Chiêm Hóa phát triển du lịch sinh thái

Thứ hai, ngày 14/05/2018 - 13:57
Đã xem: 4,385 views

Huyện Chiêm Hóa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, tập trung khai thác những tiềm năng đó đang là hướng đi của huyện nhằm phát triển ngành du lịch, mang lại nguồn thu ổn định cho phát triển kinh tế địa phương.

      Nhắc đến Chiêm Hóa, du khách thường nhớ ngay đến Thác Bản Ba (Trung Hà) với 3 tầng thác nước chảy trắng xóa cùng khu rừng nguyên sinh có những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi hay hang Bó Ngoặng (Phúc Sơn) với những vùng nước rộng nhiệt độ nước thay đổi theo từng mùa. Tuy nhiên, ngoài những địa danh nổi tiếng đã được du khách biết đến, huyện còn nhiều thắng cảnh đẹp như Thác Lụa (Hà Lang, Hòa Phú); Thác Khuân Nhòa (Trung Hà); Bản Biến (Phúc Sơn)... Những địa danh này mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vỹ đang được huyện tập trung đầu tư, khai thác, quảng bá đến du khách.

Hang Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa), điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích.

     Anh Nguyễn Trọng Nam, du khách đến từ Hà Nội cho biết, đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua, anh cùng nhóm bạn của mình đã tổ chức chuyến tham quan Thác Lụa thuộc xã Hà Lang. Vượt qua hơn 10 km đường rừng với những tán cây cổ thụ xanh mát, hoa chuối rừng đỏ rực và những khóm hoa lan rừng đẹp mắt, cả đoàn tham quan đều hào hứng và thích thú. Khi đến được với Thác Lụa, mọi người đều ấn tượng bởi cảnh tượng hùng vỹ, tiếng thác nước chảy từ trên cao xuống như một bản hùng ca hào hùng. Với sự hỗ trợ của người dẫn đường, sau khi tham quan, vui chơi đoàn anh được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân địa phương như: Cá nướng, gà nướng, rau rừng và xôi tím. Mọi người ai cũng ấn tượng với chuyến đi và nhất định sẽ quay trở lại để trải nghiệm nhiều điều thú vị hơn.

     UBND huyện Chiêm Hóa cũng đang tập trung khai thác các địa điểm có nhiều tiềm năng để thu hút du khách. Tại thôn Bản Biến (Phúc Sơn) huyện đã tiến hành khảo sát các hang Thẳm Vài, Thẳm Hốc, Chợ Khỉ để đưa các điểm này vào hoạt động du lịch. Ông Chẩu Văn Thái, người dân thôn Bản Biến nói, tại các hang động có nhiều nhũ đá với hình thù lạ mắt như ruộng bậc thang và các dấu tích của người nguyên thủy với công cụ lao động được chế tác từ những viên đá cuội suối. Nhiều du khách đến tham quan rất yêu thích cuộc sống yên bình ở đây. Người dân trong thôn mỗi khi có khách đến thăm đều nhiệt tình hướng dẫn, đồng thời có chỗ ăn nghỉ đảm bảo mang đến sự hài lòng cho du khách.

     Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, huyện đã đón hơn 12.000 nghìn lượt du khách, đạt doanh thu hơn 9 tỷ đồng. Để phát huy những tiềm năng du lịch của địa phương, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn. UBND huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, trong đó, tập trung vào các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, kết hợp với giới thiệu các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, phát triển các tour du lịch đến các điểm, khu du lịch trong huyện; tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của huyện, khuyến khích các địa phương, người dân phát triển sản phẩm du lịch tạo được dấu ấn, thu hút du khách.

Theo TQĐT