Tết trung thu diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 theo Âm lịch và đã có từ bao đời nay. Đây là thời gian mặt trăng tròn nhất, sáng nhất và cũng là thời gian người Châu Á thu hoạch xong mùa vụ để bắt đầu tổ chức những lễ hội mà tiêu biểu trong đó là Lễ hội trăng rằm.
Tết trung thu diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 theo Âm lịch và đã có từ bao đời nay. Đây là thời gian mặt trăng tròn nhất, sáng nhất và cũng là thời gian người Châu Á thu hoạch xong mùa vụ để bắt đầu tổ chức những lễ hội mà tiêu biểu trong đó là Lễ hội trăng rằm.
Từ xưa đến nay, người Việt vẫn luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui, nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên. Theo phong tục người Việt chúng ta, trong dịp Tết Trung thu này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng, sau đó cùng phá cỗ và trông trăng. Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, hồng, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể, vì thế tình cảm gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và những người đã giúp đỡ họ. Đặc biệt là trẻ em, rất mong chờ đến Tết trung thu để được ông bà bố mẹ tặng đèn lồng, đồ chơi và được phá cỗ bên mâm cỗ trung thu lung linh sắc màu. Nhưng chúng ta chắc ai cũng đã một lần tự hỏi những chiếc đèn lồng ấy từ đâu mà có? Sự tích kể lại rằng:
“Ngày xưa, gần đến dịp tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: "Ta là Thái Thượng Lãn Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua".
Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: "Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, hờn, vui, buồn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng luôn quay cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người".
Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.
Từ đó, mối khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.”
Ngày nay, chiếc đèn trung thu không đơn giản chỉ là chiếc đèn ông sao năm cánh hay chiếc đèn kéo quân quay tròn nữa mà người ta đã làm nên những chiếc đèn nhiều hình dáng, nhiều màu sắc hơn. Trong hơn 10 năm trở về đây, tỉnh Tuyên Quang đã nổi tiếng trong cả nước là có lễ hội trung thu đặc sắc nhất với những mô hình trung thu nhiều hình dáng, nhiều sắc màu và đặc biệt đây đều là những mô hình khổng lồ và có thể chuyển động được. Hầu hết các mô hình đèn trung thu được xây dựng đều xuất phát từ biểu tượng trong các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử. Nhiều mô hình được ứng dụng khoa học công nghệ một cách sáng tạo, hiện đại mà vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
Tình cờ ghé vào tổ 12, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, nơi đã nhiều năm nhận giải cao của cuộc thi mô hình diễu hành, tôi không khỏi bất ngờ khi nghe được câu chuyện rất đỗi lý thú về sự ra đời của lễ hội tưởng chừng như đã có từ rất lâu đời này.
Như mọi miền quê khác trên đất Việt, Trung thu ở Tuyên Quang được tổ chức chủ yếu cho thiếu nhi với những hoạt động múa lân, rước đèn đi quanh phố. Năm 2004, để góp thêm niềm vui cho các cháu, tổ dân cư 12 cùng nhau đưa ra một quyết định rất độc đáo và bất ngờ: làm một mô hình đèn lồng khổng lồ để diễu hành quanh phố. Sau gần một tháng hì hục với sự đóng góp công sức của cả tổ, chiếc đèn lồng hình máy bay với chiều dài gần chục mét ra đời. Từ ngạc nhiên, bất ngờ, thích thú với niềm vui mới lạ của trẻ thơ Trung thu năm ấy, những năm tiếp sau, các tổ khác trong thành phố nhanh chóng nhập cuộc.
Đã 12 năm kể từ ngày một lễ hội truyền thống ra đời. Đến bây giờ, Trung thu không còn là lễ hội của riêng thiếu nhi, mà đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây, bất kể già trẻ trai gái, nam phụ lão ấu. Có tận mắt chứng kiến những đoàn rước diễu hành với những nam thanh niên múa lân đi trước, các thiếu nữ cùng các mẹ, các chị thướt tha trong trang phục dân tộc, hoặc hóa trang đủ mọi sắc mầu đi dọc hai bên đoàn rước, các em thiếu nhi reo hò vẫy chào trên xe, những dàn trống ba thế hệ ông-cha-con, hay cụ bà tròm trèm 80 tuổi nhịp nhàng gõ nhịp mới thấy hết được cái sự đi vào lòng người của Trung thu nơi đây.
