Lễ hội Gầu Tào (kauv taox), tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” là lễ hội cầu phúc, cầu mệnh của người Mông. Đây là lễ hội tiêu biểu, đặc sắc lớn nhất trong năm đối với người Mông.
Phần hội trong lễ hội Gầu Tào của người Mông.
Theo truyền thuyết, những ai không có con hoặc có người trong gia đình bị ốm đau, gia đình sẽ tổ chức cúng thần núi và xin làng, bản tổ chức lễ hội Gầu Tào, gồm lễ cầu phúc: Một gia chủ nào đó không có con, hiếm muộn con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thầy cúng xin cho mở hội để cầu mong có con. Hoặc lễ cầu mệnh: Một gia chủ nào đó có người bị ốm đau, bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi không phát triển, cũng nhờ thầy cúng xem bói, gieo quẻ xin được mở hội.
Mục đích của lễ hội là cúng tạ ơn trời đất, thần linh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, cầu phúc, cầu lộc; phù hộ cho dân bản mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng…Đây còn là dịp để người dân trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới. Lễ hội Gầu Tào thường được mở trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, gồm phần lễ và phần hội. Nếu lễ hội tổ chức trong ba năm liền thì mỗi năm tổ chức trong 3 ngày, nếu lễ hội làm gộp 3 năm một lần thì diễn ra trong 9 ngày.
Từ cuối tháng Chạp (người Mông thường ăn Tết Nguyên đán trong cả tháng Chạp), gia đình mở hội cầu phúc hay cầu mệnh, chặt cây để dựng cây nêu. Đầu tiên là lễ dựng cây nêu, nơi dựng cây nêu cũng là địa điểm mở lễ hội. Cây nêu được dựng ở nơi cao nhất, thường là đỉnh đồi. Nếu lễ hội tổ chức trong ba năm liền thì mỗi năm dựng một cây nêu bằng tre mai; nếu lễ hội tổ chức gộp ba năm một lần thì phải dựng cây nêu theo hình thức tam giác cân ở giữa đỉnh đồi. Trên gần ngọn cây nêu treo ba miếng vải lanh màu đen, trắng, đỏ. Phía dưới miếng vải treo bầu rượu ngon và một dây tiền giấy bằng loại giấy bản. Cây nêu được dựng lên cũng có nghĩa báo cho dân các làng, bản gần xa biết rằng Tết năm nay sẽ mở hội Gầu Tào. Dựng cây nêu xong, gia chủ làm lễ cúng ở ngay chân cột cây nêu, nội dung bài cúng đại ý là mời tổ tiên và các thân linh chứng lễ phù hộ cho có con, gia đình khỏe mạnh, bằng an, kế tục việc làm ăn theo dòng họ…
Sau khi thầy cúng làm những thủ tục tế lễ, mọi người cùng đến bãi đất rộng, tương đối bằng phẳng để mở hội. Trên các bãi đất trống xung quanh đã chuẩn bị trước đó, đã được dựng thêm nhiều lều lán lợp lá cây rừng cho người già ăn uống. Bãi đất bằng nhất được giành cho trẻ em đánh quay. Trò “hát ống” diễn ra khá phổ biến ở lễ hội Gầu Tào. Dây hát ống thường là sợi lanh nối lại với nhau, mỗi đầu dây được buộc vào đầu một ống tre bịt vải hoặc nilon (dài khoảng 10 – 15 cm), khi hát người ta hát vào miệng ống tre để trống, còn người ở đầu dây bên kia thì chụp phần để trống của ống tre vào tai nghe, cứ như vậy đổi nhau bên hát, bên nghe. Trò chơi này thường là nam, nữ hát với nhau, chính từ đây mà nảy sinh những tình yêu đôi lứa…Cũng trong lễ hội còn tổ chức các trò chơi: bắn nỏ, bắn cung, múa khèn, đua ngựa, hát Gầu plềnh, hát đối đáp, giao duyên. Dân bản đến tham dự lễ hội thường mang theo ngô, gạo, rượu, gà…Khách ở xa, người cao tuổi được mời về nhà gia chủ ăn cơm, uống rượu. Trên bãi đất tổ chức lễ hội người ta xếp những đống củi to để đốt khi màn đêm buông xuống cho mọi người tiếp tục cuộc vui chơi.
Kết thúc lễ hội, gia chủ làm lễ tạ, hạ cây nêu. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ cây nêu đi theo sau thầy cúng cùng vẩy rượu ra khắp nơi. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong cho hồng phúc…
Lễ hội Gầu Tào tồn tại trong tâm thức người Mông và được lưu truyền bao đời nay. Xa xưa, lễ hội có thể do một gia đình kinh tế khá giả, một dòng họ có uy tín hoặc một bản đứng ra tổ chức. Ngày nay, lễ hội không còn do riêng một gia đình nào tổ chức nữa mà đã trở thành ngày hội của cả làng, bản, cả xã. Các nghi thức của phần lễ được tổ chức ngắn gọn, chủ yếu giành thời gian cho phần hội, thời gian tổ chức trong ba ngày, thường là từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch.
Theo http://doingoai.tuyenquang.gov.vn/