Đi các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đâu đâu cũng có thể bắt gặp những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... Từ xa xưa đồng bào các dân tộc trong tỉnh, kể cả người Kinh dưới xuôi lên đều “kết” kiến trúc của ngôi nhà sàn. Bởi nó phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, địa hình, lối sinh hoạt của người dân địa phương. Hơn nữa vật liệu làm nhà sàn bằng gỗ, lá rất gần gũi, giản dị, dễ kiếm, dễ làm, chi phí thấp, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
Những ngôi nhà sàn truyền thống ở Làng Văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Tuy nhiên thời gian gần đây, nguồn gỗ tự nhiên, gỗ trồng bị suy giảm và được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Những ngôi nhà sàn làm mới bằng gỗ tự nhiên hầu như rất ít. Đối với những ngôi nhà sàn bằng gỗ nhiều năm tuổi, cần sửa chữa cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn gỗ thay thế. Do không được bảo vệ, tu sửa thường xuyên nên nhiều ngôi nhà sàn bị xuống cấp, hư hỏng.
Ông Ma Văn Tuấn, thôn An Phong, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, trước đây gia đình ông có một ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp lá cọ. Nhưng đến nay, nhà sàn đã hỏng, xiêu vẹo, không ở được. Cả gia đình bàn bạc muốn làm lại một ngôi nhà sàn như vậy nhưng không tìm được nguồn gỗ, hơn nữa chi phí để làm nhà sàn gỗ quá cao nên gia đình ông đã làm nhà xây, lợp tôn.
Trước thực trạng trên, gần đây phong trào làm nhà sàn bằng cột bê tông, cốt thép đang lan rộng. Bắt đầu từ những tốp thợ từ Yên Bái, rồi những tốp thợ địa phương tự học “lỏm” xây dựng với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Hiện nay, nhiều hộ dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) và thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) được Nhà nước hỗ trợ trong việc làm nhà sàn bê tông, trên lợp lá cọ, vẫn giữ được nét truyền thống.
Ngôi nhà sàn cột bê tông của gia đình anh Triệu Văn Bình, dân tộc Dao, thôn Cầu Trôi,
xã Tứ Quận (Yên Sơn). Ảnh: Lý Thịnh
Ông Hoàng Văn Dự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào khẳng định, được Nhà nước hỗ trợ tiền và mẫu nhà, gia đình ông thêm tiền làm một ngôi nhà sàn khang trang. Giờ đây, làng Tân Lập hầu hết đều là nhà sàn, góp phần giữ gìn cảnh quan, phong tục tập quán và phục vụ phát triển du lịch.
Còn ông Đào Ngọc Vang, thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) tâm sự, vừa rồi ông định làm nhà xây, nhưng khi xem một số mẫu nhà sàn bê tông, ông thấy rất đẹp, chi phí lại hợp lý nên ông và gia đình quyết định làm nhà sàn cột bê tông. Hiện nay, ngôi nhà đã hoàn chỉnh. thấy gia đình ông Vang làm được, một số hộ trong thôn cũng học tập và làm theo.
Những năm gần đây, để giữ gìn và phát triển những ngôi nhà sàn truyền thống, các huyện đã thực hiện quy hoạch, bảo tồn các làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Nà Tông, Nà Đông xã Thượng Lâm (Lâm Bình); Tầng, Biến xã Phúc Sơn, Bó Củng xã Kim Bình, Bản Ba xã Trung Hà (Chiêm Hóa); Nà Khá, Nà Vai xã Năng Khả (Na Hang)... Nhờ có chính sách cụ thể này mà những ngôi nhà sàn của đồng bào các địa phương được bảo tồn và phát triển.
Ông Lê Mạnh Toàn, một người làm đồ gỗ có tiếng ở thôn Đồng Mo, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho rằng, ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc có từ hàng trăm năm nay mà không bị lỗi mốt. Ngày nay, những người có điều kiện kinh tế và óc thẩm mỹ mới dám làm nhà sàn gỗ. Thường thì người ta hay làm bằng gỗ xoan, mỡ, trên có thể lợp ngói, tôn hay lá cọ. Chính vì có ít ngôi nhà bằng gỗ nên đang có nguy cơ mai một những tốp thợ làm nhà sàn gỗ giỏi. Đây cũng chính là điều trăn trở của những người thực sự tâm huyết với việc giữ gìn kiến trúc của ngôi nhà sàn truyền thống.
Theo TQĐT