Tuyên Quang phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Thứ hai, ngày 28/10/2019 - 14:51
Đã xem: 2,484 views

Tuyên Quang là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Tuyên Quang đã có những bước chuyển mình và đạt được những kết quả quan trọng.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 28-KL/TU ngày 18/5/2016 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 23/6/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020;  Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ.

Khách du lịch quốc tế với các sản phẩm thủ công truyền thống

Nội dung Nghị quyết và các văn bản đều được quán triệt tới cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc đẩy mạnh, nâng cao, tạo bước đột phá cho sự phát triển của du lịch Tuyên Quang. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và chủ động triển khai sớm các nhiệm vụ kế hoạch được giao nên du lịch Tuyên Quang đã có chuyển biến tích cực. Trong năm 2018, tỉnh đã thu hút 1.760.600 lượt khách du lịch, đạt 105% kế hoạch, tăng 10,7% so với cùng kỳ; doanh thu xã hội về du lịch 1.556 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 12,8% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã đón 1.730.700 lượt khách du lịch đạt 92,7%  kế hoạch, tăng 10,5% so với cùng kỳ, tổng thu 1.562 tỷ đồng đạt 91,8% kế hoạch, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 324 cơ sở lưu trú, 11 công ty lữ hành quốc tế và nội địa đang đưa đón phục vụ khách du lịch. Sản phẩm du lịch có bước chuyển biến tích cực, đa dạng hơn, chất lượng được đổi mới. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả thiết thực, tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, du lịch gắn với các sự kiện chính trị của tỉnh để quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang đến với du khách. Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong nước, trong khu vực ngày càng được mở rộng.

Du lịch Tuyên Quang đạt được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc và chung tay của các cấp các ngành và các cơ quan truyền thông đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá.

Các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm, nông thổ sản, hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh tại Lễ hội Thành Tuyên năm 2019

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Tuyên Quang xác định thực hiện một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới như sau:

- Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính đa ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, thông qua du lịch để gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và hạ tầng phải đi trước một bước, đóng vai trò định hướng và khuyến khích thu hút đầu tư du lịch; Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo tập trung khai thác tối ưu và có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh, trong đó ưu tiên cho phát triển các sản phẩm đặc thù, có giá trị nổi bật thành các sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Tuyên Quang.

- Phát triển sản phẩm du lịch, gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh; Đẩy mạnh sản xuất, chế tạo hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch; Tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên những thế mạnh về tài nguyên và vị trí của Tuyên Quang, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực; Tập trung phát triển sản phẩm du lịch homestay trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành và khai thác một số lễ hội, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch.

Khách du lịch quóc tế thăm quan lòng hồ Na Hang - Lâm Bình

- Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch. Tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ như: Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.

- Đổi mới phương thức quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như truyền hình, internet, mạng xã hội; phát hành rộng rãi các ấn phẩm giới thiệu về con người, lịch sử văn hóa, cảnh quan và sản phẩm du lịch xứ Tuyên trong và ngoài nước; đổi mới và hoàn thiện nội dung, kết cấu website về Du lịch Tuyên Quang, “Lễ hội Thành Tuyên”; Tập trung sản xuất video clip chất lượng cao hoặc các đoạn phim ngắn giới thiệu về Du lịch Tuyên Quang để tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của điểm đến Tuyên Quang trên các phương tiện thông tin truyền thông, kể cả trong nước và quốc tế.

- Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư tại các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, có chính sách huy động các nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và đặc biệt là thu hút sự tham gia, nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp có khả năng tạo dựng thương hiệu mới cho Tuyên Quang.

- Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh; không phát triển du lịch bằng mọi giá, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến gìn giữ bảo vệ tài nguyên, di sản; thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án nằm ở các vùng có tài nguyên du lịch hấp dẫn, nổi trội, có giá trị sinh thái cao.

- Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; có chính sách thu hút đầu tư, hợp tác liên kết nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo du lịch đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch chuyên nghiệp và đẳng cấp; xây dựng mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn; tăng cường tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng cho cộng đồng dân cư tại các bản làng, các điểm du lịch.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và sẽ tạo bước ngoặt mới, vị thế mới về phát triển du lịch của cả nước nói chung và của Tuyên Quang nói riêng. Hy vọng rằng trước những vận hội và thách thức mới, Du lịch Tuyên Quang sẽ phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành Du lịch cả nước cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang./.

Phạm Hương