Từng chùm hoa lê trắng muốt, mang vẻ đẹp tinh khôi giữa non ngàn. Lúc này, thời tiết đang trong cữ rét. Trên những thân cây gầy, gió đã bứt và mang đi cả một mùa lá rụng. Nếu không có những chùm hoa trổ bông, người ta sẽ dễ nhầm là vạt cây lê kia đang chết khô bởi sự cỗi cằn. Mùa hoa đã mang đến một sức sống mới trên đỉnh rừng Khau Tràng, thuộc xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Đứng ở đây, dõi mắt về bốn phía, tôi đều bắt gặp trong cái gam màu xám lạnh của đá một nhịp điệu sống đang bừng thức ở quanh mình. Thỉnh thoảng, những cánh hoa nhỏ, trắng muốt, tinh khôi ấy theo gió cuốn đi, nom như một bờ mây trắng.
Đoàn họa sĩ tham gia Trại sáng tác
Phía xa kia, cánh đồng ruộng bậc thang Khau Tràng đương vào đổ ải. Nhịp điệu mùa màng bắt đầu khi dáng xuân còn sung sức. Từ hàng trăm năm nay, cuộc sống ruộng đồng của người Dao Tiền ở Hồng Thái vẫn vậy. Mỗi mùa đi qua, hạt gạo nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ. Giữa màu xanh xám lạnh của đá núi, cây rừng, từng bản làng Dao thấp thoáng hiện ra bên triền đất dốc. Dường như ở Hồng Thái, khó có thể tìm được một khoảng đất bằng phẳng. Muốn cất dựng một căn nhà, đồng bào ở đây đành phải đẽo núi tạo mặt bằng. Trong chuyến đi thực tế lên miền non cao, đoàn họa sỹ tham gia trại sáng tác mỹ thuật mang tên “Vũ điệu mùa xuân Việt Bắc” và các anh, chị nhà văn quân đội đều có chung một cảm nhận về sức sống bền bỉ mà đồng bào đã tồn tại, phát triển qua hàng trăm năm, nơi đất dốc và màu đá xám lạnh. Chỉ có hoa lê vẫn trắng một trời thương nhớ.
Tôi hỏi Trung tá, Nhà văn Đỗ Tiến Thụy về cảm nhận của anh trong chuyến đầu tiên ngược rừng lên với Hồng Thái. Trầm ngâm một lát như muốn để cảm xúc dồn lại, Thụy bảo:
- Đẹp và giàu bản sắc.
Trung tá, Nhà văn Đỗ Tiến Thụy là bạn học cùng lớp, thời còn ở ngôi trường mang tên Cụ Nguyễn Du. Anh hơn tôi dăm tuổi. Phom người cao, gầy, nhưng văn chương thì chắc nịch. Lâu rồi chúng tôi không có dịp gặp nhau. Giờ đây, anh đang là Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh lên với Tuyên Quang nhân dịp trại sáng tác mỹ thuật do Quỹ sắc màu thời gian phối hợp tổ chức. Đây cũng là trại mỹ thuật thu hút hàng chục họa sỹ của Trung ương và địa phương tham gia. Mặc dù không phải trại viên, song khi trại vừa khai mở, Nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy đã tức tốc khăn gói lên Xứ Tuyên. Trong buổi tối, trước khi có chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Na Hang, chúng tôi đã gặp lại nhau. Anh bảo:
- Trại sáng tác mỹ thuật chỉ là cái cớ thôi nhé. Cái chính là anh lên đây chơi với chú cùng nhà thơ Đinh Công Thủy và cảm nhận sâu hơn về Tuyên Quang.
Thụy có ý muốn tôi đi cùng anh và đoàn họa sỹ đi thực tế sáng tác ở huyện Na Hang. Nghĩ nhiều việc còn dở dang chưa làm xong, nên tôi có ý định từ chối. Đến khi nhà thơ Đinh Công Thủy đế thêm vào, tôi đã nhận lời.
Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi xuất phát từ Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, qua thành phố Tuyên Quang để bắt đầu cho chuyến hành trình lên với rẻo đất non ngàn Hồng Thái. Cả đoàn xe rùng rùng chuyển bánh, ngang qua huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa rồi ngược lên huyện vùng cao Na Hang. Lộ trình dài hàng trăm km, bám theo những cung đường cua tay áo. Hầu hết trong đoàn họa sỹ đi thực tế sáng tác đều lần đầu tiên lên với miền đất huyền thoại, nên mọi người có vẻ hào hứng. Hai bên đường, những khu dân cư hiện ra thấp thoáng, mang vẻ đẹp thanh bình, ấm cúng. Dòng sông Gâm xanh ngắt, uốn lượn dưới chân núi. Dòng sông ấy đang rì rào lách qua ghềnh thác mà đổ nước xuôi dòng. Mọi người trong đoàn đều trầm ngâm, dõi mắt xuống dòng Gâm để ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho rẻo đất này.
Lên đến trung tâm huyện lỵ Na Hang, trời đã vào trưa. Hành trình từ đây sẽ còn gần 50 km nữa mới đến được Hồng Thái. Nắng bắt đầu hửng, nhưng vẫn còn giá rét. Gió từ những dãy núi đá quét lên mặt hồ từng đợt sóng trào dâng. Những chiếc thuyền trở khách du lịch chòng chành bên mép nước. Chúng tôi dừng lại ở Bến Thủy, ngay dưới chân núi Pắc Tạ. Đây cũng là điểm hợp lưu của sông Năng và sông Gâm, tạo ra một vùng lòng hồ rộng lớn. Từ đây, cả đoàn sẽ lên thuyền, bám theo nhánh sông Năng để ngược lên bến Đà Vị mà vào Hồng Thái. Trên suốt cả hành trình, lòng hồ như tấm áo xanh khổng lồ mở ra mênh mang. Rừng vẫn một màu ngằn ngặt. Gió thổi từng cơn buốt giá. Hoa phặc phiền biết nở ở nơi nào trong cái màu xanh thăm thẳm của nước và của rừng? Càng ngược thượng nguồn nhánh sông Năng, lòng hồ càng như thắt lại. Vẫn những cơn gió tràn ra trong hõm núi, quất mạnh vào người. Em vội khoác lên mình tấm áo rét và bắt đầu hát những bài ca của núi. Giọng em hòa vào trong gió, trong tiếng thì thầm của sóng xô.
Có lẽ, mỗi chuyến đi sẽ luôn để lại trong tôi và trong em những kỷ niệm đằm sâu. Bài ca hôm nay em hát, chính là ngọn lửa cháy lên trong tôi bao nhiêu kỷ niệm. Với Na Hang, với Hồng Thái, tôi đã đến và đi nhiều lần. Song, mỗi lần đến, lại thấy biết bao nhiêu điều mới lạ. Và, không chỉ tôi mà cả đoàn họa sỹ và các nhà văn quân đội đều có cảm nhận chung như thế.
Trời đổ sang chiều, dòng sông mây vẫn neo bám trên những ngọn núi đá tai mèo. Những bản Dao ở Hồng Thái nhập nhòa hiện ra chênh vênh bên sườn dốc dựng. Tất cả mọi người đã thấm mệt sau chuyến hành trình dài. Nhưng, dường như trên khuôn mặt ai cũng bừng lên sắc ấm khi chạm vào mùa hoa lê tinh khôi. Cánh họa sỹ bắt đầu hí hoáy chụp ảnh thiếu nữ Dao Tiền bên rừng lê, để sao chép tư liệu, phục vụ công việc hội họa trong những ngày tham gia trại sáng tác. Từng cú bấm máy nắn nót. Từng góc chụp chỉn chu. Đất và người như hòa quyện nhau, tạo nên những gam màu khỏe khoắn. Sau chuyến đi này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm hội họa có giá trị về cuộc sống muôn màu đang bừng thức trên suốt một rẻo núi non hùng vĩ này.
Anh Đặng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái là người theo sát đoàn văn nghệ sỹ. Anh không phải là người dân địa phương, song đã gắn bó với công việc, với mảnh đất núi non Hồng Thái từ nhiều năm nay. Anh kể với tôi rằng, lúc đầu lên nhận công tác, thấy nản lắm. Nhưng ở lâu thành quen, giờ thì luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình rồi, nên chả muốn về phố nữa. Biết là còn nhiều vất vả, đòi hỏi phải có tình yêu mãnh liệt mới giúp anh vượt qua thực tại. Hơn nữa, đường đi lại khó khăn, vị trí địa lý nằm xa trung tâm huyện lỵ. Điều trăn trở của anh Dũng khiến tôi nhớ lại cách đây mươi năm về trước, khi chúng tôi lần đầu lên Hồng Thái. Từ Đà Vị về xã là cả một đoạn đường dài cheo leo bên sườn núi cao. Dạo ấy, đường vẫn gồ lên những lớp đất đá lởm chởm, chứ chưa láng nhựa như bây giờ. Sau những trận mưa rừng, con đường trở nên nguy hiểm hơn. Nước ở các lòng khe cuồn cuộn tuôn chảy, nhiều đoạn đường lở lói và trơn trượt. Chúng tôi đành gửi xe ở Đà Vị mà cuốc bộ vào trung tâm xã.
