Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Tuyên Quang

Thứ sáu, ngày 08/06/2018 - 09:18
Đã xem: 2,049 views

Sản phẩm du lịch là tổng thể các dịch vụ, hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách. Nguyên tắc để xây dựng các sản phẩm du lịch là chắt lọc từ tài nguyên du lịch, căn cứ vào thị hiếu và nhu cầu của du khách để xây dựng các sản phẩm mang tính bền vững, bảo vệ được tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

     Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, XVI giai đoạn 2010 - 2020 đều xác định Du lịch là một trong các lĩnh vực đột phá và đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, các cấp, ngành liên quan đã xác định cần phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch. Đặc biệt là, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước để liên kết phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.

     Thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch của Tuyên Quang vẫn còn đơn điệu và thiếu sự gắn kết giữa các tour, tuyến, điểm du lịch, không gian du lịch của tỉnh chưa gắn kết chặt chẽ trong mối liên kết vùng. Những tour du lịch độc đáo hấp dẫn du khách còn hạn chế, du lịch còn mang tính mùa vụ. Có rất nhiều du khách chỉ ghé qua Tuyên Quang rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú hoặc lưu trú chỉ qua 1 đêm.

     Bên cạnh đó dịch vụ giải trí vẫn còn hạn chế. Một trong những nút thắt khiến ngành du lịch của tỉnh chưa thực sự tạo được bứt phá là sự thiếu sự kết nối của các điểm đến. Là một tỉnh có hệ thống di tích lịch sử cách mạng và danh thắng nổi tiếng và độc đáo. Tuy nhiên chưa có sự phối hợp tốt giữa Ban quản lý các khu di tích với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh. Vì vậy nhiều di tích chưa được đưa vào thành tuyến, điểm thăm quan thường xuyên của các tour du lịch. Thêm nữa Tuyên Quang chưa hình thành được nhiều các làng nghề với những sản phẩm phong phú và đa dạng…

Lễ rước mẫu đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La

      Một thực tế có thể nhận thấy đó là du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên trên địa bàn, thiếu sự bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, lao động, thị trường, sản phẩm… Nguồn vốn đầu tư cho du lịch mới đáp ứng một phần nhu cầu thực tế và thiếu sự liên kết đầu tư khai thác hạ tầng du lịch. Vì vậy tỉnh cần tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

     Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Ngoài việc đầu tư nâng cấp các sản phẩm đã có, nhiều di tích lịch sử và các công trình văn hóa được tu bổ, tôn tạo để trở thành những điểm tham quan cho khách du lịch như xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm văn hóa tâm linh (Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La, Thiền viện Trúc Lâm)… Lựa chọn phục dựng và bảo tồn một số lễ hội truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc trở thành các điểm tham quan du lịch mang đặc trưng riêng của tỉnh (Lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn…) Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội. Năm 2017, lượng khách đến với tỉnh đạt 1,59 triệu lượt, tăng 10,4% so với năm 2016. Doanh thu về du lịch đạt 1.362 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước.

    

Khu vực trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh tại Khách sạn Mường Thanh

     Năm 2017, tỉnh đã tổ chức phát động Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” nhằm góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả cho ngành du lịch của tỉnh nhà.

     Quá trình phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh trong những năm vừa qua đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan du lịch với xúc tiến, quảng bá, marketing và phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Điển hình tiêu biểu là việc phát triển sản phẩm du lịch homestay tại huyện Lâm Bình gắn với các loại hình du lịch thể thao (chèo thuyền Kayak) hay du lịch khám phá mạo hiểm (khám phá rừng nguyên sinh, các hang động)…

     Bên cạnh đó, tỉnh cũng coi trọng việc gắn kết sản phẩm du lịch với người dân để sản phẩm đó mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương và bảo đảm được yếu tố liên kết với các tỉnh trong khu vực. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ngoài việc kết hợp khai thác loại hình di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên thì việc gia tăng số lượng, loại hình dịch vụ trong cùng một sản phẩm du lịch cũng là một trong những yếu tố then chốt để làm nên sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh trong thời kỳ mới, để làm được việc đó cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Du lịch chèo thuyền kayak trên lòng hồ Na Hang - Lâm Bình

     Xây dựng sản phẩm du lịch một cách tuần tự, bảo đảm tính nguyên sơ, thân thiện và đặc thù sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút du khách tạo đà cho du lịch phát triển một cách bền vững.

     Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định: “Phát triển du lịch bền vững, theo định hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới”.

     Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định: “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.”

     Như vậy có thể thấy việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng xuyên suốt của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và của các địa phương trong đó có Tuyên Quang trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế.

     Hy vọng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là những người làm công tác du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của Tuyên Quang trong thời gian tới sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút khách, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, từng bước thay đổi diện mạo của du lịch của tỉnh, từ đó góp phần đưa Tuyên Quang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Phạm Hương