Dấu ấn du lịch xứ Tuyên

Thứ năm, ngày 03/01/2019 - 15:04
Đã xem: 581 views

Nhìn lại chặng đường năm 2018, du lịch xứ Tuyên đã có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên rõ rệt. Nhìn vào các số liệu thống kê cho thấy, niềm tin vững chắc về một tương lai tươi sáng cho du lịch của tỉnh nhà đang trở thành hiện thực.

 Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lần đầu tiên du lịch tỉnh ta đã cán đích trên 1,7 triệu lượt du khách, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng. Tỉnh đã xác định du lịch là một trong 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.

Gian hàng quảng bá các sản phẩm du lịch Tuyên Quang tại Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2018 tại Cao Bằng.

Năm 2018, huyện Na Hang đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa du lịch vùng cao lần thứ nhất tại xã Hồng Thái gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình được công nhận là danh thắng Quốc gia. Vừa qua, khu bảo tồn được Chính phủ công nhận xếp hạng danh thắng Quốc gia đặc biệt. Tỉnh đã phối hợp với tỉnh Bắc Kạn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, để nơi đây thành “trung tâm” du lịch của miền Bắc.

Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, trong năm 2018 bộ nhận diện du lịch Xứ Tuyên đã được hình thành. Logo có biểu tượng ngôi nhà sàn truyền thống và slogan (khẩu hiệu du lịch) “Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ” đã được lựa chọn, đưa vào sử dụng phục vụ quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, Đề án Du lịch thông minh của Tiến sỹ Trần Quang Vinh - Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đang dần hoàn thành để trình Hội đồng khoa học cấp tỉnh. Đề án góp phần “mở ra một trang mới” cho du lịch xứ Tuyên. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động thông minh, du khách có các thông tin cần thiết về từng điểm di tích, lễ hội, khách sạn, nhà hàng, tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm của du lịch xứ Tuyên.

Việc tăng cường liên kết du lịch vùng tiếp tục được chú trọng và triển khai thực hiện hiệu quả. Bên cạnh liên kết du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” của 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái -Tuyên - Hà, tỉnh ta còn liên kết du lịch với các tỉnh lân cận như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhờ vậy, tua tuyến du lịch được mở rộng, phát triển, thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức hàng năm cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể và sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Người dân đã chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các sản vật địa phương để phát triển du lịch bền vững. Trong năm, du lịch homestay đã phát triển ở các địa phương. Các huyện, thành phố đều có chiến lược phát triển, quy hoạch du lịch homestay. Một số “làng” homestay đã khởi sắc đón nhiều lượt du khách, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Tiêu biểu như: Làng homestay Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); làng homestay Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); làng homestay Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)... Đồng thời, hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp tư nhân như Xuân Trường, Vingroup, Mường Thanh, FLC cũng đã và đang nghiên cứu đầu tư vào mảnh đất du lịch xứ Tuyên đầy tiềm năng.

Hy vọng rằng, với những dấu ấn nổi bật đã đạt được trong năm 2018 sẽ tạo đà và là động lực để du lịch xứ Tuyên “cất cánh”, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Theo TQĐT