Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp: Bước đột phá phát triển du lịch

Thứ hai, ngày 03/12/2018 - 08:57
Đã xem: 701 views

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, du lịch Tuyên Quang đã tạo được bước đột phá, phát huy tiềm năng, đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Khách du lịch thăm di tích lán Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Quốc Việt

Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng

Một trong những giải pháp đầu tiên mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện là đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Giai đoạn này, đơn vị đã hoàn thành quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 (được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2016); Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2073/QĐ-TTg, ngày 22-12-2017); lập nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình (Chiêm Hóa); lập hồ sơ Khu Di sản thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di sản thiên nhiên quốc gia đặc biệt...

Các điểm du lịch có tiềm năng được tập trung đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về hạ tầng du lịch như đường giao thông phân khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung, thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang; dự án hạ tầng du lịch khu du lịch sinh thái Na Hang; điểm di tích thắng cảnh Động Tiên (Hàm Yên); khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; dự án cải tạo suối Khuôn Pén thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và chỉnh trang các dịch vụ phục vụ du lịch tại xã Tân Trào...

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm hoạt động hái chè tại xã Tân Thành huyện Hàm Yên.

Đây cũng là giai đoạn mà tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư và khai thác hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch nhất từ trước đến nay. Đó là Tập đoàn Mường Thanh đầu tư khách sạn 4 sao Mường Thanh; Tập đoàn Vingroup xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl tại xã Phú Lâm và Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang, được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Dự án Trung tâm lữ hành và dịch vụ du lịch Tuyên Quang của Công ty TNHH Thành Tín; Công ty TNHH Nga Viên tại Khu du lịch sinh thái Na Hang; Công ty TNHH Sông Gâm tại Khu du lịch sinh thái thác Bản Ba...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh chủ động mời và hỗ trợ 62 đoàn khảo sát của các doanh nghiệp, đơn vị truyền thông; cung cấp thông tin và tư vấn hỗ trợ kịp thời các công ty lữ hành và du khách khi có yêu cầu tìm hiểu về du lịch Tuyên Quang cũng như xây dựng các tua, tuyến du lịch. Tổ chức Chương trình khảo sát “Khám phá dòng sông Năng và Vườn Quốc gia Ba Bể - Một hành trình hai điểm đến” liên kết, hợp tác trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, khai thác, xúc tiến quảng bá du lịch giữa tỉnh Tuyên Quang với 17 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch ba miền Bắc-Trung - Nam.

Bà Nguyễn Thị Hinh, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) phát triển
dịch vụ homestay phục vụ du khách.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 288 cơ sở lưu trú, với 2.946 phòng, 4.116 giường (trong đó có 83 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng); trên 200 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn, trong đó nhiều nhà hàng đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu riêng; 7 công ty lữ hành đang hoạt động đưa, đón phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang; dịch vụ vận chuyển khách du lịch đã có sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, như xe khách Bảo Yến, Hồng Thịnh, Cường An, 6 công ty kinh doanh dịch vụ taxi, 1 công ty kinh doanh dịch vụ xe buýt... với các dịch vụ ưu đãi tốt, giá cả hợp lý.

Hình thành, phát triển các loại hình mới

Nếu như nhiều năm trước, du lịch Tuyên Quang vẫn khá loay hoay với việc định hình sản phẩm du lịch, thì giai đoạn này, việc xác định thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh trên cơ sở khai thác phát huy thế mạnh, giá trị độc đáo, nổi trội và đang dần khẳng định thương hiệu riêng biệt của vùng đất xứ Tuyên được đặc biệt chú trọng. Trong đó, tỉnh tập trung vào 4 loại hình chính là du lịch lịch sử - văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch lễ hội, với 12 tua, tuyến du lịch được kết nối.

Huyện Na Hang lần đầu tổ chức Ngày hội Văn hóa du lịch vùng cao tại các xã Côn Lôn,
Hồng Thái và Đà Vị vào tháng 10-2018 nhằm tạo cú huých cho phát triển du lịch.
Trong ảnh: Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hồng Thái. Ảnh: Quang hòa

Mỗi loại hình đều đã xây dựng được những sản phẩm tạo được dấu ấn trong lòng du khách. Cụ thể, du lịch lịch sử - văn hóa có điểm nhấn là khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; du lịch tâm linh đã hình thành thương hiệu “Vùng đất linh thiêng”, “Miền đất mẫu” với điểm nhấn là Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tạo ấn tượng với các điểm du lịch tại Na Hang, Lâm Bình thì du lịch lễ hội nổi tiếng khắp đất nước với sản phẩm Lễ hội Thành Tuyên độc đáo, riêng có.

Giai đoạn này đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch Lâm Bình - Na Hang. Để lại ấn tượng với du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều điểm đến hấp dẫn như danh thắng Cọc Vài, hang Khuổi Pín, danh thắng 99 ngọn núi, ruộng bậc thang Hồng Thái, các điểm du lịch cộng đồng tại các thôn Nà Tông, Nà Đông (Thượng Lâm), Nà Muông (Khuôn Hà) và Nặm Đíp (Lăng Can), Khau Tràng (Hồng Thái). Tỉnh đã thu hút được Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Công ty cổ phần Tư vấn Bảo tồn Di sản Toàn Cầu hỗ trợ phát triển du lịch. Trước ưu thế về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hiện nay, tỉnh ta đang triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa). xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang)...

Khách du lịch mua các mặt hàng nông sản tại gian hàng của các xã tham gia Ngày hội.
Ảnh: Huy Hoàng

Lượng khách du lịch đến với Tuyên Quang không ngừng tăng theo các năm. Nếu như năm 2016, tỉnh thu hút 1.440.500 lượt khách du lịch thì dự kiến trong năm 2018 sẽ thu hút 1.675.700 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch cũng tăng từ 1.239 tỷ đồng năm 2016 lên 1.504 tỷ đồng trong năm nay. Ngành du lịch phát triển đã tạo việc làm cho khoảng 14.200 lao động địa phương.

Trong báo cáo đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhận định, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng du lịch Tuyên Quang phát triển vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để khắc phục điều này, từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành sẽ tập trung huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng và nâng cấp hạ tầng các khu, điểm du lịch theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Khu du lịch trung tâm thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm và vùng phụ cận. Đồng thời, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành các bước xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ xây dựng Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO đưa vào danh mục hồ sơ di sản thế giới.

Theo TQĐT