Du lịch sinh thái rừng

Thứ ba, ngày 09/10/2018 - 11:14
Đã xem: 6,046 views

Hầu hết các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh đều gắn liền với rừng, bắt nguồn từ rừng. Với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, rừng gần như vẫn được giữ nguyên vẹn, các điểm du lịch sinh thái tại Na Hang, Hàm Yên, Sơn Dương, Lâm Bình... đang là lựa chọn của những khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm.

 

Cọc Vài - một điểm tham quan lý tưởng của du khách ở huyện Lâm Bình. Ảnh: Hải Hương

Tuyên Quang hiện có hơn 41.000 ha rừng đặc dụng cùng với rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái tại đây đang được thực hiện nghiêm ngặt. Giữ được rừng, nguồn nước, cảnh quan môi trường tự nhiên chính là điều kiện phát triển bền vững cho sự phát triển du lịch của tỉnh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang nói riêng và huyện Na Hang nói chung có nhiều cảnh đẹp như: Hồ Thủy điện Tuyên Quang, Đền Pắc Tạ, Đền Bắc Vãng, Đền Nà Tông, Phiêng Bung, Khu rừng đặc dụng Tát Kẻ - Bản Bung, hang Nậm Trang, hang Mu Măn, núi Khau Tép. Cho đến nay các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, thông pà... đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được cây nghiến nghìn năm tuổi với đường kính rộng từ 4 - 5 m. Chính sự độc đáo từ những loài động vật quý hiếm như loài Voọc mũi hếch cũng đã đủ để nơi đây trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên trọng điểm của Quốc gia.

Trước nhu cầu của khách du lịch, hiện Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang đã nghiên cứu, đánh giá mô hình khách nước ngoài đến khu bảo tồn nghiên cứu về đa dạng sinh học kết hợp du lịch, cùng với các chương trình, dự án bảo tồn dựa vào cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái của tỉnh, để đây không chỉ còn là Khu dự trữ thiên nhiên hay Khu bảo toàn loài sinh cảnh mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến đây.

Ngày 28-1-2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Na Hang gắn với cảnh quan, hang động, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, hạt nhân là du lịch sinh thái khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và trên lưu vực sông Gâm gắn với các làng nghề và văn hóa dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các đơn vị liên quan hiện đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng “Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây sẽ là hướng mở để du lịch Na Hang, Lâm Bình nói riêng, du lịch Tuyên Quang nói chung từng bước có mặt trên bản đồ du lịch Việt Nam và vươn ra thế giới.

Khách du lịch tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên tại Khu lâm viên Phiêng Bung,
thuộc địa phận xã Năng Khả (Na Hang).

Rừng đặc dụng Cham Chu có tổng diện tích tự nhiên trên 15 nghìn ha, nằm trên địa bàn 83 thôn, bản của 5 xã: Trung Hà, Hà Lang, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Yên Thuận, Phù Lưu (Hàm Yên). Rừng có ba đỉnh núi cao nằm ở trung tâm gồm: Cham Chu, Pù Loan và Khau Vuông. Khu vực dãy núi Cham Chu là nơi lưu giữ và cư trú của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm như: Voọc đen má trắng; khỉ lông vàng, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ, tắc kè, rắn hổ mang, bách xanh đá, gù hương, trai lý; nghiến, đinh, các loài phong lan... và nhiều loài động thực vật quý hiếm đã từng được coi là các loài quan trọng đang bị đe dọa cần được bảo tồn và liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ IUCN (2013).

Từ ngọn nguồn Cham Chu, 2 huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa cũng xây dựng được nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, như du lịch thác Bản Ba, thác Lụa, thác Nặm Me và thác Mạ Héc… Theo UBND huyện Chiêm Hóa, điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba hiện đang được huyện và các doanh nghiệp đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch trọng điểm của huyện. Thác Bản Ba đã được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2007 và là một trong những điểm đến của những người yêu thích thiên nhiên và khám phá mạo hiểm.

Ông Trần Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Sông Gâm, đơn vị đang quản lý, khai thác tại điểm du lịch sinh thái này cho biết, những năm gần đây, lượng khách du lịch mà đơn vị kết nối với các công ty lữ hành đến với thác Bản Ba tương đối đông. Ngoài việc thăm thú thác, núi rừng, khách du lịch có thể đến thăm các gia đình quanh khu vực, thưởng thức nhiều món đặc sản của đất Tuyên Quang với thịt chua, mắm cá ruộng, xôi ngũ sắc, cơm lam chấm muối vừng, sắn nướng. Đồng thời, tham gia các hoạt động đốt lửa trại, giao lưu với đồng bào dân tộc ở địa phương và tham gia nhiều trò chơi truyền thống như tung còn, đẩy gậy, kéo co...

Du khách khám phá Hồ sinh thái Na Hang.

Hiện nay, ngoài các điểm du lịch có lợi thế như Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch Suối Khoáng Mỹ Lâm, Tuyên Quang đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa sắc tộc tại các khu vực có lợi thế và điều kiện phát triển loại hình du lịch này là huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa với hình thức du lịch chính: Du lịch Hồ sinh thái Na Hang; Du lịch sinh thái gắn với cảnh quan, hang động, khu bảo tồn thiên nhiên; Du lịch văn hóa sắc tộc gắn với sinh thái nông nghiệp, văn hóa dân tộc ít người... Từ lợi thế này, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ như các dự án của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Tập đoàn Vingroup cùng các dự án phát triển Khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm, Phiêng Bung; Khu du lịch sinh thái Na Hang...

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tỉnh luôn xác định, phát triển du lịch, trong đó có sinh thái rừng là tất yếu. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành văn hóa - thể thao và du lịch và các địa phương tích cực thu hút đầu tư, tập trung mở mang sản phẩm, loại hình để du lịch sinh thái rừng trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Theo TQĐT