Ở Tuyên Quang, khi khách đến nhà, gia chủ thường pha chè đãi khách như một nét văn hóa. Vẻ “sành” chè của người xứ Tuyên được thể hiện, chỉ cần nhấp một ngụm là người uống có thể biết đó là chè ngon hay không.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, chè ngon đầu tiên phải nói đến giống chè, sau đó là chất đất, nguồn nước, khí hậu. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố tác động khác, như chè có được trồng ở chỗ nhiều nắng hay không, chè được hái vào ngày nắng hay ngày mưa. Rồi chè phải được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt. Độ to nhỏ của lửa và kinh nghiệm người sao chè rất quan trọng...
Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) giao đất chè đến từng hộ gia đình.
Sau khi chè khô được đánh mốc, lên hương, người ta sẽ ủ chè trong các chum. Chum đựng chè, trên bịt ni lông kín sẽ cho hương vị ngon nhất. Tùy khẩu vị người ta có thể ướp thêm hoa sen, nhài, sói, ngâu. Khi pha chè nước phải sôi già. Để chè ngon phải pha bằng nước giếng khơi. Khi pha người ta tráng ấm chén bằng nước sôi để làm nóng ấm đồ uống. Chè ngon có nước xanh màu mật ong, hương thơm đặc trưng. Lúc uống, đầu tiên cho vị chát rồi chuyển sang ngọt. Chè uống nóng là ngon nhất, nước pha 3 lần mới nhạt là đạt yêu cầu.
Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang được coi là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn, khoảng 9.000 ha chè trung du, chè lai. Sản lượng chè trên 65.000 tấn búp tươi/năm. Cây chè rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Nhiều vùng gò đồi được bà con chuyển sang trồng chè rất thích hợp. Diện tích hàng năm vẫn được mở rộng, cho thấy cây chè ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân.
Vùng chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú (Na Hang) có tuổi thọ lâu năm nhất trên địa bàn tỉnh. Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Na Hang) nói, quần thể cây chè cổ thụ này ước tính có tuổi thọ hàng trăm năm. Đặc tính của chè Shan tuyết là mọc ở trên núi cao, dưới tán rừng nguyên sinh, nơi có khí hậu mát mẻ. Giờ một kg chè tươi Shan tuyết bà con bán với giá 10.000 - 20.000 đồng cho các hộ sản xuất thủ công truyền thống. Chè được đóng gói với mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Mới đây sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà, Hồng Thái, Na Hang được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà biếu Thủ tướng Malaysia nhân chuyến thăm Việt Nam. Điều đó chứng tỏ chất lượng chè xứ Tuyên ngày càng được khẳng định, thương hiệu đang ngày càng bay xa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 45 cơ sở chế biến chè. Một số làng nghề chè như: Vĩnh Tân (Sơn Dương), Làng Bát (Hàm Yên), Ngân Sơn - Trung Long (Yên Sơn)… đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Cảnh, một du khách Hà Nội chia sẻ, ông đã uống nhiều loại chè nhưng thực sự “nghiện” chè xứ Tuyên. Độ ngon của nước và hương vị rất đặc trưng, trong khi giá bán rất phải chăng.
Thưởng thức chè là một nét văn hóa độc đáo. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè rất quan trọng. Từ đó, góp phần tạo sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.
Theo TQĐT