Yên Sơn phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thứ hai, ngày 23/07/2018 - 08:49
Đã xem: 2,440 views

Huyện Yên Sơn hiện có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Ở xã Chân Sơn ai cũng biết ông Đặng Văn Thảnh, dân tộc Dao, thôn Đèo Hoa là người hiện lưu giữ hơn 100 đầu sách cổ bằng chữ Hán Nôm như sách Nhất Ngũ, sách Thập Lương... Ông Thảnh chia sẻ, từ ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao ở địa phương, ông đã lưu giữ những sách cổ, hướng dẫn làm các nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa của người Dao. Ông đã thực hiện nhiều lễ cấp sắc cho nam thanh niên trong và ngoài thôn, truyền dạy cho nhiều người cách đọc, cách viết, thực hành nghi lễ truyền thống của dân tộc. Ông cũng đứng ra thành lập đội văn nghệ của thôn với 10 người tham gia luyện tập. Nhiều tiết mục như: Trích đoạn lễ cúng cấp sắc, giải hạn, trừ tà ma, hát giao duyên, các điệu múa cầu mùa... đã tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng của xã, huyện và đoạt giải cao.


Các thành viên CLB hát Sình ca thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) trong một buổi luyện tập.

Huyện luôn khuyến khích việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa góp phần bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan. Đồng thời, chỉ đạo các xã củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, đội văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc. Ðến nay, toàn huyện có 16 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; 31 tổ, đội văn nghệ xã, thị trấn; 496 tổ, đội văn nghệ quần chúng thôn, cơ quan, trường học. Ở nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ, người dân tự giác đóng góp tiền để xây dựng, duy trì hoạt động, dành thời gian luyện tập và tham gia các buổi biểu diễn, giao lưu phục vụ bà con.

Bên cạnh đó, những nét đẹp về phong tục, tập quán của các dân tộc được bảo tồn và phát huy như các lễ hội: Đình Giếng Tanh xã Kim Phú, Đình Minh Cầm xã Đội Bình, Chùa Phật Lâm xã Nhữ Hán, Đền Làng Là xã Chân Sơn, Đền Đầm Mây xã Lang Quán... Nhiều loại hình nghệ thuật, các làn điệu, nhạc cụ dân tộc như: Hát then (dân tộc Tày); hát Páo dung (dân tộc Dao), hát Sình ca (dân tộc Sán Chay); múa Cầu mùa, Xúc tép, Chim gâu, Trống sành (dân tộc Sán Chay), múa Khèn (dân tộc Mông); múa Gà, múa Chuông (dân tộc Dao)... được duy trì và phát triển.

Năm 2013, CLB hát Sình ca thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng được thành lập đã thu hút đông đảo người dân tham gia. CLB sinh hoạt đều đặn vào mùng 1 và 15 hàng tháng hoặc những lúc nông nhàn là dịp các ông, bà lại cùng nhau tập luyện. Ông Âu Ngọc Như, Chủ nhiệm CLB nói, thôn có 125 hộ, 490 nhân khẩu, trong đó, trên 70% là dân tộc Sán Chay. Nhân dân trong thôn luôn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”... gắn với việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều gia đình cả 2 vợ chồng cùng tham gia sinh hoạt CLB, các thành viên luôn tích cực trong việc truyền dạy cho con cháu những điệu hát, điệu múa của dân tộc mình và giữ gìn tiếng nói thông qua việc giao tiếp, trò chuyện hàng ngày.

Tại các xã Kim Phú, Đội Bình, Chân Sơn, Nhữ Hán, Lang Quán, Trung Minh... mỗi dịp lễ, Tết lại rộn tiếng hát, tiếng đàn và những điệu múa của bà con. Những chàng trai, cô gái ai cũng xúng xính trong bộ váy áo rực rỡ đủ sắc màu xuống phố tìm bạn với những câu hát giao duyên, những trò chơi độc đáo. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng giữ gìn, phát huy như: Trang phục, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc... Đây là tâm điểm của sinh hoạt cộng đồng, khắc họa đậm nét ước vọng chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi.

Ông Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Sơn cho biết, một số nét văn hóa truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đang dần bị mai một. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đến công chúng...

Theo TQĐT