Độc đáo hương chè Khau Mút

Thứ năm, ngày 30/08/2018 - 08:05
Đã xem: 4,042 views

Mỗi lần đến thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) với tôi là những hành trình đáng nhớ. Lần trở lại thứ 3 này, tôi được tận mắt chứng kiến cây chè Khau Mút cổ trên ngọn núi mang tên Đồi Ông Thông, những gốc chè Khau Mút hàng trăm năm tuổi xù xì, nhuốm màu thời gian, hiên ngang hứng trọn những tinh hoa của trời đất để mang đến hương vị chè chẳng nơi đâu có...

 

Người dân thôn Bản Biến hái chè Khau Mút cổ thụ.

Hành trình lên với cây chè

5 giờ sáng, đoàn chúng tôi gồm Trưởng thôn Bản Biến, một anh cán bộ kiểm lâm, 3 người dân lên hái chè cùng đầy đủ nước, lương thực cho một ngày đi rừng. Với họ những chuyến đi rừng thế này đã quá quen thuộc, còn với tôi là trải nghiệm vô cùng mới mẻ. Tuy đã được mọi người cảnh báo và chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng tôi vẫn không thể hình dung được quãng đường lên với cây chè lại gian nan đến vậy. Dù trang bị rất kỹ càng nhưng đoàn chúng tôi ai cũng bị những con vắt rừng đáng ghét tấn công. Càng lên cao, áp suất không khí thay đổi, tai tôi bắt đầu có cảm giác ù đi, nhưng tôi vẫn cố gắng bám sát mọi người. Quãng đường như ngắn lại khi tôi nhận được sự quan tâm và động viên của các thành viên trong đoàn.

Những ánh nắng đầu tiên đã len lỏi qua những tán cây, sau gần 3 tiếng đi rừng, vượt qua ngọn núi Tát Na, đỉnh Hang Khỉ chúng tôi cũng đến được Đồi Ông Thông nơi có cây chè Khau Mút. Tranh thủ thời gian nghỉ chân, anh Ma Phúc Hiến, Trưởng thôn Bản Biến chia sẻ: “Đây là nơi tiếp giáp với xã Thổ Bình của huyện Lâm Bình, vì vậy, nói đến chè Khau Mút nhiều người sẽ nghĩ ngay đến xã Thổ Bình chứ ít ai biết xã Phúc Sơn cũng có loại chè đặc biệt này. Cũng chính vì chưa được khai thác rộng nên chè ở đây vẫn giữ nguyên hương vị tự nhiên. Theo lời của người xưa kể lại, ngọn núi này có tên Đồi Ông Thông là do trước đây có người đàn ông tên Thông lên núi dựng lán, chăm sóc và làm chè. Sau khi ông mất, người ta lấy tên của ông đặt cho nơi có chè Khau Mút. Vì vậy, không ai biết chắc chắn chè Khau Mút có từ bao giờ.

Mỗi năm, người dân lên hái chè Khau Mút làm 4 đợt. Đợt đầu tiên vào trung tuần tháng 3, đợt thứ 2 cách đợt thứ nhất từ 35 - 40 ngày. Sau đó nghỉ đến tháng 6, 7 mới hái đợt thứ 3, đợt thứ 4 được thu hoạch sau đó khoảng 40 - 50 ngày. Chè Khau Mút ở đây có 2 loại, loại búp hơi đỏ uống sẽ có vị chát hơn loại búp xanh. Nhiều người thích cái vị chan chát nơi đầu lưỡi đó. Còn loại búp xanh cho nước xanh và hương thơm hơn. Tuy vậy, dù là loại búp đỏ hay búp xanh thì chè Khau Mút vẫn mang vị đặc biệt hơn những loại chè khác. Người thưởng thức sẽ không quên được hương thơm nồng đậm, vị chan chát đầu lưỡi và ngọt dần xuống cổ họng.

Những cây chè Khau Mút cổ thường cao khoảng 3 - 4 m, mỗi lần hái người dân phải trèo lên tận ngọn. Và với quãng đường vận chuyển khó khăn, mỗi người chỉ có thể gùi khoảng 10 cân chè tươi mỗi chuyến. Sau khi vận chuyển chè xuống đến nơi, chè phải được sao ngay để giữ nguyên độ tươi. Chè được sao qua sau đó hong dưới nắng và sương đêm một ngày một đêm cho thấm hết những tinh túy của trời đất rồi mới đem đi sao lần 2, sau đó được vò kỹ và sao lần 3 cho khô hẳn. Mỗi một đợt thu hoạch, các công đoạn đều được làm gối nhau, gia đình nào đông người thì thay nhau đi hái chè và chế biến sẽ làm được khoảng hơn 10 kg chè khô, gia đình ít người làm được khoảng 4 - 5 kg. Chính vì phải qua nhiều công đoạn khó khăn, số lượng chè ít nên người dân ở thôn thường để dành biếu khách quý hoặc bán cho những người đặt hàng từ trước.

Để hương chè bay xa

Ngoài chè Khau Mút ở trên Đồi Ông Thông, người dân thôn Bản Biến cũng đã nhân giống chè tại những quả đồi thấp gần nhà. Hiện nay, thôn có hơn 10 hộ trồng và phát triển cây chè Khau Mút. Ông Đặng Văn Thọ, người cao tuổi trong thôn cho biết, ngày còn trẻ ông theo chân mọi người lên rừng hái chè. Trong những chuyến đi đó, ông đã lấy hạt chè về ươm ở quả đồi sau nhà. Hiện nay, ông có khoảng hơn 50 gốc chè Khau Mút, các gốc chè trồng được hơn 50 năm vẫn phát triển tốt và cho thu hoạch đều. Hương chè trồng tại nhà cũng không khác chè được hái ở trên rừng là bao. Mỗi kg chè thành phẩm ông bán với giá từ 160 - 180 nghìn đồng, nhờ vậy mà gia đình ông có nguồn thu ổn định phục vụ cuộc sống.

Hiện nay, thôn Bản Biến đang tiến hành khai thác những lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Trong đó, khai thác các tiềm năng phát triển du lịch đang nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện đã lập Đề án Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại thôn Bản Biến. Theo đó, ngoài khai thác các hang động tại khu rừng nguyên sinh cùng những giá trị văn hóa các dân tộc của người dân bản địa, đề án cũng tập trung đưa cây chè Khau Mút vào làm du lịch.

Theo đồng chí Chẩu Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn, thôn Bản Biến hiện có khoảng 2.000 m2 chè Khau Mút có sẵn của người dân bản địa ươm trồng có tuổi đời từ 40 - 50 năm tuổi. Tới đây, khi thực hiện đề án, khu vực trồng chè Khau Mút được tôn tạo, chăm sóc và làm đường đi bộ lên tận nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có cơ hội tham quan và trải nghiệm. Đến với thôn Bản Biến, họ sẽ được tự mình trải nghiệm các công đoạn như hái chè, chế biến chè thành phẩm để làm quà cho người thân.

Hành trình đến với chè Khau Mút thôn Bản Biến tuy khó khăn, nhưng đọng lại trong tôi nhiều trải nghiệm đáng quý. Hương chè cũng như tình người nơi đây tuy mộc mạc nhưng lại quyến luyến khiến tôi chẳng muốn dời đi. Hy vọng, lần trở lại sau sản phẩm chè Khau Mút đã trở thành trải nghiệm du lịch thú vị, góp phần thu hút và níu chân du khách gần xa. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân trong thôn có cuộc sống đầy đủ và ấm no hơn.

Theo TQĐT