Qua những miền đất ngọt

Thứ năm, ngày 09/11/2017 - 14:24
Đã xem: 3,278 views

Ai sinh ra chẳng có một quê hương. Và, như mỗi người dân Việt Nam, quê hương nào cũng đẹp, biết bao kiêu hãnh, tự hào. Tuyên Quang quê tôi thật đáng yêu thương, trân trọng với những miền đất ngọt. Ngọt theo đúng nghĩa đen. Thiên nhiên, khí hậu và đất trời đã ban phát cho quê mình những ân nghĩa ấy. Nhưng, trên hết là sức người dân quê tôi, cần mẫn, chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương cho miền đất nở hoa, kết trái, dâng vị ngọt cho đời. Ngày xuân thong thả mời bạn đến với những miền đất ngọt quê tôi.

     Rượu chuối Kim Bình

Sản phẩm “Rượu chuối Kim Bình” của Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp
xã Kim Bình (Chiêm Hóa)

    Kim Bình Chiêm Hóa là một nơi đất ngọt mà tôi muốn khoe trước. Đây không chỉ là mảnh đất cách mạng, nơi hơn sáu mươi năm trước, Hồ Chủ tịch đã chọn làm “Hội trường Ba Đình” cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai, 1951. Kim Bình hôm nay nổi danh với rượu chuối. Ơ hay, có phải tự dãy núi điệp trùng quanh năm mây phủ, có con đèo Nàng lượn qua đã làm ra thứ chuốt ngọt đến vậy. Hay con suối Cổ Linh, bốn mùa trong mát, uốn lượn qua núi đồi, làng bản là nguồn nước cho cây trái lên xanh. Những mạch nước từ núi cao, trong mát âm thầm nuôi chuối. Những mầm chuối mập mạp, đội đất vươn lên, ngày qua ngày làm nên khóm bụi sum suê. Chuối chạy từ chân đèo lên lưng núi. Chuối men theo quốc lộ 2C. Chuối bám đu vào sườn dốc. Chuối bấu víu vai đèo. Lá xanh soi bóng bên dòng suối, lợp kín nương đồi Khuổi Chán, Tông Khuột, Khuôn Nhự...
Cách đây chưa lâu, cô cháu gái Ma Thị Hồng Tươi mang rượu chuối biếu nhà thơ thơ Cao Xuân Thái. Tôi đi cùng và nhà thơ đã vặn nắp rót rượu mời mọi người. Hôm ấy có chị Thoa là bạn của gia đình. Rượu mở nắp đã thơm lừng, quyến rũ. Người Tày bảo thứ rượu có độ cồn cao là lẩu kềm tức là rượu “mặn”. Tươi bảo, rượu nặng đấy. Tôi còn dụt dè. Chị Thoa làm một nhát, dốc chén. Chị hết lời khen ngon và chếnh choáng. Chị bảo đây mới là rượu quý. Tôi nhâm nhi cũng thêm vài chén nữa và thực sự biết thế nào là vị ngọt của rượu chuối ở đất Kim Bình. Tôi đã “nghiện” rượu chuối Kim Bình từ độ đấy. Thỉnh thoảng lại rủ bạn ngược đèo dốc lên. Thứ rượu trong veo như nước mạch. Thậm chí nhiều khi qua đèo, dừng xe uống nước máng lần, thử làm cái rễ chuối...

    Chú em Ma Quang Lụ, hầu như tuần nào cũng có khách tới thăm hoặc liên hệ công tác. Ông thường dẫn chúng tôi hoặc cánh nhà báo dạo quanh thôn, trên con đường bê tông, qua cánh đồng lúa, thăm nhà văn hóa... Ông bảo: Chuối của thôn Pác Chài không nhiều như các thôn bản khác, nhưng rượu chuối thì không thiếu. Với tấm lòng mến khách của ông và gia đình, nhất là hai cô “gái Tày Chiêm Hóa” đôi lần tôi bị “chuối đánh”. Cảm giác say cũng êm dịu, lâng lâng. Lâu không lên, lại thấy Tươi hoặc Thắm chuyển “lửa Kim Bình” về Tuyên. Tôi nhớ chuyến đi cùng các văn nghệ sỹ các dân tộc thiểu số lên huyện Chiêm Hóa còn gửi mấy xách rượu làm quà. Chuối đã góp phần xóa đói nghèo cho một vùng quê còn không ít khó khăn.Vị ngọt thơm của rượu chuối Kim Bình đã được xây dựng thương hiệu và đã lên đường đi khắp mọi miền...