Những trảng lúa non thiêm thiếp trong các ô ruộng bậc thang. Những bụi hoa dại nở miên man trong cái màu xanh xám lạnh của đá. Hồng Thái chập chờn hiện ra trong sắc màu của rừng, của những mùa hoa đua sắc. Giờ đây, có dịp trở lại nơi này, nhiều cung bậc cảm xúc như thước phim chầm chậm quay về. Và, tôi kịp nhận ra, Hồng Thái đã có sự thay đổi đáng kể về nhịp điệu thiên nhiên. Chỉ có con người vẫn vậy. Họ vẫn bền bỉ neo bám vào đá núi để vẽ nên bức tranh toàn cảnh về sự no đủ, trên suốt cả hành trình đi tìm hạnh phúc của mình.
Trong bữa ăn trưa cùng đoàn họa sỹ đến từ trại sáng tác mỹ thuật mang lên “Vũ điệu mùa xuân Việt Bắc” và đoàn nhà văn quân đội, những câu chuyện hóm hỉnh được mở ra. Ngồi bên cạnh tôi là anh Bàn Tiến Sỹ. Anh là người con của đồng bào dân tộc Dao Tiền, hiện giờ là Chủ tịch UBND xã. Chạm với nhau chén rượu ngô men lá, anh bảo:
- Hồng Thái vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả lắm. Nhưng anh em chúng tôi xác định rồi, muốn đánh thức một vùng đất thì phải tìm cho ra được đâu là thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển. Hiện nay, Hồng Thái chúng tôi đang lựa chọn cây chè San Tuyết, cây lê trở thành những cây trồng chủ lực, gắn với chăn nuôi đại gia súc. Hơn nữa, thiên nhiên, tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ lại là những yếu tố thuận lợi để xã làm du lịch cộng đồng.
- Hồng Thái có những sản phẩm gì đặc trưng để phát triển du lịch? Tôi hỏi.
Anh Sỹ hồ hởi khoe:
- Trên đường vào xã, em có nhìn thấy các thửa ruộng bậc thang không? Với Tuyên Quang, ruộng bậc thang chỉ duy nhất ở xã Hồng Thái. Vào mùa lúa chín, chính những vùng ruộng đó tạo ra cảnh quan hết sức độc đáo. Rồi, Hồng Thái có khí hậu thường chênh so với các địa phương khác của tỉnh vài độ. Đây cũng là điều kiện lý tưởng để cây lê, cây chè San Tuyết phát triển. Hai loại cây trồng đặc trưng này, kết hợp với ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số hiện đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách trong nước, quốc tế.
Vâng, Hồng Thái được xem là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Na Hang. Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Dao Tiền chiếm tới 70%. Riêng hai thôn Khuẩy Phầy và Hồng Ba lại là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Mông. Sự cheo leo, dữ dội của thế đất lại khiến con người nơi đây có đặc tính lành hiền và một sức sống bền bỉ giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Có lẽ, thiên nhiên lẫn vào con người và con người lẫn vào thiên nhiên một cách đồng điệu.
Mùa hoa lê ở Hồng Thái nở trắng suốt dọc chiều thương nhớ. Ánh mắt em, khuôn mặt em vẫn đằm thắm trong màu trắng tinh khôi ấy. Bài hát nào em vừa hát cho tôi. Bài hát mang bao khát vọng về tình yêu xứ sở. Rồi đây, mảnh đất, con người và cả màu trắng hoa lê sẽ chầm chậm lùi lại phía sau lưng mình. Chúng tôi bồi hồi chia tay Hồng Thái để ra trung tâm huyện, kịp hành trình cho chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn họa sỹ và các nhà văn quân đội vào sớm hôm sau.
