THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG 'Linh thiêng đất Mẫu'

Thứ tư, ngày 02/08/2017 - 10:12
Đã xem: 35,186 views

Đến Tuyên Quang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn hiểu thêm những giá trị về văn hóa, về truyền thống lịch sử của một vùng quê cách mạng qua các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang sắc thái riêng.

 

Ngược dòng sông Lô lịch sử hoặc theo quốc lộ 2 lên phía Bắc cách Hà Nội 165 km du khách đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Thành phố Tuyên Quang là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên là 11.917,45 ha, dân số 110.119 người với 22 dân tộc cùng sinh sống. Tuyên Quang là vùng đất có bề dày truyền thống, lịch sử cách mạng. Mỗi tên làng, tên phố, di tích lịch sử, văn hóa đều gắn với sự hình thành, phát triển của đất và người thành Tuyên.

Đến Tuyên Quang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn hiểu thêm những giá trị về văn hóa, về truyền thống lịch sử của một vùng quê cách mạng qua các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang sắc thái riêng,

Trên địa bàn thành phố hiện có 18 đền, chùa xưa nay được cho là nổi tiếng linh thiêng trong đó có 12 ngôi đền thờ Mẫu thần, cùng với đó là các hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với các thiết chế trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Như nghi lễ chầu, văn (hầu đồng) là một ví dụ, một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm màu sắc tâm linh, đi cùng nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, được thể hiện với âm nhạc, vũ điệu, các hình thức trang trí, trang phục, đạo cụ. Hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu, những người lên đồng hóa thân thành các vị thánh, thể hiện sắc diện và động thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng.

Tín ngưỡng thờ mẫu ở Tuyên Quang có từ rất sớm được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, nơi đây còn được cho là nơi phát tích của mẫu đệ tam (Mẫu Thoải), vị thần cai quản vùng sông nước. Một minh chứng cho thấy các ngôi đền thờ mẫu ở thành phố Tuyên Quang đều được xây dựng có niên đại cách nay đã vài trăm năm trước (đền Hạ 1738, đền Mẫu Ỷ La 1743, đền Thượng 1801...) cũng chính bởi hệ thống các đền thờ mẫu khá dầy mà Tuyên Quang còn được coi như  vùng đất mẫu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về 12 ngôi đền thờ mẫu, được cho là nổi tiếng linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang.

Đền Quang Kiều

Đền Quang Kiều (hay còn gọi là đền trình Quang Kiều) bởi xưa kia đây là ngôi đền án ngữ cửa ngõ phía nam trược khi vào thị xã Tuyên Quang nay là thành phố Tuyên Quang, đền Quang Kiều thuộc phường Hưng Thành thành phố Tuyên Quang, là di tích tín ngưỡng thuộc loại hình di tích lịch sử-văn hoá. Đền được người dân thành Tuyên cùng các thiện nam tín nữ gần xa đã phát tâm công đức dựng lên để thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, một nhân vật kiệt suất trong lịch sử trung đại Việt Nam và Đức Thánh mẫu Thượng ngàn cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam. Hiện nay đền Quang Kiều còn lưu giữ một số di vật, hiện vật có giá trị:  Tượng Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn; bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu gồm có: Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải phủ; Sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924); Quả chuông đồng niên hiệu Bảo Đại thứ 13 (1938)...

Đền Hạ (Đền Tam cờ)

Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 3, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa.

Đền Hạ có kiến trúc theo lối Nội công Ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ có bốn trụ biểu. Trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của Đền Hạ là ở phần chạm khắc gỗ. Tất cả cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xếp đều được chạm trổ tinh xảo. Đề tài chính là tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Trên thân cột chạm hình Long Giáng thuỷ cung. Đặc biệt những hình cây, hoa đục rỗng trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ. Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ cũng rất đáng chú ý. Gương mặt các pho tượng thờ đều toát lên vẻ thanh tao. Các tư thế của tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ như: chuông, khánh, đỉnh đồng… đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động như một tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Đền vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị trong đó phải kể đến là sắc phong ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1877). Trước khi phong, thần đã có mỹ tự là: Hiệp Thuận, Minh Khiết, Tĩnh Uyên, Nhàn Uyển phu nhân (chi thần). Điều đó có nghĩa là đã có nhiều sắc phong từ trước và đến năm Đồng Khánh thần được tặng thêm 2 cặp mĩ tự là: Dực Bảo, Trung Hưng, cùng với các bản sắc phong hiện nay đền Hạ còn có nhiều hiện vật cổ được lưu giữ, bảo quản khá nguyên vẹn như: hệ thống các bia ký trạm khắc bằng đá nguyên khối, tượng thờ bằng gỗ mít được trạm khắc và dát vàng hết sức tinh sảo, hai quả chuông đồng và một chiếc khánh đồng cùng các bức đại tự, hoành phi câu đôí đều có niên đại hàng trăm năm tuổi... 

