Nhắc đến Làng Bát, nhiều người nghĩ ngay đến vị chè rất riêng. Quả thật, ở vùng quê ấy bà con quanh năm bám trụ với nghề chè, nhờ có cây chè mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo làm giàu hiệu quả. Thương hiệu Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) hôm nay đã vươn xa và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước.
Thơm hương đậm vị
Nằm cách thành phố Tuyên Quang chừng 50 km về phía Tây Nam, nơi có những quả đồi thoai thoải hình tròn giống như những chiếc bát úp. Một điểm đặc biệt khác khi đến thôn 3 Làng Bát đó chính là mùi thơm của những lò chè đang sao tan vào không gian khiến cho khách lạ phải say đắm. Đứng từ trên cao phóng tầm mắt ra phía xa là núi già Cham Chu sừng sững. Nước nguồn từ dãy Cham Chu chảy về Làng Bát nuôi dưỡng cho những đồi chè quanh năm xanh tốt.
Chỉ tay về phía chân núi, nơi có hệ thống mương dẫn nước, ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát tâm sự: “Chè Làng Bát có chất lượng thơm ngon có lẽ là do được tưới tắm từ nguồn nước trong sạch từ rừng núi nguyên sinh Cham Chu chảy về. Thêm nữa đó là quy trình chăm sóc, sao hái của bà con nông dân ngày càng được cải thiện nên chất lượng chè từng bước được nâng lên, sản phẩm chè của bà con làm ra đến đâu bán hết đến đó...”.
Một đợt, anh bạn tôi làm ở một tạp chí chuyên về ẩm thực tại Hà Nội, người rất sành trà lên Tuyên chơi, tôi có nhã ý thử... Tôi pha 3 ấm trà, 2 ấm mua ở chợ không thương hiệu và 1 lấy từ lò mới sao ở vùng chè Làng Bát. Chỉ cần đặt chén chè lên môi nhấm nháp bạn tôi đã chỉ ra ngay chén nước pha từ chè Làng Bát và nói ngay “Đây đúng là chè ngon, có vị ngọt hậu và chắc chắn pha rất được nước. Uống chè này mà nhâm nhi với kẹo lạc nghe đọc thơ nữa thì quả thật thi vị, chẳng thú vui nào bằng”.
Các sản phẩm Chè xanh Làng Bát hiện nay đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước.
Trở lại với vùng chè Làng Bát nơi có không khí trong lành, cảnh sắc, môi trường ở đây được bà con gìn giữ để phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch trong tương lai. Nhiều du khách đã tìm đến để check-in hoặc để tự hái những búp chè xanh non mơn mởn để cảm nhận về nghề trồng chè thanh tao.
Gặp chị Hoàng Thị Nhung ở thị trấn Vĩnh Tuy (Hà Giang) cùng nhóm bạn đang dạo chơi bên những đồi chè. Chị Nhung cho biết, lần nào về quê qua Hàm Yên là chị đều ghé vào thăm đồi chè Làng Bát, đến đây chị cảm thấy rất thư thái bởi mùi chè dịu mát, uống chè Làng Bát xong chị “nghiện” luôn và từ đó trở thành “tín đồ”. Hàng ngày sau bữa ăn chị và gia đình đều quây quần để cùng nhau thưởng thức “món quà” dân dã này.
“Một nắng hai sương” làm nên thương hiệu
Chè là thức uống thanh tao nhưng để làm ra nó lại là cả quá trình đầy vất vả của người làm nghề. Đó là khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến... và ở trong bất cứ một công đoạn nào nếu làm không chuyên tâm là hỏng ăn” - ông Ninh Văn Tuyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát, người đang quản lý gần 2 ha chè hữu cơ. Ông Tuyên cho biết, tuy vất nhưng cây chè đem lại giá trị rất lớn, là chè sạch sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, giá bán trung bình hiện nay từ 250 đến 300 nghìn đồng/kg chè khô. Đó là một khoản thu không hề nhỏ đối với những người làm nghề chè.
Việc trồng chè ở Làng Bát đã có từ lâu, song để làm nên thương hiệu Chè xanh Làng Bát như hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành của tỉnh. Trong đó, thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang (TNSP), từ năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Hàm Yên giúp bà con thôn 3 Làng Bát chuyển đổi từ trồng chè tự phát sang trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thành viên Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát trò chuyện với khách du lịch về nghề chè.
Bà con ở Làng Bát đã được hỗ trợ toàn diện từ cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chè... Từ đó đã tạo động lực để bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ chính nghề truyền thống của quê mình. Không chỉ các hộ trồng chè được hưởng lợi mà còn tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho những người dân nơi đây.
Chị Triệu Thị Túc, dân tộc Dao ở thôn 3 Làng Bát phấn khởi nói, nếu chịu khó làm nghề hái chè thuê một ngày cũng kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng. Số tiền này có khi bằng với tiền đi làm công nhân trong khi hái chè không độc hại mà còn gần nhà. Chị mong rằng vùng chè cũng như thương hiệu chè Làng Bát của bà con mình ngày càng phát triển hơn nữa để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Hiện nay, ở thôn 3 Làng Bát có 65 hộ trồng chè là thành viên của Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát với diện tích hơn 30 ha còn tính tổng số hộ trồng chè của thôn là hơn 100 hộ, năng suất trung bình đạt 160 đến 180 tạ/ha/năm. Sản phẩm của Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, trong đó khoảng 30% tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, 60% bán tại thị trường Hà Nội, phần còn lại đã theo chân thương lái vào tới thị trường miền Trung và miền Nam.
Người dân Làng Bát thu hoạch chè xanh.
Thương hiệu Chè xanh Làng Bát cũng đã góp mặt trên bản đồ nông sản sạch Việt Nam, được giới thiệu trên chương trình Nông nghiệp sạch của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhờ phát triển nghề chè mà cuộc sống của người dân Làng Bát đã đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá giàu ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Mạnh Công, Trưởng thôn 3 Làng Bát cho biết, chè là cây trồng chủ lực giúp người dân trong thôn thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Toàn thôn có 147 hộ thì có đến hơn 85% số hộ trồng chè, so với 5 năm trở về trước số hộ nghèo đã giảm đáng kể từ gần 50% xuống chỉ còn hơn 17%. Cùng với phát triển nghề chè, thôn đang được định hướng phát triển du lịch trải nghiệm để tăng thêm thu nhập cho người dân. Hiện thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con cùng chung tay bảo vệ cảnh quan, môi trường, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Đi trong hương chè, tôi chợt nhớ bài thơ Tình trà của Nguyễn Đức Tuấn: “Nâng niu, sáng sáng thưởng trà/Nhớ rừng trà biếc quyện hòa trong mây/Hương nồng, gió thoảng ngất ngây/Gốc chen đá núi, búp đầy nắng thơm/Chắt từng giọt nước trong sương/Gom từng hạt đất, đậm hương khí trời”.
Theo TQĐT