Cả thành phố tham gia diễu hành với đủ các sắc màu trang phục, trong sự hân hoan theo dõi, đón chào và chiêm ngưỡng của hàng vạn du khách - còn nơi nào tính chất lễ hội đường phố được thể hiện rõ nét đặc trưng và say đắm lòng người như ở nơi đây? Từ ý tưởng và cách thực hiện tự phát của người dân, chỉ trong 12 năm, chính quyền Tuyên Quang từng bước định hướng, hỗ trợ bằng cách tạo mọi điều kiện cho lễ hội diễu hành diễn ra, cũng như đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… tổ chức trong cùng thời điểm, tạo một bầu không khí lễ hội sôi động trong toàn thành phố.
Cũng dựa vào đó, chính quyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa, vệ sinh và trang hoàng đường phố, giúp người dân bảo vệ và duy trì nếp sống văn minh, văn hóa, tạo nên một hình ảnh Tuyên Quang thật đẹp trong mắt du khách, tạo một điểm nhấn sáng cho du lịch nơi đây.
12 năm là khoảng thời gian quá ngắn để định hình và phát triển cho một truyền thống văn hóa. Nhưng với những gì đang diễn ra, người dân Tuyên Quang hôm nay đã thành công trong việc tự tạo dựng cho mình một lễ hội truyền thống sẽ ghi dấu mãi về sau này cho những thế hệ tiếp theo. Những thiếu nhi nơi đây, dù lớn lên có bôn ba miền xa, cũng sẽ không thể nào quên được không khí của ngày hội của tuổi thơ gắn liên với những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Những du khách đến đây cũng sẽ tìm lại được cảm giác nguyên sơ với trọn vẹn ý nghĩa của Tết Trung thu. Bài học dân vi bản - lấy dân làm gốc nào có đâu xa, mà ở ngay đây đó thôi!
Việc tổ chức lễ hội trung thu của tỉnh Tuyên Quang bề ngoài du khách sẽ thấy càng ngày càng to, nhưng về sâu xa còn thể hiện được tính chuyên nghiệp, nghiêm túc trong khâu tổ chức cũng như quảng bá hình ảnh quê hương Tuyên Quang. Với phương châm xã hội hóa, việc làm đèn không sử dụng ngân sách nhà nước mà huy động hoàn toàn từ sự sáng tạo của người dân, từng làng, từng xóm và các doanh nghiệp tài trợ. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của họ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Các loại hình du lịch của Tuyên Quang hiện chưa phong phú, nên việc phát triển du lịch lễ hội, đặc biệt như Lễ hội trung thu chính là cơ hội để thu hút du khách thập phương cũng như các nhà đầu tư lớn điển hình là Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, FLC... đang đầu tư bước đầu thành công ở Tuyên Quang. Chính nhờ có sự kiện lễ hội trung thu này mà hàng năm Tuyên Quang thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách và chắc chắn sẽ không ai phải hối tiếc khi lựa chọn điểm đến này bởi không chỉ sự phong phú, đa dạng về lồng đèn mà còn bởi sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây.
Lễ hội Thành Tuyên hàng năm được tổ chức thường gắn với các hoạt động văn hóa phong phú như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong, ngoài nước và trong tỉnh; Cuộc thi người đẹp Thành Tuyên; Cuộc thi đường phố sạch đẹp, văn minh; Thi Mâm cỗ Trung thu đẹp; Ẩm thực các dân tộc vùng núi phía Bắc và Lễ hội bia Hà Nội… giúp du khách biết thêm nhiều món ẩm thực của Tuyên Quang và các tỉnh miền núi phía Bắc như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt trâu khô, mắm cá ruộng, thịt chua... Năm 2016 vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016 với mục đích tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng Việt Bắc. Qua đó nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến; đồng thời khẳng định vai trò và ý nghĩa của Lễ hội Thành Tuyên trong công tác quảng bá, xúc tiến và thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại của tỉnh, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển./.
Bài và ảnh: Phạm Hương