Trong chuyến hành trình từ trung tâm thị trấn Sơn Dương theo Quốc lộ 2C, du khách đi 15 km là đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đến đây du khách được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành, tham quan quần thể khu di tích, được trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, những nét sinh hoạt độc đáo xa xưa của đồng bào Tày miền sơn cước, đặc biệt thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã của núi rừng ngay dưới nếp nhà sàn homestay ở Làng văn hóa, du lịch Tân Lập.
Hồ Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào
Khám phá và trải nghiệm Tân Trào, du khách sẽ được các nhóm hướng dẫn tour du lịch nội bộ. Các nhóm này là các hộ gia đình của xã Tân Trào đã được các chuyên gia của Tổ chức phi lợi nhuận NPO - AVENUEN, Nhật Bản đào tạo làm du lịch cộng đồng. Theo tour du lịch nội bộ, điểm tham quan đầu tiên của du khách sẽ là Đình Hồng Thái. Đến đây, du khách được tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng, không gian, kiến trúc, nét văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc miền núi.
Theo chân nhóm hướng dẫn du lịch cộng đồng, du khách vào thôn Tiền Phong, xã Tân Trào để trải nghiệm hoạt động hái chè, sao chè cùng bà con trong vùng, được thưởng ngoạn non nước hồ Tiền Phong và khung cảnh đầm sen sẽ khiến bạn có cảm giác vô cùng thú vị. Ông Yamanaka KoiChi, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận NPO - AVENNUE, Nhật Bản nói: Chúng tôi đã tổ chức cho một số đại diện của hộ gia đình xã Tân Trào đi học tập mô hình du lịch cộng đồng đã thực hiện thành công ở trong nước, và chính những người dân đóng vai trò để tổ chức thực hiện tour du lịch nội bộ. Có thể nói đây là hướng đi mới, góp phần phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống của người dân trong vùng.
Các chuyên gia của Tổ chức NPO - AVENUEN, Nhật Bản
hướng dẫn các hộ gia đình tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm sao chè tại Thôn Tiền Phong, xã Tân Trào
Từ trụ sở UBND xã Tân Trào, du khách chỉ cần di chuyển hơn 1 km là vào Làng nghề Chè Vĩnh Tân, rong ruổi trên cung đường bê tông uốn lượn dưới chân đồi, những hàng chè xanh ngát trải dài tít tắp, du khách sẽ lạc vào miền xanh bất tận. Đứng trên đỉnh đồi cao, phóng tầm mắt nhìn xuống, những đồi chè lúp xúp tròn vo, được phủ đầy sóng chè. Nắng lên, chiếu xuống những búp chè xanh mơn mởn căng tràn sức sống, phô bày vẻ đẹp huyền ảo cùng với hạt sương mai, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Đến với những đồi chè Vĩnh Tân vào bất cứ thời điểm nào mà du khách, nhất là các bạn trẻ chụp lại những khoảnh khắc đẹp nhất ở nơi đây.
Làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào
Trong hành trình du lịch về với Tân Trào, bên cạnh việc tham quan quần thể khu di tích, du khách được khám phá vẻ đẹp của khu rừng già nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, được ngắm nhìn rừng hoa phách tím nở tràn trề khắp núi rừng, những vách đá rêu phong và đắm mình vào không khí mát dịu của dòng nước Lũng Tẩu.
Bên cạnh khám phá vẻ đẹp của địa phương, việc thưởng thức ẩm thực là điều khiến du khách thích thú trải nghiệm. Tân Trào là sứ sở của món cơm lam truyền thống là món ngon phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc miền núi. Cơm lam ở Tân Trào cũng được làm theo cách thông thường, không có nhiều khác biệt so với các vùng núi khác và cũng là một nét ẩm thực khó quên của mảnh đất này. Gạo làm cơm lam phải là gạo được sản xuất ở cánh đồng lúa tưới bằng dòng nước suối nguồn trong vắt chảy ra từ dãy núi Hồng quanh năm mây phủ, tạo ra sản phẩm gạo có vị ngon đặc trưng ít có nơi nào sánh được. Gạo nếp và nước được cho vào ống tre gai bánh tẻ, dùng chuối bịt kín lại rồi đốt. Cơm chín, gọt bỏ lớp tre cháy đen bên ngoài cho đến khi phần bao bọc ruột cơm chỉ còn lại một lớp màng mỏng. Khi ăn, giữ cả lớp màng ruột tre và chấm với muối vừng hay lạc rang dã nhỏ, tất cả hòa quyện với nhau tạo thành vị thơm bùi ngậy cũng đủ để thấy sự bình dị của sản vật dân dã khó quên.
Tìm hiểu cách làm cơm lam, chúng tôi đến nhà gặp gỡ chị Triệu Thị Thành, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Chị Thành cho biết: là người dân tộc Dao đến làm dâu ở Làng Tân Lập hơn 20 năm, nhưng chị đã có hơn 10 năm chuyên làm cơm lam phục vụ du khách đến tham quan Khu di tích lịch sử Tân Trào.
