Về nơi cội nguồn cách mạng

Thứ ba, ngày 20/08/2019 - 14:31
Đã xem: 4,160 views

Những ngày mùa thu tháng 8 về với vùng đất ATK Sơn Dương, nơi có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, mỗi người đều dâng lên cảm xúc tự hào xen lẫn niềm vui trước sự đổi thay của vùng quê cách mạng. Nơi đây, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tháng 8-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 


Lán Nà Nưa.  Ảnh: D.L

Diện mạo mới 

Tháng 8 đối với người dân vùng Sơn Dương nói chung và người dân xã Tân Trào nói riêng luôn tràn đầy ký ức về một mùa thu cách mạng. Hình ảnh Bác Hồ với mái Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào đã đi vào lịch sử, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Với niềm tự hào ấy, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc các xã ATK đã nỗ lực, phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào Viên Tiến Thăng phấn khởi, xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để Tân Trào có “bàn đạp” phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tiếp theo. 

Hiện nay, xã Tân Trào đã cứng hóa được trên 40 km đường bê tông nông thôn, trên 13,5 km kênh mương nội đồng, hệ thống trường học, trạm y tế, chợ nông thôn đều được xây dựng đạt chuẩn. Đời sống của người dân trong xã được nâng lên, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt trên 31 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 22 triệu đồng so với năm 2011, không còn hộ dân sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Kinh tế của xã từng bước chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của từng loại sản phẩm, liên kết trong đầu tư, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung tạo thành vùng hàng hóa, xây dựng thương hiệu chè Vĩnh Tân, gạo Tân Trào…

Chè Vĩnh Tân đã có sản phẩm tham gia Liên hoan Festival Chè Thái Nguyên và đoạt Cúp “Búp chè vàng”. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị sản phẩm chè Vĩnh Tân, từ các nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, thôn Vĩnh Tân được đầu tư cải tạo hơn 40 ha giống chè già cỗi sang các giống chè đặc sản có năng suất cao như giống chè 025, Ngọc Thúy, Bát Tiên. Hộ ông Phạm Văn Đáng làm giàu từ cây chè với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Ông Đáng cho biết, với 1 ha chè của gia đình, vào thời điểm chè rộ mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, sau khi xuất bán trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Ngoài hộ ông Đáng còn rất nhiều hộ trong thôn có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ sản xuất chè như hộ ông Phạm Văn Rẫn, Phạm Văn Ngãi, Phạm Văn Thách…


 Ông Lương Văn Phúc (bên trái) thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện làm giàu từ trồng rừng sản xuất.

Mảnh đất Minh Thanh với đình Thanh La, suối Lê đã đi vào thi ca, giờ được khoác lên mình tấm áo mới bởi được đầu tư hạ tầng cơ sở khá đồng bộ với những đường thôn được bê tông phẳng lì; đường nội đồng, kênh mương cứng hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, vui chơi của người dân. Đồng chí Ma Triệu Phú, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh khẳng định: Xã đổi mới về mọi mặt trong những năm gần đây nhờ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và những nghị quyết hợp lòng dân của tỉnh, của huyện, đã gắn kết được sức mạnh tổng hợp để xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong vòng 9 năm, xã đã làm được 49 km đường bê tông, 27 km kênh mương nội đồng, 12 nhà văn hóa thôn bản.

Ông Hoàng Hữu Tương, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Đon khoát tay về phía những con mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn đầy ắp nước nói: “Đấy! chưa bao giờ người nông dân dẫn nước vào đồng ruộng lại dễ như bây giờ. Sào ruộng, chắc chỉ đôi tiếng là đủ nước. Chứ trước kia thì phải cả buổi chưa chắc đã đủ”. Rồi ông liệt kê, thôn đã làm được 4 tuyến mương dài gần 2.000 m, một tuyến đường nội đồng qua 35 ha đất trồng lúa đặc sản, nhà văn hóa thôn trên 300 triệu đồng với phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh.  

Sức sống mới

Về Tân Trào hôm nay, du khách không chỉ được thăm những di tích lịch sử, mà còn được tham gia những hoạt động trải nghiệm đầy thú vị. Trưởng thôn Vĩnh Tân, Phạm Ngọc Thảnh giới thiệu: Từ trụ sở UBND xã Tân Trào, di chuyển hơn 1 km là vào Làng nghề Chè Vĩnh Tân. Đường vào thôn Vĩnh Tân đi trên những cung đường bê tông uốn lượn dưới chân những đồi chè xanh ngát, trải dài tít tắp, xanh mơn mởn. Du khách có thể leo lên đỉnh đồi cao, phóng tầm mắt nhìn xuống, nhìn những đồi chè tròn vo, được phủ đầy sóng chè, tạo thành bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Vẻ đẹp tự nhiên của những nương chè cộng với thương hiệu chè Vĩnh Tân đang mở ra cho thôn hướng phát triển mới, đó là phát triển sản phẩm chè gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch lịch sử.

Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào hào hứng, hiện xã đã khôi phục được Làng văn hóa Tân Lập làm du lịch homestay và đang nỗ lực làm thêm du lịch trải nghiệm ở làng chè Vĩnh Tân, hồ Nà Nưa, rừng nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu. Phát triển loại hình du lịch này kết hợp với tua du lịch lịch sử đang có, Tân Trào sẽ níu chân du khách nhiều hơn và đây là cơ hội để người dân trong xã phát triển kinh tế tốt hơn.

Rời Tân Trào, chúng tôi đến với vùng đất Lương Thiện, một trong những xã khó khăn nhất của vùng ATK Sơn Dương với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng những năm gần đây đã đổi thay nhiều. Chủ tịch UBND xã Lý Tiến Tình khoe, hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng mới trên 10 km, tỷ lệ học sinh các cấp được đến trường đạt 100%; trụ sở làm việc của xã, trạm y tế được đầu tư khang trang; cơ sở vật chất, nhà văn hóa 8 thôn bản và nhà văn hóa trung tâm được đầu tư xây dựng; hệ thống loa truyền thanh, mạng internet được nối đến các thôn. Kinh tế đã có bước phát triển khá, tập trung chủ yếu vào phát triển trồng 700 ha rừng sản xuất, 40 ha chè, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 8% năm.

“Sự đổi thay này là nhờ có hỗ trợ của Đảng và Nhà nước” ông Lương Văn Phúc khẳng định. Ông Phúc bảo, trước đây người dân khó khăn chỉ trông vào canh tác có ít chè và trồng lúa. Khi tỉnh quy hoạch rừng sản xuất giao cho dân, cùng với đó là các nguồn vốn hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nên người dân đã phát triển được rừng. Từ trồng rừng, người dân đã có của ăn của để. Chỉ độ 2-3 năm nữa khi diện tích rừng đang độ khép tán của thôn được thu hoạch, thì người dân thật sự khấm khá.

Chứng kiến những đổi thay của các xã vùng ATK Sơn Dương, chúng tôi cảm nhận rõ sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây, đang viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới.

Theo TQĐT