VỀ MIỀN GÁI ĐẸP XEM “LỄ HỘI THÀNH TUYÊN”

Thứ ba, ngày 23/08/2022 - 14:47
Đã xem: 3,390 views

Mảnh đất Tuyên Quang, nơi được mệnh danh là “Miền gái đẹp” mà chỉ được nghe qua những câu chuyện kể. Nhân dịp Tết Trung thu (15/8 âm lịch) từ Hà Nội, chúng tôi ngược lên Thái Nguyên, đến thị trấn Sơn Dương, theo quốc lộ 2C để đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Theo từng bậc đá, lên lán Nà Nưa thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Lặng nhìn nơi Bác đã từng sống trong căn lán nhỏ, chúng tôi ai cũng ngấn lệ khi nghe cô hướng dẫn viên người Tày kể lại câu chuyện lúc Bác đang ốm nặng. Tại nơi đây, cuối tháng 7 năm 1945 Bác đã nói với đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”. Và tháng 8 năm 1945, nước Việt Nam đã giành được độc lập. Bất giác, chúng tôi cùng đưa cánh tay phải lên, ôm lấy lá cờ Tổ quốc trên ngực trái của mình.

Từ Tân Trào về đến thành phố chừng hơn một giờ đồng hồ. Trước mặt khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang là quảng trường rộng lớn, lưng tựa vào ngọn núi cao. Đứng đây là bao quát được khắp cả thành Tuyên.

Chếch lên phía trên là dãy núi Dùm duyên dáng soi bóng xuống dòng sông xanh. Phía dưới là cây cầu Tình Húc mảnh mai vượt qua bãi soi như đảo ngọc, nối hai bờ sông Lô thơ mộng.

Trò chuyện cùng cô gái bán hàng Duyên Mai xinh tươi và lễ phép, chúng tôi biết khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm chỉ cách khách sạn 12 cây số. Cả bọn rủ nhau vào trải nghiệm. Trên đường đi, tôi thấy một không khí vui tươi, nhộn nhịp trên khắp các phố phường, những con vật khổng lồ đang được những người già, người trẻ trang trí các màu xanh, đỏ. Đến suối khoáng, mấy chị em gái rủ nhau tắm bùn, còn tôi và mấy cậu con trai nhảy tùm xuống bể bơi nước nóng trong vắt. Một cảm giác sảng khoái ngập tràn khắp cơ thể, giống như hồi còn nhỏ, lần đầu tiên được bơi trong chậu nước to và ấm áp. Anh huấn luyện viên bơi dặn: “nước khoáng ở đây có thể uống trực tiếp ở vòi nước được đấy” chà, thật là thú vị!

Chúng tôi về thành phố và ăn tối trên con tàu, là nhà hàng nổi hai tầng dưới bến sông Lô.

Trên phố đi bộ, chúng tôi thấy một người đang giới thiệu cho du khách về thành cổ, hỏi ra đó là chú Tiến, Trưởng phòng Văn hoá thành phố, đợi chú dứt lời tôi lại gần hỏi: “Chú ơi, sao hội rước đèn của thành Tuyên lại to thế ạ”, “à, chuyện này từ xa xưa rồi cháu ạ” chú chỉ tay lên núi và kể: “Núi Dùm được ví như “Người Cha” và hợp với sông Lô như “Người Mẹ”, dòng sông lớn hằng năm đem phù sa bồi đắp cho những cánh đồng trên khắp mảnh đất xứ Tuyên. Trên đỉnh núi Dùm có

