Khau Làng phát triển nghề dệt sợi

Thứ hai, ngày 10/09/2018 - 15:23
Đã xem: 3,618 views

Hầu hết mỗi gia đình tại thôn Khau Làng, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đều có khung cửi dệt vải. Thế hệ đi trước truyền dạy lại cho thế hệ sau, cứ thế nghề dệt sợi được lưu giữ đến ngày nay…

 Qua lời tâm sự của chị Lý Thị Phương, chúng tôi được biết, ngày trước con gái ở làng tầm 13 - 15 tuổi đều được các bà, các mẹ dạy thêu thùa, dệt vải. Mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều được làm từ vải tự dệt. Chị Phương chia sẻ, để dệt được một tấm vải thường phải trải qua rất nhiều công đoạn, thời gian như: Trồng bông, se bông, quay sợi và dệt. Vì vậy, mỗi khi chuẩn bị sợi họ thường làm nhiều để sử dụng được trong nhiều năm.

Từ những dụng cụ thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân và bán cho những người có nhu cầu sử dụng. Các sản phẩm đều được dệt từ sợi bông trắng, tuy nhiên để các sản phẩm làm ra có mẫu mã, màu sắc phong phú, sau khi định hình sản phẩm, người làm thường nhuộm màu sợi dệt bằng nước của một số vỏ cây. Sau đó, người làm mới phối màu trong quá trình dệt sao cho hài hòa và đẹp mắt.

Người dân thôn Khau Làng, xã Yên Thuận (Hàm Yên) duy trì nghề dệt sợi truyền thống.

Hiện nay, trong thôn còn khoảng 16 người cao tuổi thường xuyên dệt vải và truyền dạy cho con cháu. Bà Triệu Thị Hiệp, người làm dệt lâu năm cho biết, ngày nay thế hệ trẻ ít có hứng thú với các sản phẩm truyền thống nên không muốn học dệt. Bên cạnh đó, các sản phẩm quần áo, chăn, ga, gối may sẵn có giá rẻ, mẫu mã phong phú được lớp trẻ yêu thích hơn. Chính vì thế, để nghề truyền thống không bị mai một, bà cùng với những người dệt lâu năm trong thôn thường xuyên khuyến khích con, cháu cùng làm. Trong những buổi dạy đó, bà thường kể những câu chuyện xưa liên quan đến việc dệt để tạo sự hứng thú cho con, cháu. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt.

Các sản phẩm làm ra được người dân bày bán tại chợ ở địa phương và được xã chọn đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm đã được nhiều du khách đánh giá cao. Mỗi sản phẩm có giá từ 50 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng tùy loại. Chị Lê Thị Huyền, công tác tại Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn) nói, trong chuyến đi chơi dịp 2-9 tại xã Yên Thuận chị đã mua được 2 chiếc túi cho mình và người bạn thân. Chị rất thích vì đó là sản phẩm do người dân địa phương tự tay thêu dệt, hoa văn đẹp và mềm mại. Vì vậy, chị đã đặt thêm một chiếc chăn và được hẹn lấy sản phẩm sau 1 tháng.

Để lưu giữ và phát triển nghề dệt sợi ở thôn Khau Làng, xã đã có kế hoạch đưa nghề dệt sợi trở thành nghề phát triển kinh tế cho người dân. Theo ông Ma Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thuận, UBND xã đã lập kế hoạch kết hợp phát triển nghề thủ công thôn Khau Làng với phát triển du lịch tại thôn Cao Đường. Đây sẽ là điểm nhấn thú vị đối với du khách khi đến với xã Yên Thuận và cũng là cơ hội tốt để nghề dệt sợi mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, trong dịp Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 sắp diễn ra, xã đã khuyến khích người dân làm một số sản phẩm để giới thiệu đến khách du lịch tại gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Theo TQĐT