Xã Trung Minh (Yên Sơn) có 70% đồng bào Dao sinh sống, chủ yếu là các nhánh Dao Coóc Mùn, Dao Đeo Tiền. Trong đời sống, người Dao nơi đây vẫn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình như: Lễ cấp sắc, cưới hỏi, ma chay... Quy trình thực hiện các phong tục đều gắn với những nhạc cụ truyền thống như: Thanh la, chiêng, trống... nhưng nổi bật và sáng tạo nhất là cây kèn Pí lè.
Không biết từ khi nào, tiếng kèn Pí lè đã đi vào đời sống của người Dao nơi đây. Theo ông Bàn Văn Tiến ở thôn Minh Lợi, người truyền dạy cho con cháu về Lễ cấp sắc, kèn Pí lè là nhạc cụ thuộc họ hơi gồm 3 phần: Đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ bọc gỗ thông với thân kèn. Thân kèn là một ống gỗ tròn đục rỗng, có chiều dài từ 30 - 40 cm, chia làm 7 đốt bố trí khoảng cách đều nhau, mỗi đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn tạo thành sự phân chia giữa các gờ, ngoài ra có 1 lỗ ở mặt sau để khi thổi có thể phát ra âm thanh độc đáo hơn. Loa kèn được làm bằng đồng dạng phễu, chiều rộng khoảng 16 cm. Kèn có thể thổi được 72 giai điệu, nhưng hiện nay, người ta chỉ còn thổi được 15 - 16 giai điệu. Mỗi giai điệu thể hiện tâm trạng, ý nghĩa khác nhau như trong lễ cưới thì giai điệu vui tươi, rộn rã; đám tang thì nỉ non, buồn tẻ hay âm nhạc trong lễ cấp sắc cũng rất đa dạng, có khi rất trầm lắng, có khi lại sôi động, vui nhộn. Những giai điệu đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh hay lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời của con cái với cha mẹ...
Ông Bàn Văn Luyến, thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn) hướng dẫn mọi người cách thổi kèn Pí lè.
Được thành lập từ năm 2015, 2 Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao của xã đã thu hút trên 60 thành viên độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi tham gia. Mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên được cùng nhau luyện tập các điệu múa, điệu kèn; các trích đoạn lễ cấp sắc được các thành viên trong câu lạc bộ tích cực tập luyện để biểu diễn mỗi khi có chương trình văn nghệ của xã, huyện và không thể thiếu tiếng kèn Pí lè. Để thổi được kèn Pí lè, các chàng trai phải học rất lâu, ai thực sự tâm huyết và có hơi dài mới thổi được.
Anh Bàn Văn Cường, thôn Khuổi Bốc cho hay, người thổi kèn bằng cách lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn. Khi biểu diễn, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung, vuốt hơi phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh sao cho phù hợp. Anh biết thổi kèn Pí lè từ năm 18 tuổi, càng học thổi anh càng thấy yêu tiếng kèn của dân tộc mình. Mỗi khi rảnh, anh lại lấy cây kèn ra thổi cho các con để các con biết đến tiếng kèn của dân tộc, tiếng kèn đã giúp anh quên hết những mệt nhọc của cuộc sống thường ngày.
Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, đâu đó ở những bản người Dao đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại, song bao đời nay, đồng bào Dao luôn coi kèn Pí lè là nhạc cụ văn hóa truyền thống của dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cũng bởi vậy, cây kèn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, là di sản phi vật thể cần được lưu giữ và kế thừa.
Theo TQĐT