Cọn nước - Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang

Thứ sáu, ngày 19/01/2018 - 14:14
Đã xem: 2,812 views

Trải qua quá trình sinh sống, cộng cư và thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của tự nhiên, chiếc cọn nước đã ra đời và là sản phẩm sáng tạo độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao.

    Trước đây, đời sống của đồng bào vùng cao chủ yếu mang tính tự sản tự tiêu, với phương thức canh tác "quảng canh", hệ thống mương phai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, nên để có nước cho các thửa ruộng, đồng bào đã phát minh ra chiếc cọn để dẫn nước, giúp cho việc tưới tiêu được thuận lợi hơn với phương pháp lợi dụng sức nước để lấy nước. Chiếc cọn nước được ra đời, đó là sản phẩm của nền "văn minh nương rẫy", mà chủ nhân của nó chính là các cư dân bản địa người Tày, Nùng, Dao... họ cư trú và sinh sống lâu đời, khai phá những vùng đất hoang hóa để trở thành những bản làng trù phú như ngày hôm nay.

    Theo cuốn Tấu sách Tuyên Quang tỉnh (Sách tấu về tỉnh Tuyên Quang) - niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (năm 1888) - Tư liệu lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Mã hiệu: VhC.01087, trang 18, có ghi: " Người Mán, người Nùng, người Thổ ở nhà sàn; người Thổ, Nùng ở chỗ thấp, sống bằng nghề khai khẩn trồng trọt, dùng bánh xe (cọn nước) dẫn nước vào ruộng, người Mán ở trên núi mặc quần áo màu xanh ngắn dài khác nhau, ngôn ngữ không giống nhau...".

    Hiện nay, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao cư trú ở các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh hệ thống mương phai tưới tiêu nội đồng thì đồng bào vẫn còn sử dụng những cọn nước để cung cấp nước cho các cánh đồng, những thửa ruộng của mình. Chỉ tính riêng tại xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang hiện nay vẫn còn 30 cái cọn nước đang được người dân sử dụng như một công cụ sinh hoạt thường ngày.

Cọn nước của đồng bào dân tộc Tày tại huyện Chiêm Hóa

    Đến thăm chiếc cọn nước đang được gia đình ông Hà Văn Cầu, thôn An Vượng, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa đang sử dụng được ông chia sẻ về cấu tạo của cọn nước gồm các bộ phận sau:

    Hệ thống đập giữ nước

    Đập giữ nước là một bộ phận quan trọng để tạo ra sức nước giúp cọn nước có thể chuyển động được. Ở những con suối nhỏ có độ dốc không lớn người ta phải đắp thành những con đập nhỏ để giữ và điều tiết nước.

    Đập giữ nước được làm khá đơn giản, chỉ được làm bằng những phên đan bằng tre, trúc hoặc người ta chỉ ghép các thanh tre đập dập lại với nhau. Sau đó, dùng 2 cây tre hoặc thân cây gỗ ép lại vào nhau, để giữ cho các tấm phên không bị xê dịch, rồi đặt ngang xuống dòng suối. Để giữ cho các tấm phên tre không bị trôi, đồng bào thường đan những giỏ bằng tre, trong đó đựng đầy đá cuội được gom từ lòng suối và buộc cố định vào các tấm phên.

    Khung guồng

    Là bộ phận để giữ cho guồng nước được đứng vững không bị đổ, khung guồng còn có một công năng khác đó là định vị trục của guồng quay.

    Khung guồng thường được làm bằng các đoạn cây tre hoặc gỗ, được chôn cố định theo phương thẳng đứng và song song với guồng quay. Ở vị trí đặt trục của guồng nước, người tra chôn mỗi bên 2 đoạn tre xuống lòng suối sao cho vuông góc với trục, nối với 2 cọc tre là 1 thanh ngang để đỡ và định vị trục của guồng quay, thanh ngang này có chiều cao đúng bằng bán kính của guồng nước.

    Ngoài ra, ở bộ phận khung guồng còn được bố trí thêm các cây chống để đỡ cho guồng nước không bị nghiêng.

    Guồng quay

Hệ thống guồng quay của cọn nước

    Guồng nước là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống cọn nước, khi guồng quay, nước sẽ được vận chuyển lên tới điểm cao nhất của guồng nhờ có bộ phận múc nước rồi được đổ xuống máng chứa nước. Tuy kích thước của các cọn nước có khác nhau nhưng về nguyên lý hoạt động thì chúng đều giống nhau.

    Guồng nước bao gồm các bộ phận đó là trục quay, các thanh tre và các đường tròn đồng tâm được nối với nhau bằng các thanh ngang.

