Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh

Thứ năm, ngày 07/06/2018 - 08:21
Đã xem: 1,029 views

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020.

     Việc xác định và thực hiện tốt 3 khâu đột phá và 4 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động xúc tiến đầu tư và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư, dự án mới có nhiều triển vọng tốt đã, đang và sẽ được đầu tư tại Tuyên Quang. Năm 2017 tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch. Tại hội nghị đã có 06 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư gần 3.700 tỷ đồng; ký cam kết 06 dự án với tổng mức đầu tư trên 18.200 tỷ đồng và đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn thực hiện dự án tại tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế của tỉnh như: Về nông nghiệp có Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco đầu tư thực hiện dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; Công ty Cổ phần Hồ Toản lựa chọn địa điểm, các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng để đầu tư dự án nuôi bò sữa công nghệ cao. Về công nghiệp chế biến có Công ty cổ phần Woodsland đầu tư thực hiện Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang. Về du lịch dịch vụ có Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang và Dự án Vinpearl Tuyên Quang; Tập đoàn khách sạn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang với tiêu chuẩn 4 sao;…

Lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên quang làm việc với Đại sứ quán Hungari tại Việt Nam

     Đến nay, tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.352 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 12.716 tỷ đồng; tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký, quyết định chủ trương đầu tư là 214 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 27.306 tỷ đồng (không bao gồm các dự án trong khu công nghiệp).

     Để phát huy kết quả đạt được, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên như:

     Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học gắn với vùng nguyên liệu là công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

     Lĩnh vực du lịch: Phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ lưu trú tại các khu, điểm du lịch theo quy hoạch; Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại; đầu tư phát triển du lịch.

     Lĩnh vực công nghiệp: Xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ cao; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ.

     Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào những dự án trọng điểm như: Xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với các tỉnh trong khu vực và cả nước; thu hút các dự án sản xuất công nghiệp mới, có giá trị sản xuất công nghiệp cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, tăng thu ngân sách.

     Hiện nay, đã có nhiều tập đoàn, công ty lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tại tỉnh như: Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Công ty Cổ phần công nghệ xanh đại toàn cầu với dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch nông nghiệp; Công ty Cổ phần đầu tư thương mại, dịch vụ và du lịch Hoa Thiên nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Nam, xây dựng nhà máy nước suối đóng chai và nhà máy sản xuất gạch men ốp lát cao cấp; Tập đoàn TH khảo sát, nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao; dự án trồng, bảo tồn dược liệu quý hiếm kết hợp du lịch nghỉ dưỡng tại các huyện Na Hang, Lâm Bình; Công ty Tư vấn và đầu tư TOKI với dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam – Nhật Bản tại soi Tình Húc; Công ty du lịch Saigon Tourist xây dựng khách sạn chuẩn 5 sao tại Trung tâm thành phố Tuyên Quang; Đoàn khảo sát nghiên cứu môi trường đầu tư tỉnh Tuyên Quang của công ty DELTA (Nhật Bản): Tập trung nghiên cứu đầu tư vào 3 lĩnh vực đột phá mà tỉnh có thế mạnh như: Nông nghiệp: Chế biến hoa quả xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; Du lịch: Khảo sát, nghiên cứu dự án khu suối khoáng Mỹ Lâm; Công nghiệp phụ trợ: Khảo sát thực địa khu công nghiệp Long Bình An để nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử; Tập đoàn FLC khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nông nghiệp sạch công nghệ cao; Công ty TNHH Công trình Điện lực Chengdu Xinmei (Trung Quốc) và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư năng lượng tái tạo nghiên cứu đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời; Tập đoàn DSH (Tây Ban Nha – Đức); Tập Dabaco tiếp tục nghiên cứu đầu tư chăn nuôi công nghệ cao; Công ty TNHH sản xuất giầy Chung Jye Việt Nam nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giầy dép tại Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên; ...

     Với tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư kinh doanh tốt có ý nghĩa rất quan trọng để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững. Sự có mặt của các nhà đầu tư trong ngoài nước tại Tuyên Quang trong những năm qua và sắp tới cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh và hứa hẹn sẽ mang lại một triển vọng mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo./.

Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang.