Dọc suốt hai bên đường ra bến Bình Ca, rặng nhãn cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm tỏa bóng rợp. Những chùm nhãn lúc lỉu dưới nắng vàng như sức sống mãnh liệt của người dân Phúc Lộc, xã An Khang (TP Tuyên Quang) qua bao năm vươn lên trụ vững với nghiệp trồng nhãn.
Nhãn cổ - mạch nguồn sống
Giữa những khoảng xanh thẫm của ngô, cây màu được người dân trong xã trồng thành từng thửa là những gốc nhãn cổ thụ sừng sững vươn mình đón gió dòng Lô mát rượi. Bên gốc nhãn hơn 80 năm tuổi của gia đình, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó trưởng thôn Phúc Lộc B, xã An Khang kể về thời cha ông, cụ Nguyễn Văn Huấn người quê gốc Thái Bình lên đây khai hoang mang theo giống nhãn cho quả to, vỏ bóng mịn, cùi dày, vị thơm ngọt đượm.
Những cây nhãn cổ thụ trong vườn gia đình ông Nguyễn Văn Đạo,
thôn Phúc Lộc B, xã An Khang.
Những năm đó, gia đình cụ Huấn có hơn 40 gốc nhãn, người buôn bán ngược xuôi qua bến Bình Ca đều phải trầm trồ buông lời khen nhãn ăn "đã lắm". Khi đó, người dân quê thường mang nhãn đem cho làm quà, bó lại thành túm tròn trịa đựng trong những chiếc làn tre của bà, của mẹ mang theo cho con cháu nơi xa, hay lúc lỉu theo những gánh hàng xén về xuôi biếu tặng những bạn làm ăn phương xa. Nhãn không thành hàng hóa như giờ. Năm cụ Huấn khuất núi, ông Đạo nhớ lời cha giữ rặng nhãn để giữ hồn làng, bóng nước. Ông Đạo bảo, nhãn quả to, đều tăm tắp, có năm ông thu tới 15 triệu đồng/cây. Cây to, gốc phải ba người ôm mới xuể, tán rợp cả xuống mặt đất, có năm mưa bão lớn, gia đình còn mang cây để chống giữ cành. Chất lượng quả tới giờ vẫn được đánh giá ngon nhất vùng. Ông tỏ ra lo lắng với việc chăm sóc cho cây, tuổi cây càng cao, việc chăm sóc khó khăn hơn, bởi nếu không chăm sốc tốt cây sẽ không ra đều quả hàng năm mà sẽ cách năm mới cho quả. Điều đó thật đáng tiếc.
Bà Đặng Hồng Mận, thôn Phúc Lộc B, xã An Khang bên vườn nhãn
chín muộn của gia đình.
Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho mảnh đất nơi đây phù sa màu mỡ, đã trở thành đất lành cho nhãn bén rễ và tồn tại cả trăm năm. Cùng thời với cụ Huấn, gia đình cụ Hoàng Xuân Hòe cùng thôn cũng có gần 50 gốc nhãn. Hiện nay, cả xã ước tính còn khoảng 30 cây nhãn trên 100 năm tuổi. Trong đó, riêng rặng nhãn cổ ven đường Bình Ca có khoảng chục cây, còn lại là những cây nhãn cổ được trồng trong vườn nhà dân... Những cây nhãn to tán lớn, ánh nắng mặt trời khó lọt xuống gốc, vậy nên những trưa hè người ta túm năm tụm ba trò chuyện dưới tán nhãn mát dịu, tình làng nghĩa xóm bền chặt hơn.
Nghề làm long nhãn tại xã cũng vì thế mà phát triển mạnh vào những năm 80 đến 90 của thập kỷ trước. Vì tiếng vùng nhãn ngọt mà người xuôi quê tận Hải Dương, Nam Định tìm về dựng xưởng, đỏ lửa sấy long ngày đêm. Ông Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên khuyến nông xã An Khang cho biết, dạo ấy nhà nào mạnh về kinh tế mới làm theo được cánh người xuôi, bởi phải thu mua số lượng lớn nhãn, rồi thuê người về làm cùi, hong sấy long theo quy trình rất tốn công và tiền bạc. Nhiều nhà như ông Đạo, ông Bích và ngay cả ông Dũng nổi tiếng làm long thời đó. Vụ nhãn mỗi hộ thu về 20 đến 30 triệu đồng là thắng lớn lắm. Nghề duy trì được khoảng chục năm thì dứt cũng bởi sự lên ngôi của long nhãn Trung Quốc giá rẻ hơn.