Gia đình chị Triệu Thị Thành, thôn Tân Lập, xã Tân Trào làm món cơm lam truyền thống
Đến với đồng bào dân tộc ở đây, du khách còn được thưởng thức món xôi ngũ sắc 5 màu, gồm trắng, xanh, đen, đỏ, vàng, là sự kết hợp hài hòa của lá cây cơm đỏ, cơm đen, cơm tím, cây nghệ, gừng hoặc riềng lá xanh. Đồ xôi bằng chõ đất nung, xôi không bị bén lửa, lửa phải đều, đượm than. Tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp hấp dẫn của xôi ngũ sắc, hòa quyện mùi vị đặc trưng của các loại lá rừng thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo, béo ngậy, chắc chắn du khách không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng, với những dư vị thật độc đáo và khác lạ. Ngày lễ tết, mâm cỗ của bà con dân tộc Tày không thể thiếu món xôi ngũ sắc, là sản vật hội tụ được những giá trị truyền thống, mang triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, thể hiện sự đảm đang khéo léo của phụ nữ dân tộc Tày. Đồng thời, thể hiện khát vọng yêu thương, tình đoàn kết, tình yêu son sắt thủy chung của đồng bào dân tộc.
Về Tân Trào sau khi đi tham quan các di tích lịch sử, mời du khách nhớ ghé thăm Làng Văn hóa, Du lịch Tân Lập để được trải nghiệm và được thưởng thức hương vị của cơm lam, xôi ngũ sắc. Hai món ăn này rất gần gũi với người dân miền núi, nhưng rất lạ với người miền xuôi. Du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã vừa ngon vừa sạch được bà con dân tộc ở đây chế biến từ những sản vật đặc trưng của núi rừng như: măng tươi nhồi thịt, rau dớn rừng, canh củ đao, cá bống được bắt ở suối hay bắt ở sông Phó Đáy… Nhiều món vừa là thức ăn hàng ngày vừa là vị thuốc chữa bệnh như: Canh lá đắng tốt cho đường ruột, bi chuối nộm, rau ngót rừng, rau bồ khai. Đồng bào dân tộc ở đây còn có quả tai chua rừng phơi khô là thứ gia vị kho với cá, hay nấu canh cá thì quả là tuyệt. Món trám xanh kho thịt béo ngậy tạo nên hương vị đồng quê. Không chỉ thưởng thức những món ăn truyền thống, du khách có thể tự trải nghiệm làm cơm lam, xôi ngũ sắc, tìm hiểu nét văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi này. Độc đáo hơn, du khách không khỏi bâng khuâng khi ăn một bữa cơm dân dã với hương vị ấy ngay dưới những nếp nhà sàn homestay ở Làng văn hóa du lịch Tân Lập.
Làng văn hóa, du lịch Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang
Không những được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực độc đáo, dân dã, du khách còn được nghỉ ngơi ngay trên dưới mái nhà sàn truyền thống của đồng bào tộc Tày, với không khí trong lành, mát mẻ, thoáng đãng và yên tĩnh.
Làng Văn hóa du lịch Tân Lập có 20 nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Vào ngày nghỉ lễ hàng năm, lượng khách tham quan khu di tích và đăng ký ở homestay khá lớn để trải nghiệm, khám phá quần thể khu di tích. Du khách có thể đến Nhà hàng Hiên Nhiên, nhà hàng có 2 nhà sàn vừa phục vụ ăn uống, tổ chức các sự kiện, vừa là nơi cho du khách ngủ nghỉ cho khoảng 200 - 300 khách/ngày. Nhiều đoàn du khách ngủ tại nhà khác trong làng, nhưng lại chọn ăn uống tập trung tại Nhà hàng Hiên Nhiên. Cùng đoàn chuyên gia của Tổ chức NPO - AVENUEN, một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản đến tham quan và ăn, nghỉ trưa tại nhà bà Ma Thị Bản, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, chúng tôi được bà Bản cho biết: Mỗi tháng gia đình bà đón tiếp từ 2 - 3 đoàn khách, và đáp ứng đẩy đủ khi khách yêu cầu được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt đời sống, ăn, nghỉ.
Làng Văn hóa, du lịch Tân Lập đã hội đủ những yếu tố để trở thành làng homestay đặc sắc. Du khách được thưởng thức trọn vẹn nét kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, tín ngưỡng của đồng bào Tày. Dưới nếp nhà sàn, du khách được trải nghiệm, khám phá hoạt động sản xuất nông nghiệp, văn hóa sinh hoạt ngày thường của nông dân miền núi như; xay lúa, giã gạo, cày ruộng, bắt cá, trồng cây nông nghiệp ..và chế biến, thưởng thức các sản phẩm do mình thu hoạch. Tạm gác lại náo nhiệt của đô thành, du khách hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, thưởng thức những điệu then, đàn tính, điệu múa của cô gái, chàng trai người Tày, người Dao làng Tân Lập cũng đủ cảm giác phấn chấn, thư giãn giữa khung cảnh núi rừng Việt Bắc.
Du khách thích thú trải nghiệm hoạt động xay lúa, giã gạo tại Làng văn hóa, du lịch Tân Lập
Kết thúc chuyến hành trình tham quan khu di tích Tân Trào, trải nghiệm và thưởng thức các món ăn dân dã của núi rừng, bạn nhớ mang theo cơm lam, xôi ngũ sắc, những đặc sản của núi rừng Việt Bắc về làm quà cho người thân và bạn bè, mang theo nỗi nhớ nhung lưu luyến vùng đất và con người Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang bình dị mà ấp áp, cũng đủ để níu giữ bước chân du khách.
Theo sonduong.gov.vn