Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất, đồng bào Dao Đỏ ở Tuyên Quang đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt của văn hóa Dao Đỏ là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí trên trang phục.
Nghệ thuật trang trí quyết định giá trị của bộ trang phục, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa trang phục và rộng hơn là trong văn hóa tộc người, nó trở thành phương tiện để biểu hiện nội tâm, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người sáng tạo, người sử dụng, kể cả ở góc độ cá nhân hay cao hơn là tập quán của cộng đồng.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ có từ lâu đời, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể. Người Dao Đỏ đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mĩ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú. Trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ là một trong những loại trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang. Trang trí trang phục là sản phẩm của nghệ thuật và kỹ thuật được thể hiện qua từng yếu tố cấu thành nên bộ trang phục, như: Áo, yếm, quần, dây lưng, khăn.
Đồng bào dân tộc Dao Đỏ ở Tuyên Quang bao đời nay luôn tự hào về trang phục truyền thống của tộc người mình. Hiện nay, tại các bản làng nơi đồng bào Dao Đỏ sinh sống, nhiều phụ nữ Dao vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Qua đó, trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục đã thực sự trở thành những thành tố quan trọng và cấu thành nên văn hóa Dao. Các mô típ hoa văn được trang trí vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng. Để bảo tồn di sản nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Tuyên Quang, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cũng đang tiến hành các bước để đưa giá trị độc đáo này của đồng bào dân tộc Dao Đỏ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trong năm 2018.
Như vậy, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ là nguồn sử liệu quý giá, phản ánh muôn mặt đời sống vật chất và tinh thần của tộc người Dao Đỏ trên mảnh đất Tuyên Quang. Việc đưa nghệ thuật trang trí trên trang phục cổ truyền của người Dao Đỏ vào Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, nhằm mục đích bảo tồn, phục vụ công tác nghiên cứu về trang phục dân tộc, nghề thủ công truyền thống, cũng như nghệ thuật dân gian độc đáo mà cộng đồng đã sáng tạo và gìn giữ./.
Theo TQĐT