    Chè xanh đất Mỹ Bằng...

    Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế miền Bắc. Năm 1959 rất nhiều bộ đội, dân công từng tham ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quê từ Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định... về Tuyên Quang để khai phá đất hoang, phát triển kinh tế mới. Nông trường Chè tháng Mười được thành lập từ những năm đó. Cả một vùng đồi rừng hoang dại, lau lách ngày ấy với sức người, sức máy đã làm nên mênh mông chè. Cây chè đã níu giữ những người miền xuối đi xây dựng kinh tế miền núi. Sáu mươi năm qua cây chè đem lại nhiều thay đổi cho bộ măt nông thôn miền núi.

    Những đồi chè như bát úp kề vai, nối nhau. Những luống chè uốn lượn đều tăm tắp, như nét vẽ hào hoa, tinh tế của người thợ chè. Sóng chè làm nên sóng nước cuồn cuồn tuôn chảy, cho những lứa chè đi muôn nơi. Tôi mang trong mình một niềm say mê với chè. Có ông bạn Hoàng Minh Châu, quê Làng Ngòi, sinh ra từ đồi chè, đi công tác mấy chục năm, khi về hưu lại về với chè. Thỉnh thoảng tôi rủ bạn vào đây, đi bên bạt ngàn nương chè biếc xanh. Hương chè xanh miên man. Chè đã cho tôi gặp lại một người bạn quen đã lâu, tên là Đào Thị Chung, quê xóm Lũng. Em thường tự nhận mình là người “Mỹ”. Đấy là người của vùng chè Mỹ Lâm ngày xưa, bây giờ là Mỹ Bằng. Mỗi lần sang “Mỹ” là một trải nghiệm thú vị. Em đưa tôi đi thăm những lò sản xuất chè khô của bà con, họ hàng. Thăm cánh đồng chè bát ngát xanh đến tận chân núi. Chung chụp cho chúng tôi những bức ảnh thật đẹp bên luống chè. Ở Mỹ Bằng tôi còn có cơ hội đến thăm một địa danh lịch sử gắn liền với nước bạn Lào. Nơi những năm năm mươi, thế kỷ trước Hoàng Thân Xu Pha Nu Vông đã từng hoạt động, lãnh đạo cách mạng Lào. Cũng tại đây còn in dấu chân lãnh tụ Hồ Chí Minh đến thăm vị lãnh tụ nước Lào...
Tôi cũng đã gặp những người lái xe chuyên chở chè Mỹ Bằng đi tiêu thụ khắp nơi. Trong đó có hàng trăm tấn sang Thái Nguyên và các địa bàn lân cận.

    Ngồi nhâm nhi chén trà nóng với bạn thấy mình thanh khiết lạ thường. Ông Châu có thú đam mê riêng. Ông nuôi rất nhiều chim cảnh. Lồng chim treo thung thăng trước nhà. Suốt ngày tiếng chim hót lảnh lót. Có con chim gáy dõng dạc gọi trưa về. Nước trà sóng sánh màu vàng mơ, lên khói, tỏa hương. Chẳng ai giải thích được vì sao chè Mỹ Bằng thơm ngon vậy. Giống chè bát tiên và chè truyền thống đều chung mảnh đất cắn cỗi mà làm nên vị đậm đà riêng. Tôi bảo với em Chung, Mỹ Bằng là đất ngọt của chè. Người Mỹ Bằng cũng hồn hậu, đậm đà như hương vị trà quê vậy. Những ngày rét buốt, sương muối búp chè tím sậm, thấm đẫm sương đêm. Nếu hái từ tinh sương về, sao suốt, để mộc uống luôn thì vị ngon của chè con làm ta quên lối về. Mỗi khi đi bên những ngọn non mơ màng, đố ai cưỡng được bàn tay lướt trên ngọn búp rồi dừng lại bấm một “em” đưa lên miệng. Cái cảm giác mơn trớn của tôm tép chè lên da thịt như là sự giao thoa của đất trời với lòng người...

