Huyện Lâm Bình là huyện vùng cao nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên là 78.152,17 ha và 29.459 nhân khẩu, 08 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm có 8 xã: Lang Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên, Xuân Lập, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang.
Với dân số trên 6 vạn người gồm các dân tộc Tày, Dao, Kinh, Mông... sống trên địa bàn 8 xã. Đồng bào Tày, Dao là cư dân chủ yếu và cư trú ở đây từ rất lâu đời. Người Tày, người Kinh thường cư trú ở vùng thấp, còn người Dao và người Mông cư trú độc lập trên các triền núi cao. Bởi vậy, Lâm Bình mang nhiều sắc thái văn hóa độc đáo và đa dạng của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Lâm Bình còn là mảnh đất có nhiều cảnh đẹp như thác Nậm Me, động Song Long, xã Khuôn Hà, thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng ở xã Thượng Lâm; Cọc Vài nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang… Sự kết hợp hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên với các điểm dân cư giàu bản sắc văn hóa truyền thống đã và đang cuốn hút các du khách có dịp đến với Lâm Bình. Điều đặc biệt là ở vùng đất Lâm Bình, từng tên núi, tên sông đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết đầy sắc mầu huyền thoại và bí ẩn.
Mùa vàng xã Thượng Lâm - huyện Lâm Bình
Thượng Lâm là một xã vùng cao nằm ở phía Đông Nam của huyện Lâm Bình, cách trung tâm huyện lỵ 15km. Phía Đông giáp xã Khau Tinh và xã Côn Lôn, huyện Na Hang; phía Nam giáp xã Năng Khả, huyện Na Hang; phía Bắc giáp xã Sinh Long, huyện Na Hang; phía Tây giáp xã Khuôn Hà và xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.
Thượng Lâm là trung tâm giữa hai huyện Lâm Bình và huyện Na Hang bao gồm14 thôn bản: Nà Ta, Cốc Phát, Nà Lung, Khuôn Hon, Bản Bó, Nà Bản, Nà Niềm, Bản Chợ, Nà Tông, Nà Thuôn, Nà Đông, Nà Va, Nà Lồng, Khao Đao.
Trong lịch sử hình thành, người Tày trong mối quan hệ đan xen và giao lưu với các dân tộc Dao, Mông, Nùng, Pà Thẻn... Người Tày là tộc người cư trú lâu đời nhất ở Tuyên Quang, cùng các dân tộc Dao, Mông, Nùng, Pà Thẻn… tạo dựng nhiều truyền thống tốt đẹp nhưng vẫn bảo lưu được những nét đặc sắc của văn hóa tộc Tày.
Người Tày ở Tuyên Quang có dân số đứng thứ hai sau người Kinh. Theo tổng điều tra dân số năm 2009, tổng số người Tày ở Tuyên Quang là 185.464 người, chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh và 22,5% tổng số người Tày tại Việt Nam. Người Tày cư trú ở hầu khắp các huyện trong tỉnh Tuyên Quang, trong đó, tại huyện Lâm Bình có số lượng người Tày tương đối đông, đặc biệt là xã Thượng Lâm. Người Tày ở xã Thượng Lâm là cư dân bản địa, chiếm 75% dân số toàn xã. Dân tộc Tày xã Thượng Lâm mang những nét đặc trưng chung của dân tộc Tày ở Tuyên Quang nói riêng cũng như dân tộc Tày ở Việt Nam nói chung.
Làng Văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm gồm có 128 hộ gia đình và có 532 nhân khẩu, dân tộc Tày chiếm đa số có 125 hộ, 2 hộ người Kinh, 1 hộ người Dao.
Làng Văn hóa Nà Đông, xã Thượng Lâm gồm có 81 hộ gia đình và có 364 nhân khẩu, dân tộc Tày chiếm đa số có 77 hộ, 2 hộ người Kinh, 2 hộ người Dao.
Nhà sàn của gia đình ông Hoàng Văn Tọng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm
được chỉnh trang sẵn sàng đón khách.
