Thiên nhiên ban tặng cho huyện vùng cao Na Hang những dãy núi cao chót vót cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành với mây phủ, sương giăng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để con người nơi đây phát triển cây chè Shan tuyết quý hiếm. Những sợi trà “ngậm” sương, trên bề mặt phủ một lớp bạc óng ánh như tuyết kết tinh trong đó là bao khát vọng của người vùng cao nhằm đưa loại chè đặc sản thơm ngon bậc nhất này vươn xa…
Rừng chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long.
Mở ra con đường làm giàu
Trong ngôi nhà gỗ truyền thống của người Dao, ông Đặng Quý Trình, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú chậm rãi bỏ nắm chè Shan tuyết vào chiếc ấm, rồi rót nước sôi trong phích để pha trà mời khách. Câu chuyện về cây chè Shan tuyết làm đổi đời người dân nơi đây càng thêm thú vị khi hương thơm ngào ngạt, ngây ngất từ ấm chè Shan tuyết phảng phất. Ông Trình kể, trước đây, gia đình ông và nhiều hộ ở Phia Chang chỉ hái chè trước hết là để phục vụ nhu cầu của gia đình, sau này đem bán lẻ.
Tiếng tăm của chè Shan tuyết thôn Phia Chang, xã Sơn Phú lan rộng khi những thương lái đầu tiên lặn lội lên đây thu mua và vô cùng ngỡ ngàng khi nếm thử chén chè Shan tuyết trên đỉnh núi này. Họ truyền tai nhau về sự thơm ngon của chè Shan tuyết Phia Chang, rồi thương lái cứ ùn ùn kéo lên. Người Dao ở Phia Chang bắt đầu nghĩ cách trồng, nhân rộng giống chè Shan tuyết cổ thụ.
Phụ nữ Dao đỏ thu hái chè Shan tuyết cổ thụ tại thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long (Na Hang).
Gia đình ông Trình hiện có 2 ha chè Shan tuyết. Mỗi năm, gia đình ông thu hơn 1 tấn chè búp tươi, loại ngon nhất, ông bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Trang là 70.000 đồng/kg, loại vừa là 60.000 đồng/kg và loại thấp hơn là 50.000 đồng/kg. Một năm ông thu lãi 40 triệu đồng từ chè Shan tuyết. Nhấp ngụm nước chè Shan tuyết thơm lừng, tôi cảm nhận vị chát nhưng thanh mát nơi đầu lưỡi, câu chuyện của ông Trình về cây chè Shan tuyết ở Phia Chang càng làm cho tôi nhớ mãi cái vị ngọt hậu đọng lại khó quên của ấm chè Shan tuyết khi ông Trình nở nụ cười rất tươi: “Cây chè Shan tuyết chắc chắn sẽ là cây đổi đời của người Dao nơi đây”.
Đánh thức tiềm năng của chè Shan tuyết
Theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Na Hang, mặc dù diện tích chè Shan tuyết khá lớn nhưng sản lượng chè Shan tuyết vẫn còn thấp, chất lượng chưa đồng đều. Nguyên nhân do việc đầu tư chăm sóc, đốn tỉa, thu hái chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Nhiều diện tích chè Shan tuyết nằm ở vị trí khó thu hái nên chưa được khai thác. Việc bao tiêu, thu mua sản phẩm chè Shan tuyết giữa một số công ty, hợp tác xã chưa ổn định nên người dân chưa yên tâm chăm sóc, đầu tư cho cây chè Shan tuyết. Xã Sinh Long hiện có trên 984 ha chè Shan tuyết.
Tuy nhiên theo đồng chí Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long, chỉ có hơn 200 ha đang cho khai thác. Diện tích còn lại nằm sâu trong rừng đặc dụng, đường sá đi lại khó khăn, chưa thể khai thác. Đó hầu hết là chè Shan tuyết cổ thụ. Tại Sinh Long cũng đã có 5 hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, sản xuất và thu mua, tiêu thụ chè Shan tuyết. Tuy nhiên, việc bao tiêu, thu mua sản phẩm chè tươi cho người trồng chè Shan tuyết vẫn chưa ổn định nên không ít hộ trồng chè chưa thực sự quan tâm đến việc cải tạo, chăm sóc, nhân rộng chè Shan tuyết.
Ông Đặng Quý Trình, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây chè Shan tuyết.
Dẫn chúng tôi lên thăm đồi chè Shan tuyết của ông Hoàng Trung Sơn, thôn Phiêng Ngàm, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Văn Mạnh cho biết, diện tích chè Shan tuyết của ông Sơn những năm trước vẫn được đốn tỉa, cho thu hoạch với sản lượng khá nhưng năm nay, rừng chè của gia đình ông chưa được dọn cỏ, chè chưa được đốn tỉa nên rất ít búp, chắc chắn sản lượng sẽ không đạt như những năm trước. Theo ông Mạnh, một số hộ trong thôn chưa thực sự yên tâm sản xuất chè Shan tuyết do việc tiêu thụ, thu mua chè của một số hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn chưa ổn định, chưa có cam kết về việc thu mua.
Nuôi dưỡng giấc mơ
Chủ tịch UBND huyện Na Hang Tô Viết Hiệp nói về cây chè Shan tuyết rất hào hứng và tâm huyết. Anh bảo, chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 4 - 2021 trên địa bàn 6 xã là Sơn Phú, Khau Tinh, Hồng Thái, Sinh Long, Thượng Nông, Thượng Giáp. Đây là niềm vui lớn đối với người trồng, sản xuất và tiêu thụ chè Shan tuyết Na Hang.
Toàn huyện hiện có 1.286,4 ha chè Shan tuyết, trong đó được trồng bằng nguồn vốn Dự án trồng mới 5 triệu/ha rừng là 551,2 ha; được trồng trên đất rừng phòng hộ đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên 718 ha, do các hộ gia đình được giao đất, giao rừng quản lý. UBND huyện Na Hang cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của người Dao đỏ thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long.
Từ năm 2011 đến nay, cùng với việc bảo vệ, chăm sóc diện tích chè Shan tuyết hiện có, UBND huyện đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết. Tháng 3 - 2023 lần đầu tiên, huyện Na Hang tổ chức Festival chè Shan tuyết Na Hang nhằm trưng bày, quảng bá, giới thiệu về loại chè đặc sản này.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tô Viết Hiệp, giải pháp quan trọng nhất huyện đang tập trung thực hiện đó là bảo tồn, phát triển nguồn gen quý giá của chè Shan tuyết cổ thụ. UBND huyện đã chỉ đạo điều tra, khảo sát trên địa bàn các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú, Khau Tinh để lựa chọn những cây chè Shan tuyết ưu tú, đầu dòng để nhân giống, nhất là sử dụng, nhân rộng giống cây đầu dòng giống chè Shan tuyết tại xã Sơn Phú.
Đặc biệt, UBND huyện sẽ chỉ đạo tăng cường quản lý Nhà nước trong việc bao tiêu, thu mua sản phẩm chè Shan tuyết của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Từ đó giúp người dân yên tâm trồng, phát triển và vươn tới xây dựng thương hiệu Chè Shan tuyết Na Hang được nhiều người trong nước và thế giới biết đến.
Theo TQĐT