con Trâu Vàng, đêm xuống Trâu Vàng xuất hiện với dáng vẻ oai phong và thung dung gặm cỏ trên sườn núi, Trâu Vàng đi đến đâu là vầng hào quang toả sáng đến đó. Có những đêm trăng, người ta thấy trên ngọn núi bên này xuất hiện vầng hào quang toả sáng, đoán là Trâu Vàng sang núi bên này ăn cỏ. Hồi ấy, năm nào nước sông Lô cũng dâng lên làm ngập hết phố phường, người dân phải sống trên các bè mảng rất khổ sở. Nhiều người thấy, hễ lúc nào có hào quang phát sáng trên núi thì trời quang, mây tạnh. Các cụ già ở phố bờ sông thấy vậy bèn bàn nhau làm trâu vàng bằng giấy, mỗi khi trời sắp mưa bão, các cụ mang trâu vàng giấy mang ra Đền Hạ bên bờ sông Lô để cầu trời lặng gió, thôi mưa. Những khi nước to, thanh niên trai tráng mang trâu vàng giấy, đặt lên chiếc bè chuối và thả xuống sông Lô để cầu cho nước rút. Lạ thay, có những năm trời sắp mưa, lại nắng, nước sông dâng cao đến mấp mé phố phường rồi lại rút xuống. Tin là Trâu Vàng thần đã giúp đỡ người dân, từ đó họ truyền tai nhau làm trâu vàng giấy và các linh vật đến trước cửa Đền Hạ để tế lễ đất trời, cầu cho mưa thuận gió hoà. Rồi sau này, thành Tuyên không còn lụt nữa. Nhớ ơn Trâu Vàng thần phù hộ, vào dịp Tết Trung thu, già, trẻ, trai, gái ở phố bờ sông đã cùng nhau làm trâu vàng giấy to như Trâu Vàng thần khi xưa và các mô hình linh vật to lớn khác để các em nhỏ cùng nhau vui chơi, kéo đi rước quanh phố xá. Dần dà, các phố phường khác thấy linh ứng cũng làm theo”. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, chú lại nói “Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đứng ra tổ chức thi các mô hình to, đẹp để trao giải. Có điều lạ là, những mô hình ở phố bờ sông hay giành được giải nhất”. Cảm ơn chú về truyền thuyết trâu thần, chúng tôi lại tiếp tục cùng nhau đi khám phá nơi này. Nhìn thấy mấy chiếc mô hình khổng lồ đang diễu phố, dẫn đầu là “Rồng vàng phun mưa”, rồng này dài bằng chiếc xe buýt mà hàng ngày vẫn chở tôi đi làm. Thật tài tình là rồng chuyển động như đang bay lên trời, đầu và cả thân rồng mềm mại uốn lượn rất đều đặn, chốc chốc từ miệng rồng phun ra đám bụi nước như cơn mưa nhỏ. Theo sau là “Thánh Gióng đuổi giặc Ân”, bốn chiếc vó ngựa phi đều đặn như đang chuẩn bị bay về trời, có lúc mồm ngựa sắt lại khạc ra một quầng khói đỏ. Một điều rất thú vị nữa là, chiếc cổng thành “Nhà Mạc” lặng im trước khách sạn tôi ở, giờ cũng đang di chuyển theo đoàn người, phía trong Thành những hình người đang nhấp nhô chuyển động. Hoà trong dòng người hoá trang vui đùa trong đêm hội, tôi thấy mình như đang cầm trên tay cây đèn kỳ diệu trong câu chuyện cổ tích “Aladin và cây đèn thần”. “Ôi, tuyệt quá!”, mấy đứa con gái vỗ tay reo lên vui sướng.

Trong quảng trường, đàn trâu vàng nghênh đầu phát ra một vầng sáng rộng, tôi thấy rất nhiều mô hình các con vật, cùng máy bay, tàu thuỷ và cả con tàu vũ trụ Apolo khổng lồ đang nối nhau nhấp nháy, chuyển động như sắp bay lên trời.

Sáng hôm sau, bên trong quán cà phê ẩn mình sau bức tường thành cổ, tôi hỏi chị chủ quán: “Thành cổ thật, có to không hở chị”. Chị nói: “Các cụ già kể lại, mỗi bề tường dài đến gần ba trăm mét, theo tương truyền, cả thành to lớn này chỉ một đêm đã được xây dựng xong. Lính nhà Mạc còn đắp một ngọn núi cao hơn năm chục mét ở bên trong thành, người dân gọi là núi Thổ Sơn”. Nhìn những viên gạch màu nâu đỏ, to lớn, xù xì với những cái lỗ giống như ai lấy chiếc đũa sắt xiên

vào thân gạch. Tôi chợt nhớ tới một lần đi thăm Thành cổ Sơn Tây, ở đó những viên gạch màu vàng sậm cũng to lớn, xù xì, thô ráp và lỗ chỗ như tổ ong rừng.

Tôi lại hỏi: “sao Tuyên Quang lại gọi là Miền gái đẹp hở chị”, chị mỉm cười duyên dáng nói: “Xứ Tuyên có khí hậu mát mẻ, trong lành và có nhiều sông suối, nên những cô gái của miền sơn cước rất trắng trẻo và xinh tươi. Trong lịch sử, từ xa xưa (thế kỷ XI) Vua Lý Nhân Tông đã gả công chúa cho Tù trưởng họ Hà ở châu Vị Long (nay là huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Tháp tùng Công chúa có rất nhiều tỳ thiếp cùng với đội quân binh tráng kiệt. Đến thế kỷ XVI thành Tuyên là nơi Vương triều nhà Mạc đóng đô. Sau khi Vương triều tan rã, con cháu của vua, quan và các cung tần, mỹ nữ ra ngoài thành sinh sống như dân thường, từ nhiều đời nay, cùng sự giao thoa văn hóa và hôn nhân đa tộc của hậu nhân đã sinh ra nhiều người đẹp cho xứ Tuyên, vì vậy trong dân gian mới lưu truyền câu thành ngữ ấy”. Rồi chị lại nói “gái Tuyên đẹp không chỉ về hình thức, mà còn đẹp về lòng nhân hậu, họ nết na, dịu dàng và khéo léo. Nhất là giọng nói của những người con gái xứ Tuyên rất trong trẻo, khó trộn lẫn được với nơi nào”. “Ra là vậy” tôi nghĩ, “hẳn nào, những cô gái xứ Tuyên mà tôi đã gặp đều có vẻ đẹp kiêu sa, đài các và sang trọng như thế”.

Chị nói thêm: “tối nay sẽ diễn ra chung kết cuộc thi “Người đẹp xứ Tuyên” đấy, đừng bỏ lỡ các em nhé”. Vâng, tuyệt quá - tôi cảm ơn chị. Và tụi tôi ai cũng háo hức mong trời nhanh tối, để được chiêm ngưỡng những cô gái ở nơi “Miền gái đẹp”.

Tác giả: Lê Quốc Thu, Tuyên Quang tháng 5/2022