TUYÊN QUANG – NƠI VẺ ĐẸP HỘI TỤ

Chủ nhật, ngày 07/05/2023 - 14:34
Đã xem: 1,493 views

Nằm cách thủ đô Hà Nội 140 km, tỉnh Tuyên Quang được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vẻ đẹp hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nơi đây được biết tới là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển các loại hình du lịch như: du lịch lịch sử văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống, mang những nét đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch về thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát và triển khai các dự án tại Tuyên Quang. Với những tiềm năng, cơ hội và triển vọng, Tuyên Quang đã và đang trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế.

Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 gắn với Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ II - năm 2023 và tổ chức trao “Giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á” năm 2022 cho “Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng”. Đặc biệt Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề - Tuyên Quang năm 2023 với chủ đề “Tuyên Quang - vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí” là một trong những hoạt động điểm nhấn của Khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 có ý nghĩa thiết thực, là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thương mại, các làng nghề của tỉnh Tuyên Quang.

Tuyên Quang là quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, là nơi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với hơn 600 di tích lịch sử văn hóa trong đó Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào, Khu di tích lích sử Kim Bình được xếp hạng là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đang được đầu tư xây dựng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2030 trở thành Khu du lịch Quốc gia và sẽ là một trong những trung tâm du lịch lịch sử, văn hóa, cách mạng hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Tuyên Quang là nơi cư trú của người Việt cổ, nơi hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo, đa sắc màu của 22 dân tộc. Đặc biệt có di sản Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO được công nhận là di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại,...

Thiên nhiên ưu ái cho Tuyên Quang những phong cảnh hùng vĩ, nguyên sơ với hệ thống hang động, thác nước hùng vĩ, đang mời gọi du khách tới trải nghiệm, chinh phục và khám phá qua những loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm. Khu bảo tồn thiên nhiên danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình với trên 8.000 ha mặt nước, cùng những dãy núi đá vôi, cánh rừng nguyên sinh tạo nên những khung cảnh sơn thủy hữu tình được ví như “Hạ Long giữa đại ngàn” du khách sẽ có nhiều lựa chọn trải nghiệm du lịch thú vị trên lòng hồ như: Du thuyền, check in, câu cá, chèo thuyền kayak…

Điểm nhấn khi du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại suối khoáng nóng Mỹ Lâm, du khách sẽ được trải nhiệm với nguồn nước khoáng nóng, nhiệt độ trên 69oC. Đây là một trong những nguồn nước khoáng được đánh giá tốt nhất trong cả nước, với nhiều khoáng chất, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, có giá trị chữa bệnh, rất thích hợp để du khách nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

Tuyên Quang không chỉ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, mà còn được biết đến là một miền văn hóa tâm linh với một hệ thống đền, chùa cổ với hàng trăm năm tuổi, nhiều điểm du lịch tâm linh đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia như: Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, chùa Hương Nghiêm, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc,…. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung trùng tu các điểm du lịch tâm linh, mở rộng không gian văn hóa tín ngưỡng, với kiến trúc phù hợp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của mỗi du khách khi đến với Tuyên Quang.

Ấn tượng và độc đáo nhất khi nhắc đến Tuyên Quang là Lễ hội Thành Tuyên lung linh sắc màu với những mô hình đèn trung thu khổng lồ thật độc đáo, được thiết kế và làm thủ công bởi những đôi bàn tay khéo léo của người dân Tuyên Quang. Lễ hội Trung thu được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo lớn nhất Việt Nam. Đêm hội Trung thu đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Tuyên Quang và đang được xây dựng thành một Lễ hội mang tầm quốc tế.

Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát các làng nghề, nghề truyền thống, từng bước tạo ra hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Với mục tiêu phát triển cây chè gắn với du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá sản phẩm chè Tuyên Quang đến với du khách. Nhiều làng nghề đã có sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động, trong đó làng nghề chè Vĩnh Tân xã Tân Trào huyện Sơn Dương là làng nghề lâu đời. Đến với làng nghề chè Vĩnh Tân, du khách sẽ được tham quan những đồi chè, trải nghiệm hái và chế biến chè tại chỗ, sử dụng chính những sản phẩm do tự tay chế biến. Đây là những trải nghiệm thú vị, ấn tượng với khách du lịch khi đến tham quan, tìm hiểu tại nơi đây.

