Nghề thủ công truyền thống là một trong những đặc trưng của nông thôn Việt Nam, gắn với đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư nên có sức hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài. Vài năm trở lại đây du lịch Lâm Bình có bước phát triển, cùng với đó người dân nơi đây đã biết tìm tòi khôi phục lại những nghề thủ công truyền thống để tạo ra những sản phẩm vừa tiện dụng vừa thân thiện với môi trường để làm quà lưu niệm cho khách du lịch.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, vài năm trở lại đây người dân ở xã Khuôn Hà, đặc biệt là lực lượng thanh niên đã chủ động tìm tòi, học hỏi từ lớp người lớn tuổi đi trược để khôi phục lại những nghề thủ công truyền thống. Điển hình có anh Hoàng Văn Tuyên, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, sau một thời gian tìm tòi học hỏi qua bạn bè và qua chính người mẹ của anh, anh Tuyên đã quyết định đầu tư vào khôi phục nghề mây, tre đan để làm ra những sản phầm như làn, túi sách tay, thúng, mụng, rổ, rá… Mặc dù mới bắt tay vào thực hiện, nhưng sản phẩm làm ra đã được nhiều người tìm đến mua đặc biệt là các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng Homestay, họ mua về để bán cho du khách mua về làm quà lưu niệm.
Anh Hoàng Văn Tuyên, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà tâm huyết với việc khôi phục nghề mây, tre đan
Cùng với những sản phẩm làm từ cây mây, anh Tuyên còn đâu tư làm ra các sản phẩm từ cây tre truyền thống như: cốc, chén, thìa, đũa làm bằng tre; bàn, ghế làm bằng tre…Thời gian đầu mới làm các sản phẩm này, anh còn ngần ngại không biết có người sử dụng hay không nhưng sau khi sản phẩm được đưa đi trưng bày tại các điểm du lịch cộng đồng Homestay và các gian hàng của xã, của huyện tại các lễ hội của huyện, của tỉnh đã có nhiều người ưa chuộng tìm đến để đặt hàng. Sản xuất sản phẩm mộc từ cây tre không sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng và ngăn ngừa chất thải nguy hại xả thải ra môi trường. Với nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn, hiện nay anh đã mở rộng cơ sở và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Cơ sở của anh Tuyên đã tạo việc làm cho lao động địa phương
Hiện nay trên địa bàn xã Khuôn Hà đã hình thành hai cơ sở sản xuất, chế biến các sản phầm được làm từ tre, gỗ và cây song, cây mây… Đặc biệt là cốc, chén bằng tre đã được tiêu thụ ra các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… bước đầu đã cho hiệu quả rất tốt, tạo được việc làm ổn định cho lao động địa phượng. Đây mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ lẽ hộ gia đình, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhưng bước đầu đã cho thấy người dân ở đây đặc biệt là lực lượng thanh niên đã biết giữ gìn và khôi phục những ngành nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch và biết khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.
Những sản phẩm được làm từ cây tre truyền thống
Để người dân chú trọng phát triển nghề thu công truyền thống thành những làng nghề thực sự, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điền kiện cho các hộ gia đình tiếp cận với nguồn vốn, KHKT, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng… Có như vậy thì việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch tại địa phương mới đứng vững được. Khi có làng nghề thủ công phát triển, các địa phương có thể đưa các làng ghề truyền thống vào các tour du lịch để vừa giới thiệu cho du khách những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất các mặt hàng truyền thống, qua đó tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống cũng như các ngành nghề ở nông thôn phát triển.
Theo: dulichlambinh.gov.vn