Đa số các dân tộc đều theo chế độ phụ hệ, sau khi cưới hỏi, người vợ phải sống với nhà chồng, chịu sự chi phối của nhà chồng. Tuy nhiên, ở một số gia đình người Tày Tuyên Quang tồn tại tục ở rể. Tập quán này không phải bắt buộc mà tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh cụ thể của hai bên gia đình.
Ông Hoàng Văn Va kết hôn và ở rể tại gia đình bà Nông Thị Giáp, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) được gần 40 năm nay. (Trong ảnh: Ông Hoàng Văn Va và bà Nông Thị Giáp hạnh phúc bên các cháu).
Từ hai năm nay, gia đình ông Hà Văn Tình, thôn Làng Thang, xã Kim Quan (Yên Sơn) có thêm một thành viên mới. Đó là anh Ma Văn Anh, quê ở Hùng Lợi về ở rể. Anh Ma Văn Anh cho biết: “Gia đình vợ không có con trai lại neo người, mong muốn có con rể về sống chung. Tôi tự nguyện ở rể để tiện chăm sóc đỡ đần bố mẹ vợ lúc về già, cũng như gánh vác mọi việc lớn trong gia đình vợ”.
Tục ở rể là tục lệ truyền thống của người Tày. Ông Nông Văn Hoàng, một người am hiểu văn hóa Tày ở xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) nói, trong cuộc sống của người Tày, những gia đình không có con trai nối dõi tông đường, họ thường trăn trở nhiều điều. Chẳng hạn như lo không có người kế thừa sự nghiệp, truyền thống; gia tài không ai thừa kế; lo bản thân sau khi chết không có ai thờ cúng, trở thành ma đói, lang thang đầu đường, xó chợ. Đây là điều mà người Tày không dễ chấp nhận, vì vậy họ đã xây dựng nên phong tục “lấy rể kế thế”. Theo phong tục này, những gia đình sinh toàn con gái, họ sẽ tìm những gia đình có nhiều con trai, hai bên mai mối thống nhất định ngày cưới. Chàng rể được quyền thừa kế tài sản, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nhà vợ.
Theo quy định truyền thống, khi ở rể, chàng trai người Tày phải bỏ tên họ của mình, mang tên họ bên vợ. Tại thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), cách đây 45 năm, ông Hà Văn Đầm lấy bà Nông Thị Sự và ở rể. Sau khi kết hôn, ông Đầm đổi họ thành Nông Văn Đầm. Ngay trong ngày cưới, cái tên này được báo cáo tổ tiên và theo chàng rể đến suốt cuộc đời. Đó là một cách gắn kết mật thiết chàng rể với họ hàng nhà vợ.
Tuy nhiên, ngày nay để phù hợp với xã hội hiện đại thì quy định này giảm bớt đi, thường thì chỉ con cái lấy họ bên vợ. Anh Hà Danh Dự, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn (Yên Sơn) bày tỏ, anh ở rể được 20 năm, sinh được 2 người con. Trong giấy khai sinh, các con anh đều mang họ bên vợ là họ Tạ.
Trong đời sống hàng ngày, người Tày đã tạo điều kiện thuận lợi để con cái hòa hợp đến với nhau dễ dàng. Họ chú ý đến từng hoàn cảnh gia đình, không phân biệt nhà trai - nhà gái. Chẳng hạn như bố mẹ nhà gái sinh con một bề, già yếu không người chăm sóc, nhà trai đều quan tâm, giải quyết một cách hợp lý, đảm bảo cho các gia đình đều có người nối dõi tông đường, góp phần giữ gìn sự êm ấm, hạnh phúc. Đây chính là nét nhân văn sâu sắc, cái nhìn tiến bộ, tích cực của đồng bào Tày.
Theo ông Tống Đại Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang, phong tục ở rể người Tày giải quyết được những hệ lụy xã hội phức tạp mà một số tộc người khác đã và đang vấp phải. Đó chính là vấn đề khao khát tìm con trai nối dõi tông đường, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ảnh hưởng đến đời sống xã hội và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Ngày nay, tục lệ này vẫn tồn tại phổ biến ở nhiều vùng quê mang tính cố kết cộng đồng cao, tạo sự gắn bó tình cảm giữa hai bên gia đình.
Theo TQĐT