Mong ước thương hiệu nhãn chất lượng cao
Sát bên những cây nhãn cổ thụ là những rặng nhãn từ 2 đến 5 năm tuổi. Vợ chồng ông Trần Ngọc Bích, bà Đặng Hồng Mận, thôn Phúc Lộc B có 400 gốc nhãn sớm, nhãn muộn Miền Thiết (Hưng Yên), nhãn chín muộn HTM1. Ông Bích bảo, hiện nay nhiều giống nhãn chính vụ ở miền Bắc thường cho quả từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7 dương lịch. Còn giống nhãn chín muộn HTM1 là giống mới được tuyển chọn và là giống cây đặc sản ở một số vùng của Hà Nội, Hưng Yên. Giống cây này cho quả vào nửa đầu tháng 8 đến cuối tháng 9.
Nhờ chất lượng quả thơm ngọt, cùi dày, giòn, màu sắc vỏ sáng đẹp và cho thu hoạch vào thời điểm thị trường nhãn chính vụ đã vãn nên nhãn muộn đã trở thành một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng giống nhãn muộn Miền Thiết được thu sớm hơn, vào khoảng rằm tháng 7, thời điểm quả chín sẽ chuyển từ nâu xanh sang vàng nâu sáng bóng. Quả to và mọng chứ không còn sần sùi như trước. Sau khi thu hoạch xong, ông Bích làm sạch cỏ dại cho cây. Theo ông Bích, cây nhãn muộn Miền Thiết thường gặp một số loại bệnh điển hình như bệnh thối quả, bệnh vàng lá, bọ xít, nhện vàng nên cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời từ đó có biện pháp xử lý cho cây. Nhờ có ba giống nhãn, gia đình ông cho thu từ cuối tháng 6 cho đến tháng 9 dương lịch. Mùa nhãn năm nay gia đình ông ước đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng.
Tổ hợp tác trồng nhãn chất lượng cao An Khang là nơi để các thành viên trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Để chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng những giống nhãn mới, nằm trong định hướng xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới của xã, UBND xã An Khang đã hỗ trợ người dân thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn chất lượng cao. Tổ có gần 20 thành viên, ông Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tổ nhằm hướng dẫn tổ viên về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, cách canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm, cho sản lượng cao, giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất, thu được lợi nhuận cao. Bước đầu tổ hoạt động hiệu quả đã tạo được lòng tin của nông dân bằng chính hiệu quả kinh tế, góp phần đưa phong trào trồng nhãn ở địa phương phát triển. Bởi vậy, khắp nơi nhãn mất mùa, giá bấp bênh nhưng nhãn của các thành viên tổ hợp tác vẫn trĩu quả, giá bán từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ doanh thu trung bình từ 100 đến 200 triệu đồng/vụ. Ông Mai Thanh Thư, thành viên tổ hợp tác chia sẻ, gia đình có 140 gốc nhãn, thuận lợi của tổ hợp tác là diện tích các vườn nhãn liền kề nên dễ chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong khâu chăm sóc. Mỗi tháng, tổ họp thành viên một lần để trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nhau cách sử dụng phân bón, thuốc và thời điểm tưới để mang lại hiệu quả cao, hạn chế sâu bệnh.
Toàn xã An Khang hiện có 30 ha nhãn, tập trung tại các thôn Phúc Lộc A, B, thôn Thúc Thủy. Năm 2020, xã An Khang chủ trương thành lập Hợp tác xã trồng cây ăn quả với cây chủ lực như nhãn, bưởi, chanh tứ thì. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết, thành lập tổ hợp tác là hướng đi đúng trong việc liên kết các hộ trồng nhãn nhỏ lẻ. Thông qua đó, nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật và cải thiện chất lượng sản phẩm nhãn theo hướng an toàn. Trên cơ sở hoạt động hiệu quả, đầu ra ổn định, tới đây địa phương sẽ vận động thêm nhiều người tham gia vào tổ hợp tác sản xuất để tạo vùng hàng hóa đặc trưng của xã. Hiện, UBND xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ tổ hợp tác xây dựng thương hiệu nhãn chất lượng cao, để sản phẩm vươn tới các siêu thị lớn toàn quốc.
Chuyện về cây nhãn gắn với bao ngọt bùi của người dân Phúc Lộc một thời khai hoang mở đất. Nay ở An Khang người dân phát triển nhiều giống nhãn mới trồng đem đến sự đa dạng về chủng loại, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hướng đi đã mở, người dân An Khang có thêm sản phẩm chủ lực cùng với mật ong Phong Thổ, cuộc sống sẽ giàu có hơn.
Theo TQĐT