dịch vụ du lịch Homestay

Thứ sáu, ngày 13/05/2022 - 07:33
Đã xem: 2,588 views

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, xã Hồng Thái (Na Hang) được ví như “Sapa của Tuyên Quang”, với núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh các sườn đồi… Những năm qua, xã đã phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Dao Tiền.

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, xã Hồng Thái (Na Hang) được ví như “Sapa của Tuyên Quang”, với núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh các sườn đồi… Những năm qua, xã đã phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Dao Tiền.

Trong căn nhà truyền thống của người Dao Tiền người dân đã biết tận dụng để phát triển mô hình du lịch Homestay

Đồng chí Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, Hồng Thái có trên 75% dân số là đồng bào Dao Tiền với nhiều nét văn hóa độc đáo. Khí hậu nơi đây bốn mùa đều có cảnh đẹp. Mùa xuân, rực rỡ sắc hoa mận, hoa lê. Mùa hè, những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa như thảm lụa vắt ngang lưng đồi. Khi tiết thu về, những thảm lúa chín vàng óng trên những ruộng bậc thang như lớp lớp sóng tỏa hương. Còn mùa đông, Hồng Thái thật huyền ảo, mây sà xuống từng vạt rừng, từng nóc nhà... Mới đây, xã đã về đích nông thôn mới làm cho diện mạo của xã ngày càng khang trang, sạch đẹp. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng đang là hướng đi mới để xã phát triển kinh tế - xã hội.

Chị Đặng Thị Dương, dân tộc Dao Tiền, chủ Homestay Đặng Dương, thôn Khau Tràng cho biết: Sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Thái nên sau khi tốt nghiệp Đại học, chị ấp ủ ước mơ về quê làm du lịch cộng đồng, quảng bá những nét văn hóa của dân tộc mình đến với du khách. Homestay của chị Dương là một trong những homestay đầu tiên có mặt tại xã. Mỗi dịp cuối tuần, tại đây đều đón từ 50 - 80 khách du lịch, mức phí ở cũng hợp lý chỉ khoảng 50.000 đ/người. Nếu khách có nhu cầu thưởng thức ẩm thực, các món ăn mang hương vị của núi rừng, gia đình chị sẽ phục vụ theo yêu cầu…. Trước  ngôi nhà, chị Dương trồng rau, làm ao nuôi cá, sau nhà nuôi gà, nuôi lợn… tạo cho khách sự thích thú, mong muốn trải nghiệm. 

Người Dao Tiền ở Hồng Thái hiện nay vẫn giữ được những nét riêng của trang phục, với sự nhã nhặn, tinh tế và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Khác với người Dao Đỏ họa tiết trong trang phục chủ yếu là màu đỏ thì trang phục của người Dao Tiền màu sắc chủ đạo là màu chàm và màu trắng rất hài hòa. Chị Triệu Thị Ninh, thôn Khâu Tràng chia sẻ: Phụ nữ người Dao Tiền ai cũng biết dệt vải, thêu thùa và được dạy từ lúc còn nhỏ hoặc khi về nhà chồng. Những lúc nông nhàn chị em thường học tập nhau về cách nhuộm vải, thêu hoa làm những bộ trang phục đẹp. Trang phục của phụ nữ người Dao Tiền được làm rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian, họa tiết đặc trưng thêu trên áo là hình con chó cách điệu và bông hoa tám cánh…

Du khách thỏa thích check-in ngay tại Homestay 

Đặc biệt ở đây, ngôi nhà cổ của người Dao với kiến trúc 1 gian 2 chái vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, mộc mạc, ẩn hiện giữa mây trời làm đắm say du khách. Những năm qua, cùng với việc vận động người dân phát triển kinh tế, xã còn khuyến khích đồng bào Dao giữ gìn nét văn hóa độc đáo. Xã thành lập 1 CLB hát Páo dung để biểu diễn phục vụ khách du lịch… Từ năm 2019, ngành văn hóa huyện Na Hang đã tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống để làm cơ sở đầu tư đưa Hồng Thái là điểm đến của Na Hang… Cùng với đó xã Hồng Thái còn chủ động phát huy lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm để trồng các loại cây đặc sản, ưa khí hậu lạnh. Nơi đây đang dần trở thành vùng nông sản sạch của huyện Na Hang với gần 60 ha lê, gần 100 ha chè đặc sản cao cấp…. Xã có 2 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp chuyên sản xuất rau an toàn hiện đang triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa”. Hợp tác xã Sơn Trà chuyên trồng, thu mua, chế biến chè và dịch vụ trồng trọt. Hiện nay đơn vị này đang chủ trì thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với chè Shan Tuyết”….

Hiện nay, nhiều gia đình tại xã Hồng Thái đã quan tâm nhiều hơn đến du lịch cộng đồng, nhiều hộ đã bỏ vốn để cải tạo nhà, phục dựng các đồ vật trang trí truyền thống của dân tộc, học cách chế biến các món ăn từ sản vật sẵn có của gia đình và địa phương… Nếu so sánh về tiềm năng và số lượng hiện tại chỉ có 4 gia đình làm homestay thì thật sự là quá nhỏ. Mới đây, tuyến đường du lịch từ trung tâm xã Hồng Thái đến huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã được hoàn thành, mở ra nhiều triển vọng du lịch mới với địa phương này. Tuy nhiên, để loại hình du lịch homestay phát triển bền vững, cần có sự chủ động của nhân dân, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các hộ làm kinh doanh loại hình dịch vụ du lịch này. 

theo:nahang.tuyenquang.gov.vn/