Ngay từ khi thành lập, huyện Lâm Bình đã xác định du lịch sẽ là một trong những lĩnh vực đột phá, do vậy việc đầu tư khai thác du lịch cũng đã được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên việc khai thác hết được tiềm năng về du lịch của huyện vẫn là điều trăn trở.
Cánh đồng Thượng Lâm (Lâm Bình).
1- Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Thượng Lâm không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những phong cảnh nên thơ được bao bọc bởi những dãy núi trùng trùng, điệp điệp hay là truyền thuyết về Phượng hoàng bay về mà Thượng Lâm còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình, hiện trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm.
Đền Pú Bảo là nơi thờ Quận công Thiếu Bảo tức Tướng quân Nguyễn Thế Quần, một Quận công vừa có tài vừa có đức, luôn chăm lo đến đời sống của muôn dân. Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ XVI, tại xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, có 2 anh em dòng họ Nguyễn Thế đã di cư lên miền ngược sinh sống. Người em đã chọn xã Ỷ La nay là phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang để sinh sống. Tại đây, người em đã lập nghiệp, xây dựng gia đình và sinh được 3 người con trai. Khi lớn lên, người con cả Nguyễn Thế Quần đã di cư lên vùng sơn cước thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang, nay là xã Lăng Can, huyện Lâm Bình để sinh sống và chuyên dạy chữ cho con em các dân tộc trong xã. Quý trọng tư chất thông minh và đạo đức của ông, Quận công cai quản vùng đất Vị Xuyên lúc đó đã gả con gái và nhường ngôi Quận công.
Sau khi lên ngôi, ông đã dành toàn bộ thời gian và tâm sức để chăm lo đời sống cho người dân trong vùng. Với tài nghệ văn, võ song toàn, ông đã cầm quân đi dẹp tan giặc loạn. Ngày mùng 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 11 - 1750, vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong Nguyễn Thế Quần là Siêu Nhạc Bá, một trong 5 tước trong triều đình lúc bấy giờ. Sau khi ông mất, để đền đáp công ơn của Quận công Nguyễn Thế Quần, nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đền thờ Quận công, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI- XVII nằm trên cánh đồng Nà Tha, thôn Bản Kè B, xã Lăng Can có địa thế như sự hội tụ của linh khí núi sông. Đền quay theo hướng Bắc, nhìn ra cánh đồng, xung quanh có nhiều ngọn núi chầu vào như thuần phục. Năm 2014, Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền Pú Bảo đã trở thành điểm đến của đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa.
Màn trình diễn nghệ thuật tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2015.
Chùa Phúc Lâm nằm ở thôn Nà Tông, là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 2011, chùa được phục dựng bằng gỗ, theo hướng Tây Nam, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi chùa cũ, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, gồm một gian hai chái, mái lợp gạch nung. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng tông vào ngày 15 tháng Giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu.
Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng hồ rộng tới trên 8.000 ha với nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người, trong đó diện tích chủ yếu nằm trên đất huyện Lâm Bình và huyện Nà Hang. Đi dọc lòng hồ giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, với điểm nhấn là núi cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước. Lâm Bình còn có những thắng cảnh đẹp khác như: Động Song Long, thác Mặn Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng; di tích khảo cổ Hang Phia Vài… đây là những di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia, thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa và sinh thái.
Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân.
Khách du lịch đến với Lâm Bình còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau Mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…
2- Ngay sau khi thành lập huyện, Lâm Bình đã thực hiện công tác quy hoạch phát triển tổng thể du lịch huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, huyện đã triển khai khôi phục và duy trì và tổ chức các sự kiện văn hóa như Lễ hội Lồng tông, nhảy lửa, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian qua, huyện đã khôi phục và nâng cấp lễ hội Lồng tông xã Lăng Can thành lễ hội cấp huyện, phục dựng chùa Phúc Lâm; khuyến khích các tập thể và cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các điểm, khu du lịch.
Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến với huyện Lâm Bình ngày một tăng. Năm 2011 huyện đón được 3.500 lượt khách du lịch, đến năm 2014, tổng lượt khách đến với Lâm Bình đạt 8.000 lượt, bằng 190% kế hoạch đề ra. Hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được chú trọng, công tác xã hội hóa du lịch từng bước được đẩy mạnh. Đặc biệt thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành “Đề cương nghiên cứu, xây dựng Công viên Địa chất Nà Hang - Lâm Bình, Tuyên Quang” trình Chính phủ xem xét, công nhận là Công viên địa chất quốc gia. Khu vực được coi là “hội tụ nhiều giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là các di sản địa chất - địa đạo, các di tích lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học… có giá trị nổi bật tầm cỡ quốc gia và quốc tế”. Đây sẽ là cơ hội lớn để du lịch Lâm Bình cất cánh.
Tuy nhiên việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lâm Bình còn nhiều trăn trở, cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; các tua, tuyến du lịch chưa được hình thành… Theo quy hoạch phát triển đô thị, trong thời gian tới, Lâm Bình tiếp tục được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hướng tới trở thành đô thị loại 5. Qua đó, hạ tầng kỹ thuật của huyện ngày càng được nâng cấp đáp ứng được các nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế trong đó có du lịch. Lâm Bình tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, quảng bá các sản vật đặc sản như rượu ngô, rượu thóc men lá, thịt trâu khô, mắm cá ruộng, chè Khau Mút; phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác du lịch tổ chức xây dựng các tua, tuyến du lịch lòng hồ, du lịch văn hóa, sinh thái.
Theobaotuyenquang.com.vn