* Đặc điểm về kinh tế - văn hóa - xã hội
Trong quá trình xây dựng và phát triển, bằng sức lao động cần cù, người Tày tại xã Thượng Lâm nói chung, người Tày ở Làng Văn hóa Nà Tông, Nà Đông nói riêng không ngừng cải tạo tự nhiên, biến những đồi cằn, núi hoang thành những mảnh đất màu mỡ phì nhiêu. Người Tày ở đây sống chủ yếu bằng phương thức trồng trọt, chăn nuôi. Người Tày khai phá nương rẫy từ rừng tự nhiên đất đai màu mỡ, thích hợp với từng loại cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, vừng... Người Tày ở Làng Văn hóa Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm biết canh tác lúa nước từ lâu đời. Cũng như nhiều vùng tại xã Thượng Lâm, những cánh đồng bậc thang của người Tày là những nét vẽ tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của vùng sơn cước, là dấu ấn khó phai trong tâm trí những ai dù chỉ đến nơi đây một lần.
Ngoài trồng trọt, đồng bào còn biết khai thác các nguồn lợi từ thiên nhiên: Trên rừng, dưới sông, suối, trong lòng đất, đó cũng là những nguồn thu nhập quan trọng. Không chỉ giỏi về chăn nuôi, trồng trọt, người Tày còn làm nhiều nghề thủ công như khai thác, chế biến nông lâm sản và dược liệu; thêu dệt các mặt hàng từ sợi bông, sợi lanh và vải nhuộm, sáng chế ra các công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt và đồ trang sức. Đã từ lâu, các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào Tày ở Nà Tông, Nà Đông đã được biết đến và được đánh giá cao về chất lượng cũng như độ tinh xảo.
Gia đình người Tày ở Làng Văn hóa Nà Tông, Nà Đông là gia đình nhỏ phụ hệ. Người đàn ông trong gia đình bao giờ cũng là trụ cột quyết định những vấn đề lớn như làm nhà, giỗ chạp… còn người vợ cùng các con gái đảm nhận các công việc nội trợ, dệt vải, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cấy lúa, tra ngô, bón phân, làm cỏ...
Người Tày thường cư trú trên nhà sàn, ngày nay nhiều gia đình chuyển sang chất liệu xây dựng mới, nhưng ở xã Thượng Lâm, nhà sàn vẫn là nhà truyền thống của người Tày.
Nguồn lương thực của người Tày chủ yếu là gạo, ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn. Thực phẩm dùng trong các bữa ăn là các loại rau tự cung cấp. Đồng bào thường có tập quán dự trữ và để dành thực phẩm và có nhiều cách bảo quản thực phẩm để dùng trong cả tháng hoặc cả năm.
Về trang phục, y phục của người Tày trước đây được may từ vải sợi bông hoặc tơ tằm do đồng bào tự dệt. Đồng bào thường nhuộm vải màu chàm để may quần áo và hầu như không có hoa văn trang trí. Người Tày chủ yếu thêu hoa văn trang trí trên mũ, yếm của trẻ em và trên trang phục của thầy cúng. Mặc dù vậy, hoa văn được dệt trên vải thổ cẩm thì rất phong phú, màu sắc hài hòa và đẹp mắt.
Từ cuộc sống lao động vất vả, vẻ đẹp đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đã hình thành, phát triển phong phú thể hiện qua các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Cọi và thực hiện các nghi lễ đặc sắc, các trò chơi dân gian phong phú như tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo… được diễn ra trong các lễ hội và lưu truyền cho đến ngày nay.
Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại xã Thượng Lâm khá phong phú và đa dạng, đặc biệt là vốn truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian. Hầu như ngọn núi, con sông, con suối nào cũng có sự tích gắn với địa danh nơi đó. Nhiều hiện tượng thiên nhiên được lý giải sinh động. Công cuộc chinh phục thiên nhiên và cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm đã để lại hồi quang trong truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian cùng rất nhiều câu chuyện truyền miệng nửa thực, nửa hư càng làm cho vùng đất có sức hút mãnh liệt đối với những ai yêu thiên nhiên, truyền thống văn hóa, nhân văn, ưa khám phá những miền đất lạ.
