Chỉ với những vật dụng thô sơ là ống nứa, sợi tơ mỏng manh, sợi chỉ nhỏ đã tạo nên một nét đặc sắc, món ăn tinh thần. Đó là những điệu hát ống của các thành viên CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) đang gìn giữ và phát huy.
Anh Sầm Văn Đạo, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB được thành lập từ năm 2014, với 35 thành viên từ 18-70 tuổi. Mỗi tuần CLB sinh hoạt 1 buổi vào tối chủ nhật tại nhà văn hóa thôn. CLB luôn duy trì những làn điệu hát, múa Sình ca, đặc biệt là điệu hát ống. Đó là một hình thức hát đối đáp, giao duyên, kết bạn… Hát ống không có những lời cổ như hát quan họ hay hát chèo, có thể thay đổi nhịp điệu một cách linh hoạt và lời bài hát thay đổi theo ngẫu hứng và sự phản ứng của người hát, nó xuất phát từ niềm vui trong lao động sản xuất nông nghiệp.
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) đang truyền dạy cho các thành viên CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan của thôn.
Ống hát được chọn những ống nứa đẹp, là nứa nếp dài và thẳng. Sau khi làm sạch, tròn trịa, một đầu ống được bịt lại, rồi nối hai ống với nhau bằng sợi tơ, chỉ hoặc sợi cước với khoảng cách 40-60 mét. Khi hát, một bên dùng ống làm loa để hát thì bên kia đặt ống lên tai để nghe, rồi đổi lại. Cứ thế, sợi tơ mỏng manh khẽ rung lên, truyền đi những âm thanh giai điệu ngọt ngào, tựa như phát ra từ loa nhỏ, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú và say mê.
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn nói, mỗi buổi sinh hoạt của CLB ông lại truyền dạy cho các thành viên một bài hát mới với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới, Đại Phú xây dựng nông thôn mới… Mỗi câu hát thể hiện tài ứng khẩu rất tài tình, thông minh, dí dỏm, hát đi hát lại nhiều lần, uốn từng câu, từng chữ sao cho đúng nhịp. Trong hát ống có thể hát những câu bông đùa, trêu chọc nhau, có thể gây cho bên kia sự bực tức nhưng không bao giờ ghét bỏ, hay giận hờn... Có những buổi hát kéo dài cả ngày trời, cũng có thể còn kéo dài hơn. Lời ca của hát ống chủ yếu được làm theo thể thơ lục bát, vần vè dễ nhớ. Trong hát ống thường là 1 đôi nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nam nữ hoặc 2 đôi nam nữ hát với nhau. Tiếng hát giúp quên đi mệt mỏi sau những ngày lao động mệt nhọc. Cứ như thế, bao nhiêu đời nay mỗi khi vui, lúc buồn người dân nơi đây lại cất cao những lời hát ngọt ngào mà mộc mạc. “Em đố chàng hoa gì sớm nở tối tàn/Trắng, hồng, đỏ thẫm, tím than trong ngày?/Hoa gì trắng đỏ cùng cây?”…
Tiết mục hát ống “Sình ca tỏ tình hẹn ước” của các đôi nam nữ.
Chị Trần Hoàng Thị Yên, thành viên CLB chia sẻ, chị rất thích những điệu hát ống của dân tộc mình. Tham gia vào CLB chị còn được Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn truyền dạy, hướng dẫn cụ thể. Ngoài học hát, múa, chị cùng các thành viên trong CLB còn được ông dạy về lịch sử, văn hóa làng quê. Hơn nữa, mỗi câu hát ống còn thể hiện những ý nghĩa khác nhau, ca ngợi tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa... làm cho đời sống tinh thần của mỗi người thêm phong phú hơn.
Những câu hát ống thường được CLB biểu diễn trong lễ hội đầu xuân mới, trong đám cưới, những ngày lễ kỷ niệm do huyện, xã tổ chức. Giữa bộn bề cuộc sống, người dân nơi đây vẫn dành thời gian cho nghệ thuật với những câu hát ống ngọt ngào. Đó chính là cách mỗi người đang gìn giữ cái hồn văn hóa của dân tộc Cao Lan trên địa bàn.
Theo TQĐT