Con đường mang giai điệu xứ Tuyên

Thứ bảy, ngày 09/12/2017 - 13:51
Đã xem: 4,832 views

Đường Mười Bẩy Tháng Tám, thành phố Tuyên Quang với tôi có rất nhiều kỷ niệm. Hơn bốn mươi năm trước, đường đưa tôi đến trường cấp ba Tân Trào. Ngày ấy đường chỉ là một đoạn Quốc lộ 2 chạy qua thị xã nhỏ heo hút. Cuộc sống tầm tạ của dân nghèo với cót-cát-củi-phên, bên dòng Lô.

    

Đường 17/8 thành phố Tuyên Quang

    Lịch sử còn ghi, Đây là một đoạn đường huyết mạch qua thị xã Tuyên Quang lên các huyện phía Bắc của tỉnh và nối với tỉnh Hà Giang. Chín năm chống Pháp, cùng với Quốc lộ 37, tạo thành gọng kìm, bao vây giặc; Đường tiếp lương, tải đạn, nâng bước dân công hỏa tuyến lên Điện Biên... Năm 1961, chính đoạn đường này đã in dấu chân Bác Hồ về thăm Tuyên Quang.

    Những năm bom Mỹ bắn phá, con đường dưới bóng cây xanh ấy cũng là mục tiêu hủy diệt:

    “...Ngày 30/9/1966 nhiều tốp máy bay Mỹ, khoảng bốn mươi chiếc, oanh tác hơn một tiếng đồng hồ, ném bom đánh phá 14 mục tiêu trên địa bàn tỉnh... (*) ”. Thời ấy nền công nghiệp của Tuyên Quang là Nhà máy điện Loco, Nhà máy Gạch chịu lửa và mục tiêu khác như: Bệnh viện A, Trạm bơm, Xưởng thủy tinh, Tổng kho, Trại chăn nuôi... bị máy bay Mỹ ném bom, đánh phá. Nhiều học sinh đang học cấp ba, xung phong ra nhập ngũ. Trên 11.000 người dân và cán bộ các cơ quan trên địa bàn thị xã Tuyên Quang đi sơ tán...

    Chúng tôi lớn cùng bao thế hệ người đã và đang tiếp tục gắn bó với con đường thân yêu dài gần hai ngàn mét này. Mỗi ngõ phố, hàng cây, hoa lá đổi màu theo mùa đi. Sắc màu bên đường thân thương, ấm áp với mỗi người. Nó như đặc trưng của giai điệu xứ Tuyên.

Cây Di lăng cổ thụ bên đường 17/8

    Đầu phố, bên bến phà Nông Tiến, một cây di lăng cổ thụ tới hai người ôm. Thân cây rêu mốc, dây leo bám bọc kín cành. Cây chứng nhân cho bao biến thiên, khởi đầu một con đường mang tên lịch sử. Bao nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ đã gửi lòng mình qua tác phẩm.

    Một công trình mới, mang dấu ấn thời đại uy nghi bên núi Thổ Sơn: Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang. Nơi đây ngày và đêm ngập tràn ánh sáng. Mỗi đêm về, bên ánh điện lung linh, hàng ngàn lượt người, nhất là các em nhỏ về đây tụ họp, vui chơi.

    Dọc bên đường nhiều công trình văn hóa, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Trung tâm Hội nghị bề thế mọc lên và nhà dân cao tầng san sát...

    Tôi thường qua thăm nhạc sỹ Tân Điều trên trục đường này. Ông là người Tày, quê Tân Trào, Sơn Dương. Con đường ấy cho ông nhiều cảm xúc tươi mới. Những sắc bàng đỏ lá, hoa tím bằng lăng, màu vàng của hoa di lăng và âm điệu của thành phố trẻ đã đi vào nhạc của ông và trở thành những giai điệu tự hào của quê hương Cách mạng.

    Con đường ấy, không chỉ ghi dấu ngày Giải phóng thị xã quê tôi, mà nó song hành cùng sự phát triển của tỉnh miền núi Tuyên Quang. Tháng Tám về, con-đường-lịch-sử Mười Bẩy Tháng Tám lại khoác lên màu cờ đỏ, sao vàng. Màu của niềm tin, vinh quang và chiến thắng. Màu của giai điệu xứ Tuyên...

Lê Na

(*) Lịch sử Đảng bộ thành phố Tuyên Quang.