Đến với Thượng Lâm là đến với mảnh đất gắn với bao câu chuyện cổ tích, huyền thoại du khách sẽ được nghe những câu chuyện về nàng Tiên - chú Khách, về sự tích hoa Phặc Phiền, sự tích đèo Ái Au kể về cuộc tình duyên ngắn ngủi của người con gái ở xã Trùng Khánh và chàng trai ở xã Thượng Lâm, sự tích về chiếc Cầu Da, truyền thuyết về 99 ngọn núi…
Danh thắng Cọc Vài
Ngoài ra, du khách đến Thượng Lâm sẽ được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ gắn với những truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn cắt nghĩa sự điệp trùng của dãy núi đá vôi dọc theo hữu ngạn của thượng nguồn sông Gâm. Nơi đây, gắn với truyền thuyết đàn phượng hoàng đi tìm đất làm kinh đô. Truyền thuyết còn được lưu truyền khá phổ quát trong nhân gian.
Truyền thuyết kể lại rằng: "Ngày xửa, ngày xưa, trời đất mới hình thành, ranh giới đất đai của tộc người chưa phân định. Người tốt bụng có, kẻ tham lam độc ác có. Thế nên hay xảy ra đánh nhau, nhiều khi rất thảm khốc. Trời phải cho thần xuống giúp người lương thiện diệt trừ kẻ ác. Thần diệt cũng không hết. Rồi có kẻ mua chuộc, lấy lòng thần để thoát tội. Cho nên cuộc chiến người lành với kẻ ác kéo dài mãi. Năm ấy, dưới hạ giới, nhà Vua cho thần linh giúp sức đã dẹp yên được giặc, bốn cõi thanh bình, xét thấy cố đô chật hẹp, không tiện giao thương, mà việc phòng thủ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà Vua muốn xây dựng kinh đô mới, bèn lập đàn cầu khấn. Thiên thần hiện xuống nói: Từ nay về sau chưa hết giặc ngoại xâm nhòm ngó đất nước, sớm muộn gì chúng cũng tìm cơ hội đem quân xâm lược. Vì thế kinh đô phải là nơi hiểm yếu, có thành trì thiên tạo bao bọc. Nhà Vua hỏi lại: “Kể hạ giới chưa rõ thế nào là thành trì thiên tạo, xin Thiên Thần chỉ giáo. Thiên Thần giảng giải: Nghe cho rõ đây, ta cho ngươi biết một bí mật, phải chọn nơi có đủ một trăm ngọn núi xây dựng kinh đô mới có thể giữ yên bờ cõi lâu dài. Bí mật ấy không biết bằng đường nào bị lọt ra ngoài, quan sở tại vùng Thượng Lâm biết được. Thấy vùng đất mình cai quản núi non trùng điệp, thế như rồng cuốn hổ chầu, ở giữa lại có cánh đồng bằng phẳng, có cả đầm sen tỏa hương thơm ngát, viên quan nghĩ: Biết đâu chẳng ứng vào điều bí mật kia. Thế rồi viên quan bèn cùng tay chân thân tín đi xem xét trong vùng. Họ đi chín ngày, ngủ rừng chín đêm, đếm đi đếm lại cả thảy có 99 ngọn núi. Vậy là không phải thế đất đế đô. Bọn chân tay thấy quan trên rầu rầu nét mặt, có tên bẩm rằng: Sao Đại nhân không cho đắp thêm một ngọn núi nữa cho tròn một trăm. Như thế vùng đất của đại nhân sẽ thành kinh đô, ngài sẽ dễ dàng trở thành quan đại thần. Lời bàn ấy làm viên quan nghĩ ngợi. Đây thực là dịp tốt để tiến thân. Tuy nhiên, núi có thể đắp được nhưng linh nghiệm hay không mới là việc khó. Ông ta đem điều băn khoăn bàn với những thuộc hạ thân tín. Có kẻ bàn rằng: Xin cứ cho đắp núi, việc xong sẽ mời thầy phù thủy làm phép trấn trị. Viên quan mời thầy địa lý xem nơi đắp núi. Thầy phán phải đắp bên hữu ngạn sông Gâm, chỗ cuối dải núi đá làm thành thế đuôi rồng. Sau đó, viên quan cho lệnh bát dân trong vùng đều phải đi đắp núi. Người dân vốn đã nghèo khổ, nay phải đi phu phen cực khổ vô cùng. Thấy tình cảnh dân chúng khổ cực, có vị bô lão tự trói mình, đến nha môn đòi gặp quan. Bẩm đại quan, hiện dân phu làm việc quá cực nhọc, đại quan không nới tay, trời đất tất không dung, nhân tâm tất sinh biến. Nay lão đã gần đất xa trời, không thấy cái chết mà sợ, mới mạo muội trình lên, mong ngài sớm định liệu. Viên quan tuy lo lắng nhưng không nghe lời can gián. Sau ba tháng trời ngọn núi cũng được đắp xong, nhưng không có cây to cổ thụ. Dân trong vùng lại một phen khổ sở, trồng cây giả lên trên ngọn núi giả ấy.
