Xã Kim Phú có 11 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Cao Lan chiếm trên 60% dân số. Người Cao Lan trên địa bàn xã đã luôn nỗ lực trong bảo tồn văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, để khuyến khích, giúp đỡ đồng bào Cao Lan giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hàng năm xã đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ về trang phục.
Tiết mục múa Cầu mùa của dân tộc Cao Lan, xã Kim Phú (Yên Sơn) tại
Lễ hội Đình làng Giếng Tanh năm 2018.
Kim Phú được biết đến qua Lễ hội Đình làng Giếng Tanh được tổ chức vào ngày 10-1 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của người Cao Lan trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, quy mô lễ hội ngày càng lớn. Không chỉ người Cao Lan mà cả các dân tộc khác trong vùng như Kinh, Tày, Mường, Dao... cũng nô nức kéo về dự hội. Lễ hội đã thu hút nhiều câu lạc bộ, nghệ nhân người Cao Lan ngoài huyện, ngoài tỉnh tham gia như huyện Hàm Yên, tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc... tạo sự giao lưu văn hóa đặc sắc.
Ông Nịnh Quang Thanh, thôn 1, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nói, dẫn đầu 28 thành viên của Câu lạc bộ tham gia biểu diễn tại Lễ hội Đình Làng Giếng Tanh, ông cảm nhận đồng bào Cao Lan của địa phương mình và Kim Phú như hòa làm một bởi sự gần gũi về bản sắc và sự mến khách. Mọi người dường như thấu hiểu nhau hơn khi làn điệu Sình ca được vang lên.
Hiện nay, toàn xã có 5 Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan được thành lập tại các thôn: 12, 14, 15, 17, 18 với gần 200 thành viên. Bà con tự nguyện đóng góp tiền mua trang phục, dụng cụ để giúp câu lạc bộ hoạt động ổn định. Không chỉ tập hát những làn điệu Sình ca hay tập múa những điệu múa truyền thống quen thuộc, các câu lạc bộ còn khuyến khích thành viên sử dụng tiếng nói của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày.
Các câu lạc bộ được duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tháng tại nhà văn hóa thôn; giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu hát, điệu múa của dân tộc mình; giữ gìn tiếng nói, trang phục thông qua việc giao tiếp, trò chuyện. Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt thôn, câu lạc bộ cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp bà con dân tộc Cao Lan hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Tiết mục múa còn của các CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, xã Kim Phú (Yên Sơn)
tại lễ hội Đình làng Giếng Tanh năm 2018.
UBND xã đã thường xuyên quan tâm, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cao Lan nhằm tuyên truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Trần Minh Quang, 84 tuổi, thôn 14 được đồng bào Cao Lan yêu mến, kính trọng bởi tâm huyết gìn giữ, phát huy bản sắc của dân tộc mình.
Cách đây chừng 35 năm, ông đã miệt mài sưu tầm cuốn sách cổ của người Cao Lan để ghi chép, dịch nghĩa, biên soạn lại. Mấy năm gần đây ông tập trung dịch, chép tư liệu về: Sình ca, nhà xe, tang sành, truyện cổ, các bài cúng, điệu múa, kiến trúc, trang phục, ẩm thực... của người Cao Lan. Ông chính là người truyền lửa cho các thế hệ người Cao Lan trong xã thêm yêu và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc mình.
Thôn 15 được ví như “làng cổ” của người Cao Lan ở Kim Phú. Theo kế hoạch của UBND huyện, thôn sẽ được xây dựng, khôi phục lại trở thành làng văn hóa gắn với du lịch cộng đồng để trở thành Làng văn hóa du lịch Giếng Tanh. Trưởng thôn 15, ông Hoàng Liên Sơn cho biết: Thôn có hơn 90 hộ, trong đó 97% là dân tộc Cao Lan với nhiều dòng họ lớn như: Tiêu, Hoàng, Vi, Lâm... Trẻ con sinh ra ở đây ngoài nói tiếng phổ thông đều biết nói tiếng của dân tộc mình, cho nên tiếng nói của dân tộc Cao Lan được bảo tồn rất tốt. Bên cạnh đó, thôn còn giữ được khoảng 70% nhà sàn truyền thống. Vì vậy, trở thành “Làng văn hóa du lịch Giếng Tanh” là niềm tự hào của đồng bào Cao Lan trong thôn, trong xã.
Trong niềm vui xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng bào Cao Lan nơi đây luôn nhắc nhở mình, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng.
Theo TQĐT