Tiếng khèn nơi bản Mông Khuổi Khít

Thứ tư, ngày 13/06/2018 - 15:39
Đã xem: 2,668 views

Thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) đa phần là đồng bào Mông. Vì vậy, những phong tục, bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây vẫn được giữ gìn và phát triển, trong đó có tiếng khèn là đặc trưng của người con trai Mông.

 

Anh Sùng Seo Vần, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) sử dụng thuần thục
chiếc khèn của dân tộc mình.

    Anh Sùng Seo Vần, người dân trong thôn chia sẻ, lớn lên người con trai Mông được ông, bố, anh mình cho tập thổi khèn. Thổi khèn Mông rất khó, bởi người tập phải theo cảm nhận và bắt buộc phải thuộc các bài dân ca Mông. Người thổi giỏi, một tối có thể thổi mấy chục bài. Người phụ nữ Mông nghe tiếng khèn họ hiểu, bởi lời khèn đều là các bài dân ca Mông. Vào những dịp lễ Tết, ngày hội người Mông hay biểu diễn văn nghệ, thổi khèn. Tiếng khèn vút lên, làm say đắm lòng người.

    Ông Giàng Văn Lai, một người thổi khèn Mông nổi tiếng trong thôn, xã khẳng định, đàn ông người Mông trên mười tuổi phải tập thổi khèn, nhưng để làm được chiếc khèn chuẩn thì không phải ai cũng làm được. Ống khèn Mông thường được làm từ cây trúc và thân khèn là gỗ pơ mu. Ống trúc lớn nhất và cũng là ngắn nhất có trọng trách giữ nhịp. Các ống trúc nhỏ còn lại theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh trầm bổng, cao thấp. Khèn Mông không có nốt nhạc nên người học phải cảm nhận bằng đôi tai.

    Trong đời sống hàng ngày, vui hay buồn người Mông cũng mang khèn ra thổi. Người Mông thường thổi khèn khi xuống chợ, khi đi tìm hiểu người yêu và trong các lễ hội. Anh Giàng Minh Phong, Trưởng thôn Khuổi Khít tâm sự, học thổi khèn Mông rất khó, người thổi giỏi bảy ngày bảy đêm không hết bài. Khi thổi phải kết hợp các vũ điệu múa khèn như đan chân, nhảy giật lùi, nhào lộn, vặn người. Tuy không hiểu người Mông nói gì trong điệu khèn, nhưng người nghe, người xem khó tính nhất cũng bị chinh phục bởi tiếng khèn với tiết tấu âm thanh dễ đi vào lòng người và các vũ điệu múa khèn rất điêu luyện.

    Tiếng khèn Mông thường gắn với các làn điệu dân ca Mông. Mà làn điệu dân ca Mông rất phong phú, tinh tế, sâu sắc. Nó ăn sâu vào đời sống tinh thần nên người Mông đều thuộc. Mỗi ngành Mông lại có cách cấu tạo khèn khác nhau chút ít, song vẫn thể hiện được sự dặt dìu, cuồng nhiệt, pha chút hoang dã của người Mông. Hiện nay, thôn Khuổi Khít có đội văn nghệ với 10 thành viên, vào những ngày lễ Tết thường biểu diễn phục vụ nhân dân, tham gia giao lưu, liên hoan văn nghệ quần chúng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

    Em Sùng Thị Kiều, con gái anh Sùng Seo Vần đang học lớp 12 ở trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn). Do trường ở xa nên em phải ở trọ, mỗi khi về nhà chơi lại được bố thổi khèn cho nghe. Em Kiều nói, em rất thích nghe ông nội và bố thổi khèn. Tiếng khèn thể hiện tình cảm, sự vững vàng của người đàn ông Mông. Dù sau này có đi đâu, về đâu em vẫn nhớ mãi điệu khèn quê hương.

    Tiếng khèn Mông đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Mông ở thôn Khuổi Khít. Hàng năm, xã đều tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thôn, tiết mục thổi khèn Mông lại được đông đảo người dân thưởng thức, cổ vũ nhiệt tình, bởi nó đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở địa phương.

Theo TQĐT