Hát Páo dung - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ ba, ngày 14/08/2018 - 09:16
Đã xem: 7,393 views

Dân tộc Dao gọi sinh hoạt ca hát là “Páo dung”. “Dung” theo tiếng Dao là hình thức hát các bài hát ngẫu hứng, người hát tự đặt lời và truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ. Các làn điệu Páo dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Dao trong cuộc sống.

 Hát Páo dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát, chính vì vậy các làn điệu Páo dung giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình.

Páo dung cổ thường được sử dụng trong các nghi lễ cúng bái như: Lễ cấp sắc, đám ma, cúng Bàn Vương, cúng trẻ ốm, lễ lúa mới... hình thức tổ chức mang tính chất gia đình, dòng họ và chỉ có thầy cúng hoặc người biết chữ Nôm - Dao thể hiện. Páo dung mới được các nghệ nhân hát trong các buổi lễ liên hoan văn nghệ, giao lưu văn hóa hoặc trong các dịp lễ hội, được các tổ chức xã hội, các cấp chính quyền đứng lên tổ chức.

Đội văn nghệ xã Hoàng Khai (Yên Sơn) hát Páo dung trong Liên hoan nghệ thuật
quần chúng và trình diễn giới thiệu trang phục dân tộc.

Páo dung gồm có các loại hình sau:

Páo dung sinh hoạt: Là loại hình ca hát chiếm vai trò chủ đạo trong kho tàng dân ca Dao. Páo dung sinh hoạt gồm nhiều loại: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than...

Hát giao duyên: Hát giao duyên là để trai gái chưa vợ, chưa chồng làm quen và tìm hiểu nhau. Tiếng hát giao duyên gần như là phương tiện chủ yếu để các chàng trai, cô gái người Dao giãi bày tình cảm, trò chuyện, tìm hiểu, trao đổi tình yêu đôi lứa. Hình thức hát giao duyên bao giờ cũng có hai nhóm hát (một nhóm nam và một nhóm nữ), mỗi nhóm có ít nhất từ 1 người trở lên. Hát giao duyên không chỉ là phương tiện thể hiện tài năng của các đôi nam nữ mà còn là nơi gửi gắm và thể hiện ước mơ, quan niệm về người bạn tình cũng như tình cảm của những người đang tìm hiểu nhau. Do vậy, hát giao duyên có nội dung hết sức phong phú, có đầy đủ những cung bậc cảm xúc của tình yêu, vừa có sự kín đáo e thẹn, duyên dáng, vừa có những mê đắm, vừa có cả sự chân tình, thủy chung pha lẫn những ghen tuông, giận hờn… Tất cả đều thể hiện sự tinh túy và sâu lắng trong đời sống tình cảm của người Dao.

Hát ru: Là những lời ca mượt mà, êm ái nhằm đưa trẻ vào giấc ngủ ngon. Ở ngành Dao nào, hát ru cũng là cách hát dễ nhất, thấm đậm hồn quê, tình người sâu lắng. Đặc điểm của hát ru là bài hát không dài, từ ngữ dễ hiểu, dễ nhớ và thường dùng thể thơ tự do, thơ 7 chữ, hoặc các bài ca dao có sẵn trong dân gian, vì thế lời hát ru mang đậm nghệ thuật dân ca.

Hát đồng dao: Là hình thức hát vui chơi trẻ em. Khi chơi, bên cạnh làm những động tác thực hành trò chơi, các em bé người Dao còn hào hứng hát minh họa cho những trò chơi đó. Đặc điểm chung của các bài đồng dao là ngôn từ dễ hiểu, dễ thuộc, lời lẽ ngắn gọn, có vần, có điệu, có tính chất vui tươi, dí dỏm phù hợp tâm sinh lí trẻ nhỏ. Môi trường phát triển của đồng dao luôn gắn với các hoạt động chơi đùa của con trẻ và sinh hoạt sản xuất của nhà nông.

Hát than: Là những bài ca than thân kể khổ về số phận của một số người sống cơ cực, bần hàn, cô đơn. Hát than còn là tiếng ca ai oán của những người mồ côi, không cha, không mẹ hoặc những người có tâm trạng buồn chán. Hình thức hát than chủ yếu hát tự phát, đơn lẻ mang tính cá nhân tự cất lên tiếng hát và tự mình suy ngẫm. Vì vậy, lời hát hát than luôn buồn, lắng đọng, giai điệu nhẹ nhàng, da diết.

Hát răn dạy: Là những bài hát khuyên dạy con người sống hướng thiện, không làm việc xấu, chăm chỉ lao động, học hành... Ngôn ngữ trong các bài hát răn dạy sấu sắc nhưng chân thành, dễ hiểu. Lời bài hát nhẹ nhàng, tha thiết có sức lan tỏa và lắng đọng trong tâm hồn con người. Từng lời răn dạy đều toát lên một tình cảm yêu thương nồng nàn, tha thiết, chí nghĩa chí tình, chất chứa, thấm đậm tâm hồn Dao vô cùng đôn hậu và bình dị.

Một tiết mục hát Páo dung của các thành viên câu lạc bộ hát Páo dung thôn Bản Tát.

Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục: Gồm những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng của người Dao, như: Hát trong lễ cưới, lễ cấp sắc, đám chay, cúng Bàn Vương, cúng đầy tháng, cúng người chết, cúng lên nương, cúng tra hạt… Các bài hát lễ nghi tín ngưỡng - phong tục được ghi chép thành sách và thường được các thầy cúng Dao lưu giữ trong quá trình hành nghề.

