Đặc sắc hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ

Thứ ba, ngày 07/08/2018 - 15:38
Đã xem: 4,742 views

Từ bao đời nay, nét đẹp của bộ trang phục dân tộc Dao Đỏ trên địa bàn tỉnh luôn được gìn giữ, bảo tồn. Với các hoa văn, cách bài trí, màu sắc khá rực rỡ, nổi bật đã tạo nên nét đặc sắc riêng trong mỗi bộ trang phục truyền thống.

 

Phụ nữ dân tộc Dao Đỏ xã Tân Thành (Hàm Yên) truyền dạy cách làm
trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang. Một bộ trang phục truyền thống bao gồm: Khăn, mũ, áo dài, yếm (áo con), quần, dây lưng, xà cạp quấn chân. Những họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục từ 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bởi theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống.

Với phụ nữ người Dao Đỏ, trang phục quan trọng nhất là chiếc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen dài ngang ống chân. Áo không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết trang trí hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc... Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống phú quý, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của dân tộc Dao. Quần luôn cùng màu với áo gồm những hoa văn và họa tiết được thêu tỷ mỷ ở nửa dưới của hai ống quần là: Hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn... Khăn đội đầu (Goòng phà) được thêu kín các họa tiết trang trí hình tam giác, hình quả trám mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, mong muốn mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy...

Theo bà Trương Thị Khách, Thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa), người phụ nữ Dao Đỏ có cách thêu rất độc đáo, không theo mẫu mà thêu theo trí tưởng tượng của mình. Với mô tuýp là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như: Hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật... Người Dao Đỏ quan niệm, mỗi một họa tiết trên bộ trang phục truyền thống không những cần tới sự tỷ mỷ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ mà ẩn sâu trong đó còn là sự thể hiện của những tâm tư, tình cảm, nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc.

Phụ nữ Dao Đỏ thường tự tay làm trang phục với các công đoạn rất tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Người con gái trước khi về nhà chồng, thường được “đặc cách” ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình. Em Phàm Bích Nguyệt, thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) chia sẻ, em được mẹ dạy cách thêu, trang trí trang phục từ năm 10 tuổi. Bộ trang phục của người Dao Đỏ chủ yếu là thêu tay, em đã được mẹ dạy từ cách chọn vải, cắt, dạy thêu từng đường kim mũi chỉ, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận. Những công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỷ, tinh tế. Đến nay, em cũng đã tự thêu được một bộ trang phục cho riêng mình.

Trang phục người Dao Đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết... Điển hình như: Trang phục người Dao đỏ ở Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực; ở hai ống quần thường được thêu hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng... Còn trang phục người Dao đỏ ở Hàm Yên chỉ có những tua rua màu đỏ quanh viền áo trước ngực và sau lưng; ở gấu quần được trang trí các họa tiết hình tam giác, hình quả trám.

Hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ không chỉ thể hiện trình độ tư duy và khả năng thẩm mỹ mà còn phản ánh tâm tư, tình cảm, mối giao cảm giữa con người với thiên nhiên, con người với tổ tiên và những loài vật đã giúp họ trong cuộc sống. Qua đó, góp phần tô điểm thêm cho vườn hoa trang phục đầy hương sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo TQĐT