TRANH THỜ CÚNG-NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA DÂN TỘC DAO.

Thứ ba, ngày 26/03/2019 - 14:58
Đã xem: 3,246 views

Người Dao ở Tuyên Quang có 9 Ngành: Dao Đại Bản; Dao Tiền; Thanh Y; Quần Trắng; Lô Gang; Coóc Mùn; Quần Chẹt; Áo Dài và Dao Đỏ, người Dao thờ rất nhiều thần thánh.

Thầy cúng chuẩn bị tranh thờ cho lễ Cấp sắc của dân tộc Dao

Các nghi thức tín ngưỡng ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống tâm linh của các ngành Dao từ việc tổ chức tang ma, lễ cấp sắc, lễ cưới hỏi, lễ tết cổ truyền, Rằm tháng Bảy, nghi lễ gia đình, dòng họ…

Trong các nghi lễ không thể thiếu tranh thờ. Với người Dao, tranh thờ là hiện thân của các vị thần không thể vắng mặt trong các nghi lễ quan trọng, nó mang tính giáo dục, nhân văn cao.

Hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, hình vẽ trên tranh thể hiện từ thời sơ khai của người Dao về nguồn gốc hình thành vũ trụ, mối quan hệ giữa vạn vật trong đó có con người. Người Dao quan niệm, đó là các vị thần, đồng thời còn có sức mạnh, quyền lực siêu phàm tác động đến mọi mặt của đời sống tâm linh con người. Ông Bàn Văn Tiến, thầy cúng dân tộc Dao Coóc Mùn, thôn Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết: "Tranh thờ là những vị thần trên Thiên Đình. Trên trời thì có Thiên Đình Thiên Phủ, dưới đất thì có Âm Phủ. Tất cả những bức tranh của người Dao đều có mặt của các vị thần, không thiếu một ai”.

Một số tranh thờ của người Dao cũng có chủ đề giống tranh thờ của một số dân tộc khác như Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan… trong đó phải kể đến bộ tranh Tứ đại Nguyên Súy, về 4 vị thần gồm thần sấm, thần mưa, thần gió và thần mây. Ông Chúc Tà Phây, xóm 24, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, thầy cúng người Dao Đỏ cho biết: Các lễ Tết khác nhau của người Dao lại có những loại tranh riêng, trong đó phổ biến thông dụng là bộ tranh Tam Tượng và bộ Đại Đường Quân. 2 bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi nếu không có thì không thể tiến hành các nghi lễ cúng của dòng họ được, như lễ cúng cầu mùa hay Tết Rằm tháng Bảy (vu lan). Theo ông Phây: "Trên bàn thờ mỗi gia đình đều phải có bộ tranh thờ. Tranh thờ chính là thần linh bảo vệ bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ là chung của tập thể dòng họ nhưng mỗi người phải gánh lần lượt thứ tự từ già đến trẻ. Ví dụ như anh cả được cấp sắc xong rồi thì lại chuyển cho người em thứ hai, xong lại thứ ba... cũng có thể cấp sắc liền một lúc cho 2, 3 anh em ruột thịt luôn, vì làm như thế cho tiết kiệm được thời gian và vật chất... Cấp xong hết cho các chú rồi thì chuyển cho con, cháu (nhưng phải là con trai), cháu trai. Một năm có 4 cái Tết, Tết Nguyên đán, Thanh minh, Rằm tháng Bảy, Tết cơm mới. Tất cả những cái Tết ấy, anh em họ hàng mỗi gia đình phải có mặt đầy đủ và phải đem 1 chai rượu, 1 con gà, 1 ống gạo đến đóng góp bây giờ thêm ít tiền mặt để bồi dưỡng cho các thầy cúng.

Tranh thờ của người Dao thể hiện niềm tin tưởng với thần thánh, với con người về vũ trụ, về các hiện tượng trong cuộc sống từ thủa xa xưa. Ngày nay, mặc dù khoa học phát triển, lý giải hợp lý, tin cậy về các hiện tượng này nhưng người Dao vẫn lưu truyền những câu chuyện cổ xưa và giữ gìn bộ tranh thờ.

Lý giải vì sao những bộ tranh này lại có sức mạnh đến vậy, ông Phùng Văn Hơn, người Dao Quần Chẹt, thôn Lục Liêu, xã Thanh Phát, Sơn Dương cho biết: Với một dân tộc rất trọng đạo lý như người Dao thì những bức tranh ấy không chỉ là tín ngưỡng mà còn là niềm tin. Dù quan niệm của người Dao về vũ trụ còn mang tính sơ khai, nhưng thông điệp trên những bức tranh ấy lại rất rõ ràng và có tính giáo dục cao. Người Dao cho rằng các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc của con người và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác, việc giả dối... Chỉ cần nhìn bộ tranh các vị thần được khắc họa oai nghiêm, dữ dằn như bức Tứ đại Nguyên Soái Tam Thanh, thì ai có ý nghĩ xấu xa, những mưu đồ đen tối sẽ bị phát hiện và đẩy lùi.

Tranh của người Dao không phải ai xem vào lúc nào cũng được, mà phải vào đúng ngày hành lễ người ta làm lễ báo cáo xin phép tổ tiên mới được mở. Thông thường vào những ngày Tết, các dòng họ lại đem tranh thờ ra để con cháu đến học lễ nghi phép tắc. "Bộ tranh phải thuê thầy vẽ họa. Khi vẽ xong phải thịt một đầu lợn, thịt một con gà lông đẹp sắp lễ, sau đó cúng lễ khoảng 1 ngày, bức tranh đưa ra khai quang thì mới có giá trị. Trước kia người Dao có Tết Niên Liên, là học cúng thần xong treo tranh lên để con cháu trong dòng tộc đến học chữ học làm thầy, học nghĩa lễ, phép tắc… của dân tộc mình".

Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao, dù là lễ cúng có quy mô của một gia đình nhưng luôn tập trung rất đông bà con trong dòng họ, làng xóm. Các bức tranh cúng thường được treo trên vách hoặc tường nhà được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho người chưa biết. Nội dung trong tranh thờ cúng của người Dao chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, tính nhân văn cho con người. Vì thế, tục thờ tranh dân gian liên quan đến đạo giáo của người Dao được bảo tồn từ đời này qua đời khác. Tranh thờ là một nét đẹp văn hóa, nhân văn, lại mang tính giáo dục cho con người, nên cần được giữ gìn và bảo tồn.