Một thời gian sau, nhà Vua lại xin Thiên Thần giúp chọn đất để xây dựng kinh đô. Thiên Thần mang theo đàn phượng hoàng gồm 100 con lên đường. Một buổi sáng kia, thần và đàn phượng hoàng đến vùng đất Thượng Lâm. Dân chúng thấy sự lạ bỏ cả việc đang làm đổ ra xem. Trên bầu trời vốn xưa yên tĩnh, nay hàng trăm con chim vỗ cánh ào ào. Đàn phượng hoàng chao lượn ba vòng rồi mỗi con sà xuống đậu trên đỉnh một ngọn núi. Chừng nửa canh giờ, 99 ngọn núi đã có chỗ đậu, còn một con phương hoàng lượn vòng quanh một ngọn núi. Có lúc phượng hoàng sà xuống rồi lại bay lên mà không đậu, cứ thế đến lần thứ ba thì phượng hoàng bay vút lên không trung. Bất ngờ, 99 con phượng hoàng kia cũng cất cánh bay lên. Chúng dàn thành hàng lượn tít mãi trên cao.
Biết là có chuyện gì không ổn, Thiên Thần bèn mời Thổ Thần đến hỏi. Thổ Thần vốn ngay thẳng, cứ việc thực bẩm báo là viên quan sở tại bắt dân đắp một ngọn núi giả, chính là ngọn núi con phượng hoàng thứ một trăm không đậu xuống. Thiên Thần gọi quan sở tại tra xét, hắn chối quanh, đâu biết rằng Thổ Thần đã tâu rõ ngọn ngành. Thiên Thần nổi giận cho rồng làm một trận mưa lớn. Nước đổ xuống như thác nhưng trên 99 ngọn núi chỉ có cành khô lá mục trôi xuống, còn cỏ cây vẫn xanh tươi. Riêng ngọn núi giả, nước cuốn đất đá xô xuống vùi lấp cả cánh đồng gần đó. Khi mưa tạnh, chẳng còn thấy ngọn núi giả ấy đâu nữa. Viên quan sở tại bị xử về tội dối trên lừa dưới, bọn thuộc hạ cũng bị hình phạt nặng, tất thảy bị đuổi về quê.
99 ngọn núi Phượng Hoàng
Ngày nay, tại vùng đất Thượng Lâm, đồng bào nơi đây vẫn còn lưu truyền mãi về truyền thuyết 99 ngọn núi có đàn phượng hoàng bay đến đậu rồi lại bay đi. Vì vậy, Nhà Vua không chọn vùng đất Thượng Lâm làm kinh đô nữa."
Bởi thế, cư dân nơi đây đã thêu dệt nên huyền tích về chiếc Cầu Da:
" ... Bởi thế, cho nên nơi đây mới có Chùa,
Hãy còn con ngỗng, con rùa như in,
Có khe Mỏ Chấu một bên,
Giá rùa sang được thời nên cơ đồ,
Thò cổ xuống nhưng không sang được,
Nên không thành quốc thành vương,
Cầu Da đã bắc rõ ràng,
Kẻ chơi bên ấy, người sang bên này,
Làm cho dang dở thế này lại thôi,
Nào ai biết có mưu sâu,
Đem muối lên bán ở nơi đầu cầu,
Lâu ngày muối ngấm cầu Da,
Cầu mục đứt xuống lấy đâu làm người,
Chẳng qua tại sự bởi trời,
Không muốn đất ấy làm nơi kinh kỳ…"
Mỗi tên sông, tên núi nơi đây đều được khoác lên mình tấm áo huyền thoại. Những truyền thuyết được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời nối tiếp đời đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đây./.
Phạm Hương