Đền Hạ không chỉ là nơi thờ phụng của nhân dân trong vùng mà còn có sức cuốn hút đối với khách thập phương xa gần. Các lễ hội được tổ chức tại đền đều mang tính cộng đồng cao; người dân đến đây để bày tỏ khát vọng của mình trong cuộc sống ngày thường, họ cầu mong cho cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa để mùa màng được tốt tươi. Ngày nay cứ vào khoảng thời gian từ ngày 11/2 đến 16/2 âm lịch hằng năm lễ hội đền Hạ lại được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tiêu biểu nhất là lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ được nhân dân địa phương thực hiện với một nghi thức tâm linh  hết sức trang nghiêm, thành kính.

Đền Pha Lô

Đền Pha Lô thuộc phường Nông Tiến thành phố Tuyên Quang được nhân dân dựng lên vào cuối thế kỷ XIX. Đền Pha Lô toạ lạc trên một khu đất cao được xây dựng theo thuyết phong thuỷ “ Tiền minh đường, hữu hậu chẩm” cửa đền quay hướng Tây Nam nơi dòng sông Lô uốn khúc (là nơi tụ thuỷ, tụ phúc) phía sau là núi Độc làm hậu chẩm tạo thành thế “ Sơn bao, thuỷ bọc; Đền Pha Lô thuộc loại hình di tích lịch sử, văn hoá. Cũng như bao ngôi đền khác trên đất nước Việt Nam, đền được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân lao động.

Đền Lâm Sơn (Lâm Sơn Linh Từ)

Lâm Sơn Linh Từ thuộc tổ 2 phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Đền nằm dưới chân núi Dùm, bên dòng Lô lịch sử trong khuôn viên rộng trên 400m2, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tạo nên cảnh sắc hữu tình. Cửa đền quay hướng Tây Bắc nơi có dòng sông Lô uốn lượn hình rồng, đền lấy dòng sông Lô làm tiền minh đường, lấy dãy núi Dùm làm hậu chẩn từ đó tạo thế sơn bao, thủy bọc như rồng quận hổ chầu là nơi tụ thủy, tụ phúc. Ngôi đền là sự kết hợp đồng điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người mang lại vẻ đẹp thanh tao thoát tục.

Lâm Sơn Linh Từ được dựng lên để thờ Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn một nhân vật thần linh trong đạo mẫu Việt Nam. Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị; Chầu cũng vốn là Thiên Thai Tiên Nữ, con vua Đế Thích, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp hết 81 cửa ngàn đất Việt. Với tấm lòng khoan dung độ lượng hết mực thương dân bà đã dạy cho dân biết trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang, được nhân dân suy tôn là: “Diệu Tín Thiềng Sư Diệu Nghĩa Tàng Hình”, “Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều” hay “Bạch Anh công chúa”. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là: “Lê Mại Đại Vương”.

Các ngày lễ chính: Ngày mồng 2 tháng giêng: Lễ rước nước, khai bút; ngày 15, 16 tháng giêng: Lễ Thượng nguyên; ngày 15, 16 tháng 2: Lễ tiệc Mẫu; ngày 15, 16 tháng 4: Lễ vào hè; ngày 15, 16 tháng 7: Lễ ra hè; ngày 15, 16 tháng 8: Lễ đón tiệc Đức Đại Vương.

Đền Thượng (đền Mẫu Dùm)

Đền Thượng thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, đền thờ Mẫu Thần, được dựng vào năm 1801. Truyền thuyết kể rằng: Đời trước hai công chúa  Ngọc Lân, tức Mai Hoa và Phương Dung, tức Quỳnh Hoa theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La, tức là đền Hạ ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc tức là đền Thượng ngày nay. 

Các tư liệu và chính sử có sự chưa thống nhất về thần tích của Thần Mẫu được thờ tại đền Thượng. Tuy nhiên bằng vào hệ thống tượng thờ và hành trình lễ rước cho thấy khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, dân gian đã đưa Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng Ngọc Hoàng, Long Vương, Quan Hoàng vào phối thờ. Chính vì vậy, hai công chúa thờ tại đền Thượng  đền Hạ, đền Ỷ La được Mẫu hóa trở thành những vị Mẫu thần. Những ngày lễ của đền đều thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hoà, phía sau là những dãy núi trùng điệp tạo sự linh thiêng huyền bí. Đến đền Thượng, du khách tâm linh vừa đi lễ vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của sông nước, núi rừng nơi đây.