Cùng với các làng nghề chè, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên; nghề mây tre đan ở huyện Chiêm Hóa, nghề làm nón ở xã Minh Quang huyện Lâm Bình, nghề làm cót ở phố Xuân Hòa, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang; nghề rèn ở các xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên; xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương… ngày càng thu hút khách du lịch đến trải nghiệm.

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đang được hồi sinh và bảo tồn để lưu giữ bản sắc văn hóa. Với đôi bàn tay chuyên cần, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày đã tạo ra các sản phẩm thủ công đa dạng, mang những nét hoa văn tinh xảo, kỹ lưỡng, với chất liệu truyền thống mềm, thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác. Các sản phẩm này đã được du khách đón nhận tích cực và được các công ty thiết kế thời trang liên kết bao tiêu sản phẩm.

Các làng nghề mây, tre đan ở huyện Chiêm Hóa cũng được khôi phục và duy trì gắn với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Sau hoạt động khám phá du ngoạn không gian thiên nhiên của hyện Chiêm Hóa, du khách còn được tham quan, tìm hiểu làng nghề mây tre đan xã Trung Hà, xã Hùng Mỹ với những trải nghiệm khó quên. Du khách có thể tìm mua sản phẩm lưu niệm theo ý thích, vừa tìm hiểu cách thức đan lát thủ công của đồng bào người Tày nơi đây. Từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như guột, mây, tre, nứa… dưới bàn tay khéo léo của  người dân đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ với tính thẩm mỹ cao được thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nơi đây được tiêu thụ trong cả nước, nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời góp phần gìn giữ nghề truyền thông và tạo nên nét văn hóa đa dạng, hấp dẫn cho du khách khi đến Chiêm Hóa tham quan, tìm hiểu.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần khai thác và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của các làng nghề, nâng cao sinh kế cho người dân khu vực nông thôn. Sau 4 năm thực hiện chương trình, đến nay tỉnh đã xây dựng được 191 sản phẩm OCOP, trong đó 149 sản phẩm đạt 3 sao, 41 sản phẩm đạt 4 sao; 01 sản phẩm đang  trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (sản phẩm chè Shan Tuyết Hồng Thái, Na Hang, loại 1 tôm 1 lá). Tỉnh có 4 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Cam Sành, Hàm Yên, chè San Tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà, Yên Sơn và rượu ngô Na Hang). Để đưa sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng, tỉnh đã xây dựng16 điểm bán hàng OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Các sản phẩm đều đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Việc duy trì, phát triển các hoạt động của các làng nghề gắn với phát triển du lịch đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của du khách trong nước và du khách quốc tế khi đến Tuyên Quang. Từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, tạo khởi sắc cho các vùng nông thôn, thu hút đông đảo du khách đến với xứ Tuyên.

Sự kết hợp của nhiều loại hình du lịch, sự độc đáo riêng có của từng khu, điểm du lịch và sự kết nối trọn vẹn giữa các tua, tuyến du lịch trong tỉnh, các tỉnh thành phố trong cả nước và nước ngoài đang là một thế mạnh, một tiềm năng đã và đang được tỉnh Tuyên Quang khai thác và phát huy hiệu quả.

Hãy đến Tuyên Quang, nơi vẻ đẹp hội tụ để được trải nghiệm thú vị những giá trị của các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và nghe những câu chuyện về lịch sử các làng nghề truyền thống, mang nét đẹp bình dị, đặc trưng của địa phương.

Một không gian văn hóa đa sắc màu, sự hấp dẫn trong mỗi loại hình du lịch là lời mời gọi du khách trong nước, du khách nước ngoài và các nhà đầu tư, hãy đến với Tuyên Quang để cùng liên kết, hợp tác, phát triển và trải nghiệm.

Hải Nguyễn