    Các thanh nan tre có kích thước bằng nhau, được đan chéo nhau (có cấu tạo gần giống với cấu tạo của bánh xe đạp) và để liên kết với các thanh này, người ta buộc cố định vào các vòng tròn đồng tâm bằng lạt tre hoặc lạt giang, để giữ cho các nan tre không bị xê dịch. Đầu kia của các thanh tre được buộc cố định vào 2 vòng tròn lớn. 2 vòng tròn này song song với nhau, chúng được uốn bằng tre tươi và được nối với nhau bằng các thanh ngang. Ở khoảng giữa các thanh ngang, người ta buộc các phên gạt nước và các ống múc nước.

    Phên gạt nước

    Phên gạt nước là các tấm phên được đan bằng tre, trúc và buộc cố định vào các thanh ngang của guồng nước. Đây là bộ phận khá quan trọng của guồng quay, giúp cho guồng có thể hoạt động được. Phên được đan nong mốt, hình chữ nhật có kích thước khoảng 20 x 30 cm.

    Ống múc nước

Đây là bộ phận được gắn trên guồng quay, làm nhiệm vụ lấy nước từ suối lên trên guồng và đổ vào máng chứa nước. Ống múc nước được làm bằng các ống tre có đường kính miệng khoảng từ 5-7 cm và cao khoảng 30 cm, người ta dùng các đốt tre, nứa để làm ống múc nước, 1 đầu bịt kín còn miệng ống thì được cắt vát. Ống được đặt chếch trên guồng quay 1 góc 450 so với các thanh ngang và được bố trí đều trên khắp guồng quay, đầu ống vát hướng lên và được đặt theo chiều của guồng quay. Khi ống múc nước lên tới điểm cao nhất của guồng quay, phía đầu vát sẽ trúc xuống và đổ nước xuống máng chứa nước.

    Máng đựng nước 

Máng đựng nước được làm bằng 1 khúc gỗ đục rỗng giữa, có hình dáng giống như chiếc Loỏng đập lúa của đồng bào Tày. Máng đựng nước được đặt ở bên cạnh và trên gần điểm cao nhất của guồng nước. Khi nước lấy từ suối lên nhờ hệ thống ống múc nước sẽ được đổ về máng này. Người ta đục một lỗ nhỏ ở máng để lồng ống dẫn nước vào.

    Ống dẫn nước

    Ống dẫn nước là 1 hệ thống các ống tre, vầu, bương... ghép lại với nhau, tùy theo khoảng cách từ cọn nước tới các thửa ruộng hay chỗ dùng để sinh hoạt mà người ta làm ống dẫn có chiều dài cho phù hợp. Đồng bào thường lấy những thân cây tre bương to và thẳng, mang về bổ đôi, sau đó róc bỏ hết các mấu tre, tạo thành máng. Có những vùng như ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, người ta không bổ đôi mà để nguyên cả cây rồi đục thủng.

    Cọn nước là hệ thống dùng sức nước để hoạt động, khi nước chảy qua guồng sẽ tạo ra 1 lực đẩy, nước sẽ tiếp xúc với bề mặt của phên gạt nước được đặt trên guồng quay. Nhờ đó mà guồng có thể chuyển động được. Guồng nước quay theo chiều ngược kim đồng hồ và cùng theo chiều với dòng nước chảy. Khi guồng chuyển động thì các ống múc được buộc chếch trên bề mặt của guồng quay sẽ tiếp xúc với nước, nước sẽ được dồn đầy vào ống và được chuyển lên tới điểm cao nhất của guồng và được đổ vào máng đựng nước được bố trí bên cạnh. Nước theo các ống dẫn dồn về các thửa ruộng hay các hộ gia đình để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của đồng bào.

Mô hình đèn trung thu cọn nước tại Lễ hội Thành Tuyên năm 2013

    Là sản phẩm sáng tạo độc đáo của cư dân vùng cao, chiếc cọn nước đã chiếm một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào nơi đây. Trải qua bao thế hệ, nó cũng là thành quả của quá trình lũy, đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi. Cọn nước đã trở thành một công cụ hữu dụng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây.

    Hình ảnh những chiếc cọn nước bên bờ suối quay chậm rãi từng vòng nhịp nhàng đều đặn với những âm thanh kẽo kẹt, tiếng nước chảy róc rách, xa xa là những nếp nhà sàn xinh xắn nép mình dưới tán cọ xòe ô. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc nên thơ nơi miền sơn cước.

    Hiện nay, đồng bào đã biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì những chiếc cọn nước cũng đang dần được thay thế bằng những đập tràn, hệ thống mương phai, trạm bơm nước... Và theo thời gian những chiếc cọn nước sẽ dần bị mất đi và hình ảnh của nó chỉ còn được lưu lại trong những câu truyện kể của đồng bào nơi đây.

    Có thể nói, cọn nước là sản phẩm của trí thông minh, óc sáng tạo của cư dân vùng cao đã có từ bao đời. Cọn nước không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, xã hội mà nó còn thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây./.

Phạm Hương