          Đền Cấm

Thuộc địa phận xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, nằm trên nền đất cao, không gian thoáng đãng bên bờ sông Lô, phía sau tựa lưng vào núi Cấm. Núi Cấm là một đỉnh trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có “cổng trời” là một thắng cảnh được nhiều du khách biết đến. Từ lưng núi, một con suối nước trong ngời ngợi, len lỏi qua những triền đá dốc, đêm ngày không ngơi đổ xuống sau đền làm cho cảnh sắc càng thêm vẻ kỳ thú. Từ một ngôi miếu nhỏ, qua nhiều đợt trùng tu, nâng cấp nay đền Cấm có kiến trúc khang trang theo lối nội công ngoại quốc với đền thờ chính đặt ở vị trí trung tâm, hai bên phải trái là cung chầu bà và cung sơn trang.

Hằng năm, đền có các ngày lễ: ngày mùng 10 tháng Giêng là lễ Thượng Nguyên, giải hạn; ngày mùng 2 tháng 5, ngày Bà Chúa bản đền mở tiệc; ngày mùng 10 tháng 4 lễ vào hè, cầu mát; ngày 16 tháng 2 và tháng 7 lễ hoàn cung, có rước tượng Mẫu.

Đền Gềnh Quýt

Đền Gềnh Quýt thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang. Đền được nhân dân dựng lên vào cuối thế kỷ XIX, bên dòng sông Lô để thờ mẫu Thoải (Mẹ nước) nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân nơi đây. Với quan niệm vũ trụ luận của cư dân nông nghiệp trong tiềm thức của người dân thì nước đã trở thành vị thần. Thần nước có mặt ở khắp mọi nơi với tên gọi rất giản dị: Thần sông; thần biển… Thần nước được quan niệm là vị thần âm tính; được nhân dân tôn vinh là mẫu Thoải. Huyền tích về mẫu Thoải được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi và trung du phía bắc; mẫu Thoải là vị thần tối linh được các triều đại phong kiến sắc phong là thượng đẳng thần; ngày nay Đền Gềnh Quýt còn lưu giữ bản sắc phong thứ 9 của vua Khải Định (Ngày 25 tháng 7 năm 1923), ban cho mẫu Thoải mỹ tự là: “Quang Nhuận, Cương Luật, Hanh Thông, Trinh Vãn, Tề Tĩnh, Dực Bảo Trung Hưng, đệ nhị ngọc nữ thuỷ tinh phu nhân” và gia tặng cho mẫu Thoải là thượng đẳng thần.

Đền Mẫu Ỷ La

Đền Mẫu Ỷ La  thuộc phường Ỷ La thành phố Tuyên Quang. Đền được khởi dựng năm 1743, niên hiện Cảnh Hưng năm thứ 4 và được trùng tu lại vào đầu thế kỷ XIX.

Theo truyền thuyết thì đền Hạ thờ công chúa Phương Dung. Do gặp nạn binh đao đền bị đốt phá nghiêm trọng. Dân cư phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817, Khải Định thứ 3, khởi công dựng lại đền trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn. Khi đó tại địa điểm tượng thần đền Hạ lánh nạn dân làng xây dựng đền Ỷ La cũng thờ công chúa Phương Dung. Đồng thời đền cũng thờ Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải.

Đền Mẫu Ỷ La lưu giữ nhiều bảo vật: Ba mươi hai pho tượng; bốn sắc phong vào các năm 1887, niên hiệu Đồng khánh thứ 2; năm 1890 niên hiệu Thành Thái thứ 2; năm 1909, niên hiệu Duy Tân năm thứ 3. Ba sắc phong này ban cho thần Hiệp Thuận và năm 1923, niên hiệu Khải Định thứ 9; hai quả chuông, hai đôi chân đèn, hai  lư hương cỡ nhỏ, sáu lư hương cỡ lớn, đôi lục bình cỡ lớn, đôi lục bình cỡ nhỏ, hai bức hoành phi, ba đôi câu đối, ba bộ long ngai, hai bài vị, bộ đài rượu, đôi hạc đồng, hai bức phù điêu, chín khám thờ, hai bộ bát bửu, đôi lọng, sáu bức y môn, đôi tàn. Cùng với đền Thượng, đền Hạ cứ vào dịp từ 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hằng năm đền Mẫu Ỷ La lại long trong tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu hoàn cung.