Chúng tôi xuống núi. Từng giọt nắng lách qua đám mây trắng, bồng bềnh trôi về phía Khuổi Phầy. Ngang qua Đà Vị, giữa thẳm xanh của khu rừng đặc dụng, lòng tôi chợt bồi hồi nhớ về mùa bông con gái. Trên từng khoảnh đất dốc, cây bông Đà Vị bền bỉ bám rễ vào đá, hút những giọt dinh dưỡng hiếm hoi của tạo hóa mà trổ bông. Cảm xúc về mùa bông ấy sau này tôi đã từng viết: “Vạt cải nương đổ ngồng trên núi vắng/gánh thổ cẩm em mang đi rồi/ con suối gập nghềnh réo sôi nức nở/mùa bông còn nở trắng trên tay tôi”. Cứ rộn ràng với cảm xúc về mùa bông trắng như thế, chiều nhọ mặt người, cả đoàn chúng tôi mới ra đến trung tâm huyện. Điểm dừng chân sau một ngày mỏi mệt là tại Ban quản lý Khu du lịch Na Hang. Lúc đến nơi, đã thấy các anh, chị trong Ban quản lý đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ngồi ở đây, chúng tôi đều nghe thấy tiếng rì rầm dội về từ thác Mơ. Ngọn thác chảy từ khu bảo tồn thiên nhiên, qua ghềnh thác mà đổ xuống lòng hồ.
Trong chút se lạnh và ẩm ướt phả ra từ phía triền đá xám, cả một vùng lòng hồ rộng lớn hiện lên nhập nhọa bên dáng chiều thăm thẳm. Bất chợt, ánh sáng của ngọn đèn trên bè cá lồng, dưới chân thác Mơ được thắp lên. Cả một không gian chiều phố núi bình yên đến nao lòng. Những câu chuyện sau chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn họa sỹ và các nhà văn quân đội nhanh chóng được bày ra bên mâm cơm nghi ngút khói. Đêm nay, sau bữa cơm, các anh sẽ nghỉ lại với Na Hang, vùng đất chứa trong lòng biết bao nhiêu huyền thoại. Nhiều tâm sự về nghề, về chất liệu sáng tác được các họa sỹ chia sẻ rộn ràng, cùng cái nồng nã của chén rượu ngô. Dù biết rằng, sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật không chỉ đến sau mỗi chuyến đi, mà nó được ấp ủ, thai nghén ở nhiều góc cạnh của cuộc sống và của tài năng từ mỗi người nghệ sỹ.
Họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là những người nhiều tuổi nhất tham gia trại sáng tác mỹ thuật tại Tuyên Quang. Ông cũng là một trong hai họa sỹ của trại từng được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Những chuyến đi dài, nhưng tuổi tác cũng không làm ông thấm mệt. Trái lại, ông rất hào hứng trong mỗi chuyến đi như vậy. Ông bảo:
- Hương ạ, Trại sáng tác lần này anh tin là sẽ thành công. Anh tạm tính ở đây có hai lứa tuổi, một là đã già và một lứa tuổi còn rất trẻ về mặt tuổi tác. Nhưng có điểm chung nhất là tất cả đều đang sung sức trong sáng tạo mỹ thuật. Lứa già có anh và Lưu Danh Thanh. Còn lứa trẻ phải kể đến tác giả Đào Quốc Huy, Hà Hải… Tuy nhiên, điểm khác biệt của mỗi tác giả nằm ở chỗ là họ đều có ngôn ngữ và phong cách sáng tạo riêng trong hội họa.
Mười ba ngày là khoảng thời gian không đủ dài đối với các họa sỹ tham gia trại sáng tác mỹ thuật lần này ở Tuyên Quang. Nhưng nó cũng là khoảnh khắc sâu đậm trong hành trang của mỗi người nghệ sỹ. Lộ trình đi thực tế không chỉ tại huyện Na Hang mà các trại viên còn có dịp thâm nhập tại địa bàn huyện Yên Sơn và huyện Lâm Bình. Chính tình nghĩa thủy chung, bản sắc văn hóa và thiên nhiên kỳ vĩ của rẻo đất đi qua mới là chất liệu quý giá trên hành trình đi tìm cái đẹp, dưới góc nhìn của hội họa. Tất nhiên, sự nhọc nhằn trong lao động nghệ thuật sẽ mang lại thành công ở phía trước. Cũng giống như hoa lê tinh khôi bên triền dốc dựng, bất chấp ngày nắng đổ, hay cữ mưa dầm buốt giá, qua thời gian âm thầm lách rễ vào mạch ngầm đá xám cỗi cằn, người ta cảm nhận được mùa bông vẫn thao thiết nở.