Ưu tiên phát triển du lịch

Thứ sáu, ngày 25/01/2019 - 08:31
Đã xem: 1,076 views

Huyện Sơn Dương đang chuyển mình bừng sức sống mới, nhưng luôn giữ gìn hình ảnh đẹp về một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng qua những địa danh lịch sử, lễ hội, đình đền... Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để huyện phát triển mạnh ngành du lịch.

 

Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Quang Hòa

Từ lâu, Sơn Dương đã được du khách thập phương biết đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào - Nơi đây từng là Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có nhiều điểm di tích thu hút đông đảo khách tham quan. Đó là các điểm di tích như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái...

Với thế mạnh về du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái, huyện đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng homestay tại Làng văn hóa - du lịch Tân Lập xã Tân Trào với 13 hộ gia đình tham gia. Anh Hoàng Văn Dự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào nói, để phát triển du lịch, huyện đã tổ chức cho đại diện 13 hộ đi thăm quan một số mô hình ở các tỉnh và tập huấn nghiệp vụ nấu ăn, kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch. Gia đình anh đã chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch -đẹp. Khách du lịch đến sẽ được nghỉ, thưởng thức các món ăn truyền thống do chính gia đình anh phục vụ. Ngoài ra, đội văn nghệ thôn với 30 thành viên do anh phụ trách cũng thường xuyên sưu tầm những tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Tày, xây dựng chương trình luyện tập phục vụ trong những dịp lễ hội và phục vụ khách du lịch.

Khách du lịch mua đồ lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Quang Lê

Để góp phần quảng bá hình ảnh quê hương cách mạng và tiềm năng du lịch của địa phương, vừa qua, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức Cuộc thi Sáng tạo sản phẩm lưu niệm du lịch huyện Sơn Dương năm 2018. Tham gia có 130 sản phẩm của các tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện. Trong đó, sản phẩm “Quạt giấy lưu niệm Tân Trào” của Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương đã đoạt giải nhất tại cuộc thi. Anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đoàn trường cho biết, sản phẩm “Quạt giấy lưu niệm Tân Trào” do các em học sinh của trường sáng tạo và làm ra từ chất liệu tre, giấy. Đây là một món quà tặng vừa gần gũi, vừa ý nghĩa của các em với mong muốn giới thiệu với du khách về những địa danh lịch sử tiêu biểu như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái... Qua đó, giúp du khách hiểu hơn về mảnh đất và con người Sơn Dương.

Theo bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện, toàn huyện hiện có 226 di tích, trong đó có 46 di tích cấp quốc gia, 84 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, còn có những thắng cảnh thiên nhiên như: Thác Đồng Bừa xã Đông Lợi, Thác Đồng Phai xã Hợp Thành...; hệ thống đình, đền với những sinh hoạt tín ngưỡng phong phú, đa dạng. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thêm 10 cơ sở lưu trú và trên 58 nhà hàng ẩm thực, nâng tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện lên 33 cơ sở và 120 cơ sở phục vụ ăn uống giải khát có từ 20 chỗ ngồi trở lên, với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng; phục dựng, trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đền Đức Ông xã Sơn Nam và đền Ất Sơn xã Hào Phú, chùa Tây Thiên xã Văn Phú...; duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Cầu mùa tại đình Tân Trào; lễ hội Cầu may tại đình Hồng Thái; lễ hội Cầu đinh, Cầu lão tại Đình Quang Tất, xã Hòa Phú, lễ hội đình Thọ Vực xã Hồng Lạc... Tính đến cuối năm 2018, các khu, điểm du lịch của huyện đã đón tiếp trên 750.000 lượt khách tham quan, du lịch, đạt 104,9% kế hoạch. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt gần 570 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch.

Lễ hội Đình Thọ vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) được tổ chức vào dịp đầu năm mới thu hút đông đảo
du khách thập phương. Ảnh: Huy Hoàng

Với mục đích biến tiềm năng thành thế mạnh, huyện đã và đang xây dựng nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển du lịch địa phương, xã hội hóa đầu tư du lịch. Đồng thời, đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, giữ gìn cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Qua đó, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch; tăng doanh thu xã hội từ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo TQĐT