    Cam ngọt Phù Lưu

Cam sành Hàm Yên

    Khi mùa đông đã đi qua nửa chặng đường thì cam Hàm Yên cũng đã bắt đầu vào ngọt. Đường lớn, ngõ nhỏ của Hàm Yên tấp nập những chuyến xe cam. Khắp đồi núi, thấp thoáng bản làng màu vàng cam tưng bừng khoe sắc. Cam phơi màu no ấm, tô vị ngọt ngào trên các bản làng Phù Lưu, Yên Thuận, Minh Khương, Yên Lâm... Cam ríu rít trên nương; cam tưng bừng nơi nhà sàn; vệ đường chờ ngày đi xa. Những người trồng cam bảo: rét càng đậm thì cam càng ngọt lịm. Sương muối càng buốt rét, vị cam càng đậm đà. Giống như các cụ xưa nói “heo may mía trèo lên ngọn”. Gió bấc, sương muối đã tan hòa trong vị ngọt của cam. Nhớ lần đầu lên thôn Thôm Tấu, xã Phù Lưu, trưởng thôn Hoàng Văn Mạnh bảo năm nay nhuận tháng chín, trời lạnh nhiều, cam sẽ chất lượng. Mấy hôm trước, ông Mạnh gọi điện báo tin, cam vào ngọt rồi, bác lên đi. Ông ca cẩm, tháng trước bác lên, cam sành còn xanh, chưa hái được, chỉ có cam giấy...

    Và hôm nay, tôi đã cùng ông leo tận đỉnh đồi cam, không chỉ được no mắt ngắm mà còn được tự tay hái từng quả ngọt. Cam ríu rít từng chùm. Đi đâu, chỗ nào cũng đụng cam. Lòng muốn giang tay ôm lấy cả nương đồi. Hai nương cam nhà ông Mạnh dự tính thu trên một trăm tấn quả. Cam cũ trồng được hơn hai chục năm. Cam mới sang năm thứ năm, bắt đầu sai quả. Ông khoe vườn cam tơ này đã bán trên hai chục tấn, quả đẹp, sai trĩu trịt. Cây chưa nhiều tán, nhưng cành nào cũng sum suê trái. Khi cây vào độ sung sức có thể cho đến hai tạ quả.

    Đường vào, đường ra chúng tôi gặp cả ngàn lượt người tấp nập ngược xuôi làm thuê, cắt và vận chuyển cam từ núi xuống nơi tập kết. Ngựa thồ, người gánh, vác, địu... rộn rã như dân công hỏa tuyến. Người có sức thì vận chuyển, người yếu hơn thu hái quả. Mấy trăm con ngựa của xã cùng tham gia thồ cam. Cả Phù Lưu như mở hội. Người từ các xã, huyện khác, thậm chí các tỉnh khác như Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang... cũng đến làm thuê. Tôi ngạc nhiên khi cháu Liên, con gái trưởng thôn nói có thanh niên dân tộc Dao Quần Trắng gánh đến hơn một tạ cam xuống núi, tương đương sức thồ của một con ngựa. Cửu vạn cam được dịp làm kinh tế. Hàng chục chiếc lều bạt dựng tạm bên đường để tập kết cam. Cam đổ thành núi, đồi. Chủ và khách hàng ăn ngủ với cam. Tôi nhặt những trái cam vương vãi dọc đường lên núi mà thầm tiếc. Những trái vàng ươm, đầy tay. Ông Mạnh chọn lựa những trái cam đẹp ngon biếu khách. Được biết nhiều năm nay, lãnh đạo huyện và Hội cam sành Ham Yên đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh tìm bạn hàng và giới thiệu sản phẩm. Thương hiệu cam sành Hàm Yên đã đi muôn nơi. Trên đường về, trong tôi còn ngọt ngào vị cam quê. Mùa cam, màu vàng cam đang mang về no ấm cho bà con nơi đây. ĐT 189, con đường lớn, xuyên qua vùng cam đã mở đường cho cam đi khắp đất nước...

Tùy bút của Lê Na