Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững là mục tiêu của cấp ủy, chính quyền xã Năng Khả (Na Hang) đang phấn đấu thực hiện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Gia đình bà Hoàng Thị Thơ, chủ Homestay San Thơ cải tạo sân vườn trồng hoa để thu hút khách du lịch.
Xã Năng Khả có trên 10.000 ha đất tự nhiên, vị trí địa lý khá thuận lợi với tuyến đường quốc lộ 279, 2C, đường liên huyện. Với lợi thế cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sản phẩm nông nghiệp phong phú, lễ hội đặc sắc, các giá trị văn hóa được bà con dân tộc Tày, Dao gìn giữ. Đặc biệt, Năng Khả là xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện đã tạo tiền đề vững chắc để xã tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới bền vững ở địa phương.
Thôn Nà Khá được xác định làm thôn nông thôn mới nâng cao. Những năm qua, nhiều gia đình tại đây đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Tại đây, du khách được tìm hiểu, trải nghiệm sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán, văn hóa dân tộc. Đến nay, thôn có 8 hộ làm du lịch cộng đồng.
Là người đầu tiên làm homestay ở xã, bà Hoàng Thị Thơ chủ Homestay San Thơ, thôn Nà Khá cho biết, 3 năm qua, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi khi có khách đến nghỉ bà đều mời các thành viên trong câu lạc bộ của thôn đến biểu diễn hát Then, hát Cọi. Với khoảng sân vườn rộng, bà để khách chơi nhảy sạp, đốt lửa trại và một phần diện tích đề trồng hoa, rau sạch. Vì vậy, gia đình bà thường thu hút một lượng khách du lịch nước ngoài nhất định.
Homestay Nà Khá chuẩn bị cơ sở vật chất và ẩm thực phục vụ du khách.
Anh La Anh Thư, chủ Homestay Nà Khá cho biết, nhận thấy nhu cầu khách du lịch đến ngày một đông, anh đã đăng ký tham gia tập huấn về làm du lịch cộng đồng. Đầu năm 2019, gia đình anh đã mạnh dạn sửa sang nhà cửa, san ủi sân vườn tạo cảnh quan để làm dịch vụ homestay. Với diện tích nhà sàn trên 100 m2 có thể chứa gần 40 khách nghỉ. Du khách đến đây được trải nghiệm trồng, hái rau sạch, câu cá, hướng dẫn, tổ chức tham quan các điểm du lịch… Từ khi làm homestay, gia đình anh cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Với độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, trong lành, Phiêng Bung được ví như “ngọc xanh” giữa non nước Nà Hang. Năm 2014, tuyến đường giao thông theo tiêu chuẩn cấp V miền núi được mở vào phân khu Khu du lịch lâm viên Phiêng Bung dài hơn 3,1 km đã hoàn thành, hai bên đường được trồng các loài hoa rực rỡ. Theo quy hoạch chi tiết, tại đây có thể xây dựng các hạng mục vui chơi, nghỉ dưỡng, đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch. Dự án phát triển Khu lâm viên Phiêng Bung đang được các cấp chính quyền triển khai mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư.
Khu du lịch lâm viên Phiêng Bung có hệ sinh thái rừng đa dạng, khí hậu mát mẻ phù hợp xây dựng
các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng.
Ông La Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết, xác định du lịch đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới, vì vậy hiện nay xã đã phối hợp các ngành chức năng khảo sát, lập hồ sơ công nhận di tích hang động Pắc Khoang, thôn Na Chao; cải tạo cảnh quan môi trường, đẩy mạnh mời gọi đầu tư tại Khu du lịch lâm viên Phiêng Bung; khôi phục, duy trì, tổ chức thường niên các lễ hội tại địa phương như lễ hội bắt cá bằng tay không, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ. Đồng thời, Đảng ủy, chính quyền đang lãnh đạo, chỉ đạo, vận động, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, xã đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; đề xuất, kiến nghị với huyện, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng các hạng mục, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 11,9% vào năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/người/tháng.
Theo TQĐT