Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không những chứa đựng giá trị lịch sử, nhân văn, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Trước nguy cơ trang phục truyền thống các dân tộc đang dần bị mai một, đồng bào dân tộc thiểu số các xã ATK huyện Yên Sơn đã có những cách để giữ gìn, bảo tồn những giá trị nghệ thuật trong từng bộ trang phục.
Trang phục truyền thống các dân tộc được trình diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao
các dân tộc huyện Yên Sơn năm 2018.
|
Các xã ATK huyện Yên Sơn gồm: Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan, Trung Sơn, Công Đa, Phú Thịnh, Đạo Viện, Mỹ Bằng có chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc đều có trang phục thể hiện nét độc đáo, ý nghĩa và sự sáng tạo riêng có của dân tộc mình như: Dân tộc Mông có trang phục màu sắc sặc sỡ; trang phục người Nùng với những đường nét đơn giản, hài hòa, hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng; trang phục dân tộc Dao lại đa dạng về kiểu dáng, màu sắc...
Những nét đặc trưng đó trên trang phục đã được đồng bào nơi đây giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ. Bà Cu Thị Dụ, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn chia sẻ, người Mông trong thôn vẫn thường hướng dẫn nhau cách thêu thùa trên trang phục. Các bà, các mẹ mỗi khi rảnh lại cùng ngồi thêu; những ngày cuối tuần, các con, cháu không đi học lại được các bà, các mẹ hướng dẫn học thêu, để sau này có thể tự thêu trang phục cho mình.
Phụ nữ dân tộc Dao thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn) thêu hoa văn
trên trang phục truyền thống.
|
Việc bảo tồn trang phục truyền thống còn được thực hiện thông qua việc mặc trang phục trong các dịp lễ, Tết hay những ngày quan trọng ở địa phương. Anh Thèn Văn Phúc, Trưởng thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi nói, trước đây, trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ người sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng giảm, nhất là ở nam giới và người trẻ tuổi. Vì vậy, như đã thành thông lệ, trong mỗi chương trình, sự kiện được tổ chức tại thôn, xã, tất cả người dân đều mặc trang phục của dân tộc mình, như: Giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các xã ATK; trong đám cưới...
Theo ông Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hiện nay, một số dân tộc còn giữ được bộ trang phục truyền thống như: Dao đỏ, Dao Quần trắng, Dao Quần chẹt, Mông, Nùng... Các ngành Dao như: Dao Coóc Ngáng, Ô Gang với trang phục đã có sự cải biên, chủ yếu chỉ dừng lại ở bảo tồn trang phục phụ nữ và được mặc trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, cúng bái hoặc biểu diễn văn nghệ. Trong số những nguyên nhân của sự biến đổi, mai một trang phục truyền thống phải kể đến sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội. Chưa kể, hiện nay để may và trang trí một bộ trang phục truyền thống tốn nhiều công sức và thời gian. Trong khi đó, vải sẵn ngoài thị trường vô cùng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, giá rẻ, không tốn như việc trồng bông, lanh, dâu tằm để tạo sợi dệt vải. Ngoài ra, công tác lưu giữ, truyền nghề cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức...
Phụ nữ dân tộc Dao thôn Vàng ngược, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn luôn sử dụng
trang phục dân tộc mình dịp lễ, tết.
|
Bởi vậy, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Việc bảo tồn trang phục truyền thống là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Do đó, cùng với các cấp chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng. Từ đó có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình.