Du lịch homestay (khách du lịch nghỉ tại nhà dân) là loại hình du lịch mới được quan tâm phát triển mạnh mẽ ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Việc kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững.
Thời gian vừa qua, huyện Chiêm Hóa đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện và thực hiện Đề án thu hút đầu tư xây dựng điểm dừng chân Đèo Gà gắn với điểm du lịch cộng đồng thôn An Phú, xã Tân Thịnh giai đoạn 2018 - 2025. Bên cạnh việc gìn giữ văn hóa bản địa, huyện dự kiến tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, đưa, đón khách, hướng dẫn, thuyết minh, phục vụ ăn uống, lưu trú; kiến thức liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên... Tổ chức cho các hộ gia đình đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương đã làm dịch vụ du lịch cộng đồng hiệu quả; Xây dựng các mô hình tham quan, trải nghiệm cùng người dân như lao động sản xuất, sản phẩm nông nghiệp, tri thức dân gian, tham quan bản làng, nghề truyền thống và mua sắm sản phẩm lưu niệm, nông sản, khám phá danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa... Xây dựng video, tập gấp tuyên truyền, quảng bá về các homestay trên Cổng thông tin du lịch tỉnh (https//: Mytuyenquang.vn), cổng thông tin điện tử huyện, facebook, youtube...; xây dựng các biển chỉ dẫn, quảng cáo các điểm du lịch, các homestay và xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến các điểm du lịch trong huyện.
Mô hình homestay xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa
Đến nay, trên địa bàn huyện có 07 mô hình du lịch cộng đồng, trong đó có 03 mô hình đang hoạt động tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, điển hình nhất là mô hình homestay ở xã Trung Hà. Hiện nay xã có 02 hộ làm homestay thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đồng hành với người dân trong thời gian qua, huyện đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ để hướng tới một ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững theo đúng Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa các làng văn hóa du lịch cộng đồng vừa phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống, gắn kết với hệ thống di tích lịch sử, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để du lịch Chiêm Hóa thực sự có bước phát triển đột phá, thu hút du khách, huyện đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các công ty lữ hành đến đầu tư, khai thác kinh doanh, quảng bá và phát triển du lịch tại huyện./.
Phạm Hương