Độc đáo lễ hội truyền thống các dân tộc Tuyên Quang

Thứ tư, ngày 02/08/2017 - 09:01
Đã xem: 5,163 views

Đồng bào dân tộc Tày trong tỉnh có 2 lễ hội lớn trong năm là Lễ hội Lồng Tông và Lễ hội Cầu mùa. Hai lễ hội này đều được tổ chức vào những ngày đầu năm.

 

Toàn cảnh Lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa.

    Lễ hội Lồng Tông hay còn gọi là hội xuống đồng có hai phần: Phần lễ cúng trời đất, các vị thần linh, lễ tịch điền đầu năm mới, phát lộc cho nhân dân. Trong phần hội có các trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ, đánh pam, đánh yến, đánh đu, hát đối đáp Sli, Lượn, Then...

    Lễ hội Cầu mùa gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt nhằm gửi gắm mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mang lại nhiều no ấm cho người dân và còn thể hiện một cách sinh động nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc Tày.

    Tại thành phố Tuyên Quang, cứ vào ngày 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm lại diễn ra Lễ hội rước Mẫu từ đền Thượng, (xã Tràng Đà), đền Ỷ La (phường Ỷ La) về đền Hạ (phường Tân Quang) và ngược lại. Tương truyền, các đền này đều thờ hai nàng công chúa con của vua Hùng.

    Đền Hạ thờ Phương Dung công chúa (người chị), đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa (người em). Khi bị giặc dã xâm lược, hai nàng công chúa được nhân dân chuyển lên chỗ gốc đa để thờ, rồi lập ra đền Ỷ La, do linh ứng dần dần phong thành Thánh Mẫu. Bởi vậy, năm nào các đền cũng tổ chức lễ rước Mẫu, một nét tín ngưỡng rất riêng của người dân Thành Tuyên.

    Còn đối với nhân dân các dân tộc huyện Hàm Yên, hàng năm vào ngày mồng 9 tháng Giêng tại Khu di tích danh thắng quốc gia Động Tiên, xã Yên Phú, đồng bào các dân tộc trong huyện tổ chức Lễ hội Động Tiên - Chợ quê. Tại Lễ hội Động Tiên, du khách còn được tham dự Hội chợ quê với những sản vật nổi tiếng của huyện như vịt Minh Hương, cam sành, bánh sừng bò, rau dớn nộm, thịt lợn muối chua, mật ong rừng, vải thổ cẩm…

    Đối với người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình), vị thần tối cao nhất của họ là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, đồng bào dân tộc Pà Thẻn lại tổ chức Lễ hội Nhảy lửa. Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt và cũng cầu chúc cho mùa vụ năm sau, ngọn lửa sẽ mang lại sự ấm áp, may mắn.

    Dân tộc Cao Lan ở làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (huyện Yên Sơn) có Lễ hội đình làng Giếng Tanh. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ cúng Thành Hoàng làng, Thần Nông, Thổ Địa bày tỏ lòng biết ơn người có công thành lập làng. Phần hội có các trò chơi dân gian, múa hát, đặc biệt có thi khâu các quả còn, thi người đẹp Giếng Tanh…

    Mỗi dân tộc đều có những lễ hội truyền thống riêng biệt, độc đáo dù thời gian, không gian diễn ra khác nhau nhưng tựu chung đều thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên.

Theo TQĐT