Hát trong đám cưới: Theo phong tục cổ truyền, người Dao coi lễ cưới là một việc lớn của đời người. Do vậy, lễ cưới là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của cô dâu, chú rể và cũng là ngày vui mừng của họ hàng, dân bản. Người Dao thể hiện sự vui mừng, phấn khởi bằng những khúc hát tâm tình, giàu nhạc điệu thay cho những câu đối thoại phổ thông giữa hai họ.

Trong lễ cưới của các ngành Dao, thể loại hát Páo dung chủ yếu là hát đối đáp giao duyên. Cuộc hát này thường được thực hiện vào thời điểm khi chú rể, cô dâu đã hoàn tất các thủ tục để thực sự trở thành vợ chồng. Khi đó, các nam thanh, nữ tú từng bên cử ra đại diện của mình để hát giao duyên, mỗi bên từ 5 - 9 người. Người hát sẽ ứng khẩu tại chỗ theo các làn điệu truyền thống.

Trong đám cưới của người Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Quần Chẹt, Dao Áo Dài, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang, Dao Coóc Ngáng ngoài hát đối đáp giao duyên còn có hình thức hát thử thách họ nhà trai. Khi nhà trai đến đón dâu, nhà gái chăng giây 4 chặng từ cổng đến chân cầu thang và hát đố. Quan lang nhà trai phải hát đáp lại và cho tiền vào một chiếc đĩa để sẵn dưới mỗi chặng dây thì mới được vào nhà.

Trong đám cưới của người Dao Đỏ, tiếng hát được cất lên từ khi lễ cưới bắt đầu cho đến khi kết thúc. Hát trong lễ cưới được chia thành các phần cụ thể, chặng nào có bài phù hợp với chặng ấy. Chẳng hạn, khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, hai họ sẽ hát đối đáp thay cho câu chào hỏi xã giao. Khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng, các bà, các mẹ tiếp tục hát các bài tiễn đưa, dặn dò người con gái đi lấy chồng. Nhà gái đưa dâu đến, nhà trai mời nhà gái ở lại uống rượu. Trong mâm rượu, hai họ hát đối đáp nhau để bày tỏ tình cảm giữa hai gia đình, qua đó thể hiện lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống.

Hát trong lễ Cấp sắc: Nội dung các bài hát trong lễ cấp sắc của 9 ngành Dao ở Tuyên Quang về cơ bản có sự giống nhau, nói về nguyên nhân, nguồn gốc, quan niệm về lễ cấp sắc và những lời giáo huấn mà người thụ lễ phải thực hiện. Tuy nhiên, ở mỗi ngành Dao, hát Páo dung trong lễ cấp sắc lại có sự khác nhau về hình thức biểu hiện, âm điệu, dịp hát, phản ánh đặc trưng văn hóa của mỗi tộc người.

Hát cúng Bàn Vương: Hát cúng Bàn Vương gồm 36 đoạn ca (xướng) và 7 tập khúc tử kể về quá trình Bàn Vương xuất thế, ca ngợi công ơn của Bàn Vương đã sinh ra các họ người Dao. Đồng thời, kể về sự tích khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy, quá trình chuyển cư đầy gian truân của người Dao và nhắc nhở con cháu các dòng họ người Dao phải cung kính thờ phụng ông tổ của mình.

Hát trong đám ma: Bao gồm các bài cúng gia tiên, báo cho gia tiên biết một người nào đó trong gia đình, dòng họ đã qua đời. Đồng thời, ca ngợi công đức của người chết, tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia. Hát trong đám ma góp phần chia sẻ nỗi đau thương tiếc của gia quyến, làm cho nỗi đau vơi bớt đi.

Hát trong lễ vào nhà mới: Gồm các bài hát chúc mừng gia chủ có ngôi nhà mới, chúc cho mọi người sống trong ngôi nhà này luôn được mạnh khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Đồng thời, ca ngợi tinh thần hỗ trợ, tương thân của khối cộng đồng bản làng của người Dao trong việc xây dựng ngôi nhà mới cho gia chủ.
Hát trong lễ cúng trẻ ốm: Gồm các bài hát cầu xin gia tiên phù hộ cho đứa trẻ mau khỏi bệnh, đừng về “quở trách” gây tai ương cho con cháu.

Hát trong lễ lúa mới: Gồm các bài hát tạ ơn tổ tiên, các vị thần đã phù hộ cho dân bản có một vụ mùa bội thu. Mời tổ tiên, các vị thần về dự bữa cơm mới và phù hộ cho con cháu mùa lúa sau bội thu.

Tiết mục hát Páo dung của người Dao tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2017

Páo dung lao động: Gồm những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, phản ánh đời sống du canh du cư của đồng bào trước đây trong các cuộc thiên di, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau. Môi trường diễn xướng của bài ca lao động chủ yếu được thể hiện trong quá trình lao động trên nương, trên rẫy nhằm làm vơi đi những vất vả, bộn bề của cuộc sống. Hình thức diễn xướng chủ yếu là hát đơn, hát đối đáp trong lúc nghỉ ngơi, trao đổi kinh nghiệp sản xuất.

Hát Páo dung có lịch sử từ lâu đời, đây là loại nghệ thuật dân gian khá phong phú, thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Các làn điệu Páo dung có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động và sinh hoạt của cộng đồng người Dao. Hát Páo dung có ý nghĩa quan trọng trong quá trình bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Dao. Tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm âm nhạc, ca khúc, ca kịch đương đại biểu diễn ở sân khấu, trong các phong trào truyền thông, hoạt động văn hóa xã hội, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng càng thêm phong phú.

Phạm Hương