Đền Đồng Xuân

Đền Đồng Xuân có tên chữ là Đồng Xuân Linh Từ; Đền được khởi dựng vào cuối thế kỷ 19 dưới triều vua Thành Thái do ông Đoàn Tiên Công đứng lên xây dựng, sau con gái của ông là Bà Đoàn Thị Nga nối trí nghiệp cha làm từ thiện góp tiền, của để trùng tu lại đền; Đền Đồng Xuân toạ lạc trên khu đất cao có diện tích 968m2 bên dòng Lô Giang huyền sử, dưới ngọn cố sơn, cửa đền quay hướng đông nam trông ra dòng Sông Lô, theo quan niệm hướng nam là hướng của các bậc thánh nhân.

'' Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ ''

Có nghĩa là: Thánh nhân quay về hướng nam để nghe lời tâu bày của chúng sinh mà dùng pháp nhuận vô biên để cứu vớt chúng sinh khỏi bể khổ.

Đền đồng Xuân là công trình kiến trúc của một tín ngưỡng cổ, một thiết chế văn hoá mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật thời Nguyễn Muộn; những giá trị vật chất và tinh thần ẩn chứa trong ngôi đền sẽ giúp cho những nhà nghệ thuật học và nhiều ngành nghiên cứu khác có thêm những cơ sở dữ liệu để tìm hiểu văn hoá,vùng đất, con người nơi đây.

Đền Cảnh sanh (đền Cảnh Xanh)

Đền Cảnh sanh (thường gọi là đền cây Xanh) thuộc phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền được dựng lên để thờ Hưng Đạo Đại Vương- Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ngoài ra đền còn thờ Đức Thánh mẫu Thượng ngàn. Bà là vị chúa cai quản vùng núi. Ngày lễ lớn nhất của đền là ngày lễ thượng nguyên 11- 12 tháng Giêng âm lịch, thu hút rất đông khách thập phương. Phong cảnh của đền kì thú và trang nghiêm, có cây xanh cổ thụ hàng nghìn năm uy nghi, tuyệt mỹ.

Các ngày lễ chính ở đền:Ngày mồng 2 tháng giêng là ngày tiệc Mẫu thượng ngàn; ngày mồng 10 tháng giêng là lễ thượng nguyên; ngày mồng 10 tháng 4 có lễ vào hè; ngày 15 tháng 7 là lễ Vu lan; ngày 20 tháng 8 là ngày giỗ Đức thánh Trần...

Đền Mỏ Than

Thuộc phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền thờ cô bé rừng xanh, ngoài ra đền còn thờ Hưng Đạo Đại Vương (Trần Quốc Tuấn). Đền được dựng trên lưng chừng núi. Khi chưa dựng đền, đây là mỏ than thực dân Pháp bắt dân ta khai thác nhưng do sự cố đã làm sập hầm. Hàng chục con người đã bị chôn vùi dưới mỏ này. Nhân dân quan niệm rằng việc khai thác đó đã động tới lãnh địa của chúa rừng xanh cho nên đã lập ngôi đền này tại đây. Ngày lễ của đền gồm lễ đón xuân (từ mùng Một đến mùng Ba tháng Giêng), Lễ Thượng Nguyên (mùng 6 tháng Giêng), Lễ Tất Niên (mùng 9 tháng chạp), ngoài ra còn một số ngày lễ khác. Mỏ Than cũng là một trong những ngôi đền thu hút đông đảo du khách tâm linh thập phương.

Đền Cấm Sơn

Đền Cấm Sơn hay còn gọi là đền Cô Chầu Mười Móc Giằng (đền Cô bé Móc Giằng là tên thường gọi của nhân dân địa phương đã có từ lâu đời) thuộc thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang; đền còn có tên Hán Nôm là Cấm Linh Từ (nghĩa là đền Cấm linh thiêng). Đền được dựng lên để thờ Cô Chầu Mười, đã có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh (Cánh quân tiếp viện do Mộc Thạnh chỉ huy tiến theo đường sông Lô), trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (hiện thân của Chầu Đệ nhị cùng với Chầu Lục được thờ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn; Chầu Bé ở Bắc Lệ, Lạng Sơn và Chầu Mười, gốc người Thổ, đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn ải Chi Lăng, được thờ ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn.

Những ngày lễ chính tại đền: Lễ Thượng Nguyên 2 ngày 20-21 tháng Giêng; lễ vào hè ngày 01 tháng Tư; tiệc quan tuần ngày 25 tháng Năm; lễ ra hè ngày 25 tháng Sáu; tiệc Chúa bà ngày 12 tháng Tám; tiệc đức Vua Cha ngày 22 tháng Tám; tiệc Mầu Cửu ngày 9 tháng Chín; tiệc ông Hoàng Mười ngày 10 tháng Mười; tễ Tất niên ngày 15 tháng Chạp.

 

 

 Tiến Trường