Cùng với các dân tộc khác, trang phục truyền thống là một trong những di sản văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Dao đỏ ở huyện Na Hang. Những bộ trang phục nhiều màu sắc thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỷ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ của những người phụ nữ Dao đỏ nơi đây.
Phụ nữ dân tộc Dao thôn Bản Lục, xã Đà Vị khâu trang phục truyền thống.
Đồng bào Dao ở Na Hang chiếm 23,5% tổng số dân toàn huyện, sinh sống chủ yếu ở các xã: Đà Vị, Sơn Phú, Năng Khả, Thanh Tương, Sinh Long... với nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú và giàu bản sắc. Đặc biệt, một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng của người Dao đỏ chính là bộ trang phục truyền thống, gồm: Khăn đội đầu, khăn quàng cổ, áo, quần, yếm, thắt lưng. Trên nền quần áo màu đen, người Dao đỏ sử dụng 4 màu chủ đạo là: Đỏ, vàng, xanh và trắng để trang trí cho bộ trang phục.
Hòa vào bức tranh lộng lẫy đầy sức sống của thiên nhiên, núi rừng Na Hang là những bộ quần áo rực rỡ sắc màu của các chàng trai, cô gái dân tộc Dao đỏ. Theo những người am hiểu về văn hóa dân tộc Dao đỏ, thì trang phục của người phụ nữ Dao đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài màu đen hoặc màu chàm. Họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ. Gắn liền với những chiếc áo dài, phụ nữ Dao đỏ mặc những áo bên trong, giống như những cái yếm để che kín phần ngực và bụng. Mỗi thân áo được đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc phía sau lưng. Nếu trang phục của phụ nữ Dao đỏ cầu kỳ bao nhiêu thì trang phục của nam người Dao đỏ lại rất đơn giản, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần. Khăn đội đầu của nam, nữ Dao đỏ giống nhau, được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ, vàng và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn...
Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục Dao đỏ không bị mai một cùng thời gian, người phụ nữ Dao đỏ đã tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho các em gái. Bà Phùng Thị Tòng, dân tộc Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được dạy may, thêu trang phục truyền thống của dân tộc. Vì vậy, đến khi trưởng thành bà đã biết may, thêu một bộ trang phục hoàn chỉnh cho mình và những người thân trong gia đình. Hiện nay, bà cũng thường xuyên dạy các con, các cháu cách làm trang phục truyền thống, qua đó vừa thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Dao, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ông Triệu Tiến Phin, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, xã có trên 70% là đồng bào Dao đỏ, việc giữ gìn trang phục truyền thống luôn được chính quyền và nhân dân trong xã quan tâm, chú trọng. Trong những ngày lễ, Tết, tổ chức đám cưới, tiệc vui hay có khách quý đến nhà, bà con sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhiều sắc màu. Còn trong lao động hàng ngày, bà con vẫn có những bộ trang phục riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trên địa bàn giữ gìn nghề dệt truyền thống, giữ nguyên nét đẹp trong trang phục từ ngàn đời để lại.
Với những nét độc đáo, đặc trưng riêng trên trang phục truyền thống, vừa qua dân tộc Dao đỏ huyện Na Hang và các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Sơn Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực để người Dao đỏ ở Na Hang tiếp tục gìn giữ và phát huy hơn nữa nét độc đáo, đặc sắc trên trang phục truyền thống của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Nguồn: Báo Tuyên Quang