Nghị định 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/5/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2019

Thứ ba, ngày 06/08/2019 - 10:00
Đã xem: 2,688 views

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Du khách nước ngoài thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Theo nội dung của Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là Cảnh cáo; phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung (a) Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch; quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; quyết định công nhận điểm du lịch; quyết định công nhận khu du lịch; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch;(b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng;(c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả (được quy định tại Điều 3).

Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (quy định tại Điều 5).

* Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch gồm:
- Vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch;
- Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành;
- Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch;
- Vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch;
- Vi phạm quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch;
- Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với cơ sở lưu trú đã được công nhận hạng;
- Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch khác;
- Vi phạm quy định về nghĩa vụ của khách du lịch;
- Vi phạm quy định về kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch;
- Vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch, khu du lịch;
- Vi phạm quy định về vận tải khách du lịch bằng đường bộ;
- Vi phạm quy định về vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa.

* Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đối với cấp sở):
- Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: (a) Phạt cảnh cáo; (b) Phạt tiền đến 500.000 đồng; (c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 500.000 đồng.
- Chánh Thanh tra cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền: (a) Phạt cảnh cáo; (b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; (c) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25.000.000 đồng; (đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

                                                                                                                                                                                              Nguyễn Hải